Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hơn 90 năm trường tồn, Ðoàn Lâm Vũ - Tây Ninh sản sinh ra nhiều lớp đệ tử tài năng, mang về các huy chương, thành tích quý báu. Ðến nay, môn phái này vẫn không ngừng phát triển và cống hiến nhân tài cho phong trào võ thuật tỉnh nhà.
Các võ sinh Ðoàn Lâm Vũ - Tây Ninh thắp hương trước bàn thờ tổ.
Võ phái Lâm Vũ họ Ðoàn (thường gọi là Ðoàn Lâm Vũ) là một chi trong hệ phái võ lâm Bà Trà - Tân Khánh, thuộc nền võ cổ truyền Việt Nam. Hơn 90 năm trường tồn, Ðoàn Lâm Vũ - Tây Ninh sản sinh ra nhiều lớp đệ tử tài năng, mang về các huy chương, thành tích quý báu. Ðến nay, môn phái này vẫn không ngừng phát triển và cống hiến nhân tài cho phong trào võ thuật tỉnh nhà.
Dòng võ Bà Trà - Tân Khánh
Vào nửa cuối thế kỷ XVII, những người Việt từ miền Thuận Quảng miền Trung đã làm một cuộc Nam tiến, khai phá xứ sở Ðồng Nai. Theo lịch sử ghi nhận, chính những di dân này đã lập ra làng Tân Khánh, nay là phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Khi ấy, nơi đây còn là một vùng đất hoang sơ và tất nhiên có rất nhiều thú dữ. Trong hành trình Nam tiến, ngoài công cụ lao động thô sơ, họ còn mang theo những miếng võ của tổ tiên lưu truyền trong những ngày đầu dựng nước.
Vừa để phòng thân, chống lại thú dữ, vừa để rèn luyện thể lực - đó là những miếng võ “miệt rừng” hay còn gọi là võ lâm. Nhưng mãi đến hai thế kỷ sau, miếng võ của những người đi khai hoang mới được nhiều người biết đến.
Ðầu thế kỷ XIX, vua Gia Long lên ngôi và thực hiện chính sách tìm diệt những cựu thần nhà Tây Sơn để trả thù thì mảnh đất Tân Khánh đón tiếp một người con gái xinh đẹp họ Võ. Vừa đặt chân đến, cô mở một quán nước ven đường, trên quầy treo một thanh kiếm, nhiều khách tò mò hỏi, nàng đáp: “Quý khách nào vào uống nước mà không trả tiền thì vui lòng chào thanh kiếm trước khi vào quán”.
Mặc dù xã hội lúc ấy nhiều phương khách đa tình cũng chẳng dám lả lơi, bởi đã có vài bậc anh hùng thử chào thanh kiếm nhưng không thể bước qua. Về sau người ta mới biết cô gái ấy chính là Võ Thị Trà - một hậu duệ của bộ tướng nhà Tây Sơn vào Nam lánh nạn. Ban ngày là cô hàng nước, ban đêm là một nữ tướng với những đường kiếm “Rồng bay phượng múa”. Không lâu sau, nhiều trai tráng trong làng đến xin “thọ giáo”.
Kể từ đấy, Tân Khánh lừng lẫy tiếng tăm như là một vùng đất võ của phương Nam. Ðể rồi tên đất gắn với tên người và khai sinh ra phái võ cổ truyền Tân Khánh - Bà Trà, trở thành huyền thoại bất tử với thời gian.
Cũng trong khoảng thời gian này, lịch sử vùng đất Ðông Nam bộ ghi nhận nữ tướng Bà Trà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống bọn tham quan ô lại địa phương từ căn cứ Truông Mây, trong suốt 10 năm (1850-1859). Hiện nay, trong các tài liệu võ học Việt Nam còn rất nhiều giai thoại về vị thánh tổ Bà Trà được ghi chép lại.
Một tiết mục biểu diễn của võ sinh Ðoàn Lâm Vũ - Tây Ninh.
Sự hình thành và phát triển môn phái Ðoàn Lâm Vũ - Tây Ninh
Người khai sáng, lập nên võ phái Ðoàn Lâm Vũ là võ sư Ðoàn Tam Ðạt (cũng có tài liệu ghi là Ðoàn Văn Ðạt), võ hiệu Lâm Vũ. Ông sinh năm 1902, người gốc làng Tân Khánh thuộc tỉnh Biên Hoà xưa. Tổ sư họ Ðoàn là một cao đồ của thế gia Ðại Cả Chung thuộc dòng dõi Bà Trà. Có chí hướng tự lập và cũng nhằm truyền bá rộng khắp nền võ học của Thánh tổ Bà Trà, ông Ðoàn Tam Ðạt rời làng Tân Khánh tìm nơi lập phái dựng nghiệp.
Năm 1930, ông đến vùng đất Tây Ninh và chọn nơi này làm quê hương thứ hai của mình. Về đây, ông mang theo cả một nền đạo học của Thánh tổ, bao gồm “Nho - Y - Lý - Võ” trao truyền cho người dân ở vùng đất mới Tây Ninh.
Buổi đầu tạo phái dựng nghiệp của võ sư Lâm Vũ có muôn vàn khó khăn gian khổ. Tài sản của ông chỉ là một chiếc xe đạp cổ, bộ áo dài đen sờn cũ kỹ và một chiếc khăn đóng bạc màu. Nghèo nàn và bình dị nhưng ngần ấy đã tạo nên một hình bóng thâm nghiêm, tận tuỵ trên khắp nẻo đường Tây Ninh.
