BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vĩnh biệt nhà báo thời kháng chiến Võ Hữu Thành: Trang báo, đời người… 

Cập nhật ngày: 31/12/2023 - 20:52

BTNO - Tin nhà báo Võ Hữu Thành, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Tây Ninh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Tây Ninh, ra đi vào cõi vĩnh hằng lúc 8 giờ ngày cuối cùng năm 2023 khiến cho nhiều người thân, bạn bè, đồng nghiệp hết sức đau xót, cảm thương.

Trao đổi công tác chuyên môn làm báo tại căn cứ thời kháng chiến chống Mỹ (từ phải sang: các nhà báo Nguyễn Đức Tâm, Hồng Thế, Võ Hữu Thành, Phương Hùng, Xuân Quang)

Ngày nay người qua đời ở tuổi 73 chỉ là độ tuổi thọ trung bình của người Việt ta, nhưng dù sao cũng thuộc hàng “thất thập cổ lai hi”. Mọi người xót thương vì hoàn cảnh ông nghiệt ngã quá, vợ ông- một đồng nghiệp làm báo, lìa đời đã lâu do tai nạn giao thông trên đường tác nghiệp.

Ông ở vậy nuôi con. Con gái ông đã lấy chồng xa xứ, con trai ông vừa đột ngột qua đời ở tuổi hơn bốn mươi mà chưa lập gia đình cách nay chưa đầy hai tháng. Những ngày cuối đời ông sao mà quá cô đơn, quạnh quẽ!

Ông Ba Thành (tên thường gọi của ông) là một trong hai người ở Tây Ninh gắn bó với tờ báo Đảng bộ tỉnh nhà trọn vẹn cuộc đời mình. Người thứ nhất là nhà báo Nguyễn Đức Tâm (thường gọi là ông Sáu Tâm) và người thứ hai là ông.

Hai ông đều “xếp bút nghiên” lên đường đi kháng chiến ở tuổi sắp đôi mươi. Suốt từ ngày đầu vào chiến khu cho đến lúc về hưu chỉ theo một nghề, làm một việc: làm báo. Làm báo thời chiến rồi làm báo thời bình, cho đến thập niên đầu thế kỷ 21 mới về hưu.

Về hưu nhưng chưa nghỉ hưu, hai ông lần lượt nối nhau đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh thêm hơn một nhiệm kỳ. Có lẽ trong làng báo chí cách mạng nước ta, ngoài Báo Tây Ninh, hiếm có tờ báo nào có trường hợp tương tự.

Những người làm Báo Tây Ninh luôn tự hào về điều đó, xem điều đó như là truyền thống vẻ vang của đơn vị mình: Tất cả đội ngũ Báo Tây Ninh suốt 77 năm lịch sử đều có “bàn tay sạch”, không ai “vấy bẩn” từ thế hệ làm báo trong khói lửa chiến tranh, đến thế hệ làm báo thời kinh tế thị trường, với bao điều cám dỗ.

Các học viên khoá 8, lớp báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương Cục (tháng 4.1973). Nhà báo Võ Hữu Thành đứng thứ hai từ trái sang.

Ông Ba Thành đến với Báo Tây Ninh, thời còn mang tên Báo Giải Phóng năm 1970, khi vừa rời khỏi mái trường Nam Trung học Tây Ninh. Vào căn cứ Ban Tuyên huấn tỉnh, ông được phân công về làm báo trong Tiểu ban Tuyên truyền, với nhiệm vụ vừa là phóng viên vừa là “cận vệ” của ông Phan Văn (thường gọi là chú Tư Văn), Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên huấn, Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Báo Giải Phóng của Đảng bộ tỉnh Tây Ninh.

Làm báo trong 5 năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, 5 năm chiến tranh ác liệt, cơ quan Báo cơ động nhiều nơi, nhưng là phóng viên ông thường đi cơ sở, tức là đi chiến trường, “ba cùng” với bộ đội, nhân dân vùng giải phóng để nắm tin, viết báo.

Năm 1973 ông Ba Thành được đưa đi đào tạo nghiệp vụ ở Trường báo chí- Ban Tuyên huấn Trung ương Cục. Năm 1974 do tình hình miền Nam biến chuyển khi chế độ Sài Gòn đẩy mạnh “giành dân lấn đất” vi phạm Hiệp định Paris, ông đi cơ sở, bám trụ vùng Nam Toà Thánh tại căn cứ lõm Trường Hoà cho đến khi Tây Ninh giải phóng 30.4.1975.

