BAOTAYNINH.VN trên Google News

'Vinashin không thua lỗ 100.000 tỷ đồng'

Cập nhật ngày: 23/11/2010 - 04:46

Bộ Giao thông - Vận tải đã nhận được 20 chất vấn. Trong đó, có 13 câu gửi trực tiếp Bộ trưởng và 7 câu được Thủ tướng uỷ quyền trả lời. Bộ trưởng trả lời bằng văn bản 19/20 chất vấn.

Chấn chỉnh hoạt động Tập đoàn

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã trả lời câu hỏi chất vấn Thủ tướng của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết liên quan đến con số thua lỗ của Vinashin được đại biểu cho là 100.000 tỷ đồng - "số tiền mà một tỉnh thu nhập 1.000 tỷ đồng/năm phải làm một thế kỷ mới có được".

Cho hay các cơ quan nhà nước đang tiếp tục kiểm tra làm rõ hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vinashin, nhưng Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định "không có việc Vinashin thua lỗ đến 100.000 tỷ đồng".

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Văn bản trả lời dẫn số liệu báo cáo của Vinashin và đánh giá của các cơ quan liên quan cho hay, "đến thời điểm 30.6.2010, Tập đoàn có 28 nhà máy đóng tàu đang hoạt động, 14 nhà máy đang được đầu tư. Tổng tài sản là 104.649 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả là 86.565 tỷ đồng. Như vậy, vốn vay, vốn chủ sở hữu đã được sử dụng để tạo ra tài sản thuộc các cơ sở sản xuất kinh doanh và các con tàu đang đóng, các sản phẩm dở dang, dự án đang đầu tư... của Tập đoàn".

Bộ trưởng cho rằng trong lúc Vinashin đang ở giai đoạn khó khăn, khi mà Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cùng với Vinashin đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để tái cơ cấu, cải thiện tình hình sản xuất, kinh doanh và việc làm của người lao động, "việc công bố các số liệu không chuẩn xác về thua lỗ của Vinashin với các suy luận như trên có thể làm dư luận nhầm lẫn, gây bất lợi cho quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp".

Bộ trưởng cũng nhận định tình trạng khó khăn của Vinashin hiện nay do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Báo cáo trước QH về kinh tế - xã hội sáng 20.10, Thủ tướng đã nói: "Thực trạng này có trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ liên quan trong việc quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu. Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm, xác định nguyên nhân và đề ra kế hoạch cụ thể để xử lý, chấn chỉnh các hoạt động của Tập đoàn".
Hạn chót kiểm điểm tập thể, cá nhân: 30.11

Trước phiên chất vấn, Chính phủ đã gửi Quốc hội báo cáo bổ sung về Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin), thông báo thực trạng và kết quả tái cơ cấu bước đầu: còn 259 đơn vị, trong đó 28 nhà máy đóng tàu đang hoạt động, 11 đang đầu tư dở dang. Tổng tài sản còn lại là 95.672 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả 76.241 tỷ đồng.

Chính phủ khẳng định mục tiêu của đề án tái cơ cấu Vinashin là "khả thi". Theo đó sớm ổn định sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, từng bước củng cố uỷ tín, thương hiệu, giảm lỗ, có lãi, trả được nợ, tích lũy và phát triển. Tập trung vào 3 lĩnh vực chính: công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển với quy mô phù hợp, công nghiệp phụ trợ phục vụ cho việc đóng và sửa chữa tàu biển, đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân.

Theo Chính phủ, mô hình Tập đoàn sau khi tái cơ cấu sẽ bao gồm 43 doanh nghiệp, trong đó có 1 công ty mẹ là Công ty TNHH một thành viên Nhà nước là chủ sở hữu, 19 công ty con, 1 công ty liên kết, 22 công ty cháu. Tổng tài sản là 68.243 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả 53.054 tỷ đồng. Tổng số lao động là 29.660 người. Dự kiến doanh thu năm 2015 đạt khoảng 50 nghìn đến 60 nghìn tỷ đồng

Về trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm tại Vinashin thời gian qua, Chính phủ cho hay: "Bộ Chính trị đã giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, chỉ đạo, phối hợp với Ban cán sự Đảng Chính phủ giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư gợi ý và chỉ đạo kiểm điểm đối với các tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm tại Tập đoàn Vinashin, với yêu cầu tiến hành nghiêm túc, thận trọng, chặt chẽ, đúng quy định của Đảng và Nhà nước, xong trước ngày 30.11.2010 để báo cáo Bộ Chính trị".

Về việc bổ nhiệm ông Trần Quang Vũ:

Đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) chất vấn Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng về cán bộ bổ nhiệm thay thế của Vinashin với câu hỏi "ngay sau khi Chủ tịch Tập đoàn, Tổng giám đốc Vinashin bị khởi tố, đã có một số cán bộ được bổ nhiệm và thay thế. Bộ trưởng có biết trước phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực của họ không? Bộ trưởng có tham gia giới thiệu họ giữ chức vụ quan trọng của Vinashin không mà chỉ khoảng một tháng sau các cán bộ được bổ nhiệm đã bị cách chức, khởi tố? Trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề này?".

Văn bản trả lời của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng chỉ ra việc đại biểu muốn đề cập đến việc bổ nhiệm ông Trần Quang Vũ làm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn. Theo đó nêu rõ, thẩm quyền bổ nhiệm Tổng giám đốc điều hành thuộc về Hội đồng quản trị Tập đoàn. Ông Trần Quang Vũ được Hội đồng quản trị Tập đoàn quyết định bổ nhiệm từ ngày 12.6.2009.

"Việc bổ nhiệm ông Trần Quang Vũ đã được Tập đoàn thực hiện quy trình bổ nhiệm cán bộ theo quy định hiện hành. Hồ sơ bổ nhiệm cán bộ đều đã bao gồm các ý kiến nhận xét, đánh giá về phẩm chất đạo đức, trình  độ, năng lực đối với cán bộ được bổ nhiệm của các cơ quan liên quan như địa phương nơi cư trú, đảng uỷ và tập thể lãnh đạo Tập đoàn".

Và tại thời điểm ông Phạm Thanh Bình còn giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị - Chủ tịch Tập đoàn Vinashin thì ông Trần Quang Vũ đã là Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn.

"Vì vậy, việc bổ nhiệm mới mà chỉ khoảng một tháng sau đã bị cách chức, khởi tố là không có" - theo Bộ trưởng Giao thông - Vận tải.

(Theo Vietnamnet)