Không những khuyên dạy con cháu cách đối nhân xử thế, sống sao cho phải đạo, ông còn mở trường dạy học, trị bệnh cứu người, ai có tiền thì lấy một ít vốn thuốc thang, ai không có tiền cắt thuốc cho không.
Trường sở to tác, dụng cụ đầy đủ, tư cách pháp nhân được công nhận trên phạm vi toàn quốc, nhưng ông dạy võ chẳng lấy tiền công. Học trò từng lớp đông vui vô kể. Võ đường Ðoàn Lâm Vũ xưa kia ở hai địa điểm.
Một nơi là tổng đàn và cũng là nhà của võ sư họ Ðoàn, toạ lạc tại ấp Hiệp Ðịnh, xã Hiệp Ninh, huyện Phú Khương (nay là ấp Hiệp Ðịnh, phường Hiệp Tân, thị xã Hoà Thành). Hai là võ đường nằm cạnh bờ sông Tây Ninh ở xã Thái Hiệp Thạnh (nay là phường 2, thành phố Tây Ninh), do võ sư, Giám đốc võ đường Ðoàn Văn Hiền (phái hiệu Lâm Phát, con thứ bảy của võ sư Lâm Vũ) đứng lớp giảng dạy.
Những học trò xưa mà võ sư Lâm Vũ đã đào tạo còn có nhiều cái tên như là Lâm Tấn (tức võ sư Ðoàn Phụng Cơ- con thứ năm của ông), Lâm Ðức (võ sư Ðoàn Ðại Ðức- con thứ mười), Lâm Triệu (võ sư Võ Văn Triệu- Bến Cầu), Lâm Huỳnh, Lâm Xuân (võ sư Cao Trường Xuân- Hoà Thành), Lâm Kiếm (võ sư Nguyễn Văn Kiếm- Hoà Thành), Lâm Liệt (võ sư Hồ Oanh Liệt - Bến Cầu), Lâm Tín (võ sư Lê Minh Tín - Ðức Huệ, Long An), Lâm Khánh, Lâm Lập…
Mệnh người có hạn, năm 1970, võ sư Lâm Vũ trút hơi thở cuối cùng, thọ 68 tuổi, để lại cho các môn đệ bao nỗi nhớ thương vô hạn. Tiếc thay, vì những lý do khách quan, võ môn cũng gần như tàn lụi. Mãi tới năm 1994, võ sư Lâm Xuân và các huynh đệ ngày xưa cùng nhau gầy dựng lại môn phái, quyết gìn giữ vốn quý của tiền nhân, không phụ tâm chí của thầy.
Ðoàn lân sư rồng Ðoàn Lâm Vũ - Tây Ninh.
Võ phái lại hoạt động mạnh mẽ với danh gọi Lâm Vũ Môn để hậu thế được học tập, trau dồi bản lĩnh võ công và đạo làm người. Võ sư chưởng môn đời thứ hai Cao Trường Xuân cùng các đồng môn đã truyền dạy lại tất cả cho thế hệ sau.
Những võ sư như Nguyễn Thanh Nhã (Lâm Nhã), Cao Trường Chí Hùng (Lâm Hùng), Ðặng Phong Vinh (Lâm Vinh), Nguyễn Văn Hoà (Lâm Hoà), HLV Lê Thanh Hải (Lâm Hải), HLV Lê Minh Hiếu (Lâm Hiếu), HLV Lê Trung Bửu (Lâm Bửu), HLV Lê Minh Tài (Lâm Tài), HLV Nguyễn A Lin (Lâm Lin - đội trưởng Ðoàn lân sư rồng Ðoàn Lâm Vũ)… đều trưởng thành từ đây.
Ngày nay, các CLB của môn phái Ðoàn Lâm Vũ - Tây Ninh vẫn duy trì tại nhiều địa phương trong tỉnh. Trải đều từ thành thị đến những vùng biên giới xa xôi, mỗi lớp thường có khoảng 30-40 võ sinh, do nhiều thế hệ dẫn dắt. Hằng năm, võ phái Ðoàn Lâm Vũ tổ chức cúng tổ hai lần.
Lễ giỗ Thánh tổ võ lâm Bà Trà - Tân Khánh được tổ chức vào ngày 20 tháng Chạp, hay nói cách khác là ngày tổ nghiệp. Lễ này do lão võ sư Nguyễn Văn Kiếm phụ trách làm tại tư gia (số 241, đường Hùng Vương, phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành).
Còn lễ giỗ Sáng tổ võ phái Ðoàn Lâm Vũ được tổ chức mùng 4 tháng Giêng. Lễ này trước đây do cố võ sư Cao Trường Xuân phụ trách tổ chức tại sân tập (sân Trường tiểu học Lê Thị Hồng Gấm, đường Lạc Long Quân, khu phố Hiệp Ðịnh, phường Hiệp Tân, thị xã Hoà Thành). Từ khi ông mất (năm 2009), lễ giỗ được con trai trưởng là võ sư Cao Trường Chí Hùng phụ trách.
Mới đây, vào những ngày giáp tết, CLB Lâm Hoà (số 381 đường Phạm Văn Ðồng, khu phố Hiệp Hoà, phường Hiệp Tân, thị xã Hoà Thành) phối hợp với Ðoàn lân sư rồng Ðoàn Lâm Vũ tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm thành lập môn phái và 20 năm hoạt động của đội lân. Tại đây, các võ sư, võ sinh cùng dâng hương tưởng niệm, thực hiện bài quyền tổ, ôn lại lịch sử, thành tích của môn phái cũng như biểu diễn cho bà con trong khu vực thưởng thức.
Kim Anh