Sau chiến tranh, nhà báo Võ Hữu Thành là Trưởng Phòng Phóng viên rồi Thư ký Toà soạn. Tiếng là làm báo thời bình, thực tế trên mặt báo, lúc bấy giờ đã mang tên Báo Tây Ninh; ông Ba Thành vẫn có những tin tức về xung đột biên giới, rồi tin chiến sự trong chiến tranh biên giới Tây Nam từ 1977 đến 1979.

Nhà báo Võ Hữu Thành phát biểu tại buổi họp báo giới thiệu công trình trùng tu, tôn tạo Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam năm 2005.

Đến khi quê hương thực sự có hoà bình, những năm đầu thập niên 1980 Tây Ninh bắt tay vào xây dựng kinh tế mà nổi bật nhất là phong trào “Toàn dân làm thuỷ lợi” xây dựng công trình hồ nước Dầu Tiếng, công trình thuỷ nông lớn nhất nước ta, ông Ba Thành với vai trò “phóng viên trưởng” liên tục dẫn “lính” đi khắp các công trường trên địa bàn tỉnh để đưa tin, viết bài cổ vũ phong trào.

Đến thời kỳ đổi mới, nhà báo Võ Hữu Thành đã là Phó Tổng Biên tập Báo Tây Ninh đồng thời vẫn giữ vai trò Thư ký Toà soạn, vừa chỉ huy phóng viên tác nghiệp, vừa tổ chức làm báo vì lúc này báo vẫn còn in chữ chì với những công đoạn đánh máy bản thảo, lên ma-két, sắp chữ “nửa cơ giới, nửa thủ công”.

Trong giai đoạn thập niên cuối thế kỷ 20, tập thể Báo Tây Ninh đều phải vừa học vừa làm: học chính trị, học nghiệp vụ, học ngoại ngữ, học vi tính… để “chuẩn hoá” đội ngũ tiến vào thời kỳ công nghiệp hoá đầu thế kỷ 21 cho đến “thời 4.0” hiện nay. Đầu thập niên 2010, ông Ba Thành về hưu, song vẫn còn chuyên trách vị trí Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh đến hết nhiệm kỳ 2010-2015.

Trọn cuộc đời làm báo, ông Ba Thành luôn là một nhà báo chân chính, không một chút tai tiếng. Trong giai đoạn “cuối thời chiến - đầu thời bình” ông là một phóng viên xông xáo, luôn có mặt kịp thời ở những nơi cần có mặt, luôn phản ánh trung thực những điều cần phản ánh.

Trong những năm làm lãnh đạo Báo, lãnh đạo Hội, ông luôn là một “thủ trưởng” đầy tinh thần trách nhiệm, gần gũi, sâu sát với “lính”, là một người anh thân thiết, chan hoà với đàn em. Ngay cả khi đã hoàn toàn “nghỉ tay”, ông vẫn luôn có mặt tại cơ quan toà soạn và sẵn lòng truyền đạt lại kinh nghiệm tác nghiệp, sẵn lòng làm “nhân chứng sống” mỗi khi họp mặt truyền thống Báo Tây Ninh.

Anh em làm báo gần như “nằm lòng” chuyện ông kể lại  bài học do chú Tư Văn (đồng chí Phan Văn) dạy bảo các phóng viên: Đừng làm báo theo kiểu “ăn chuối không lột vỏ”, để phê bình các tay bút non kém, bộp chộp, không phân tích được “đâu là bản chất bên trong, đâu là hiện tượng bên ngoài của sự việc, sự kiện thông tin”…

Mới hôm nào, ông Ba Thành còn trịnh trọng trao lại kỷ vật thời làm báo kháng chiến: một chiếc bàn viết cá nhân làm bằng nhôm thân máy bay Mỹ gấp xếp được để đeo cùng chiếc ba lô của “phóng viên chiến sĩ”, cho Tổng Biên tập Trần Thị Mỹ Linh khi Toà soạn Báo xây dựng phòng truyền thống Báo Tây Ninh.

Mới hôm nào, ông Ba Thành còn tỏ ra thật vững vàng, bình tĩnh dù “chết cả cõi lòng” lúc đứng ra tiếp khách đến chia buồn khi người con trai duy nhất của ông đột tử lúc nửa đêm. Vậy mà khi đọc những dòng tin của Tổng Biên tập nhắn đến những người làm Báo Tây Ninh, cả những cộng tác viên không thường xuyên, thông báo tình trạng sức khoẻ “ngàn cân treo sợi tóc” của nhà báo Võ Hữu Thành, ai nấy đều sửng sốt, đau lòng dù biết đấy là quy luật không thể tránh khỏi của mỗi kiếp người.

Cầu mong nhà báo Võ Hữu Thành, chú Ba Thành, anh Ba Thành thân thiết của chúng ta sẽ yên nghỉ nghìn thu ở chốn vĩnh hằng.

Nguyễn Tấn Hùng