Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã "thay tên đổi họ" thành Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy trên cơ sở tổ chức lại Công ty mẹ và một số đơn vị thành viên, theo quyết định của Bộ Giao thông Vận tải.
|
Trong quá trình hoạt động, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã lỗ tới 86.000 tỉ đồng |
Theo thông cáo báo chí sáng 31-10 của Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy sẽ có tên giao dịch quốc tế là SHIPBUILDING INDUSTRY CORPORATION (SBIC) hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - công ty con.
Công ty mẹ - Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy là Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân, con dấu, biểu tượng, điều lệ tổ chức và hoạt động; được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Công ty con gồm 8 công ty: Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng; Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bạch Đằng; Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long; Công ty TNHH MTV Đóng tàu Thịnh Long; Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh; Công ty TNHH MTV Công nhiệp tàu thủy Sài Gòn; Công ty TNHH MTV Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn và Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm.
SBIC tại thời điểm thành lập có vốn điều lệ là 9.520 tỉ đồng, với các ngành, nghề kinh doanh chính: Đóng mới tàu thủy, thiết bị và phương tiện nổi; Sửa chữa, hoán cải tàu thủy, thiết bị và phương tiện nổi; Tư vấn, thiết kế tàu thủy và phương tiện nổi; Tái chế, phá dỡ tàu cũ. Ngoài ra, SBIC còn có nhiệm vụ khai thác cảng biển, cảng thủy nội địa, bến tàu, cầu tàu; kinh doanh hoạt động lai dắt, tàu kéo, tàu đẩy, sà lan, phương tiện nổi; xây dựng công trình thủy, nhà máy đóng tàu; sản xuất chế tạo kết cấu thép; các ngành, nghề sản xuất phụ trợ phục vụ trực tiếp cho ngành đóng mới và sửa chữa tàu thủy.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) chấm dứt hoạt động kể từ ngày Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, sau khi được thành lập, SBIC có trách nhiệm kế thừa các quyền, nghĩa vụ pháp lý và lợi ích hợp pháp của công ty mẹ - Vinashin; trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư vốn vào các công ty con, công ty liên kết; chịu trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại Công ty mẹ và vốn đầu tư vào công ty con, công ty liên kết.
Việc thực hiện sắp xếp lại 234 doanh nghiệp thuộc cơ cấu Vinashin trước đây không tiếp tục duy trì trong cơ cấu tổng công ty: Cổ phần hóa, bán chuyển nhượng vốn, chuyển giao, sáp nhập 69 doanh nghiệp; bán, giải thể, phá sản 165 doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các đơn vị thành viên của SBIC tiếp tục thực hiện các quyền, nghĩa vụ pháp lý và lợi ích hợp pháp của đơn vị thành viên với Công ty mẹ - SBIC theo quy định của pháp luật.
Trong thời gian chuyển đổi mô hình tổ chức, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc) và các cá nhân có liên quan của các đơn vị chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ tài sản, tiền vốn của đơn vị, không để hư hỏng, hao hụt, thất thoát.
(Theo NLĐ)