Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Vụ DHT Tây Ninh bị “bể”: Cơ quan chức năng vào cuộc
Thứ hai: 01:43 ngày 12/03/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo thông tin chúng tôi nắm được từ một “trưởng nhánh” ở Tân Biên, số thành viên DHT Tây Ninh hiện tại khoảng trên 6.000 người, hầu hết trong số này chưa nhận được đồng nào “tiền kinh doanh” từ mạng lưới này. Ước tổng số tiền “nộp cho DHT” khoảng gần 50 tỷ đồng (?)

Báo Tây Ninh số ra ngày 4.3.2012 có bài “Thành viên DHT hoang mang”, phản ánh sự lo lắng, hoang mang của nhiều “thành viên” DHT Tây Ninh khi nghe thông tin về việc Tổng Giám đốc DHT Đông Nam Á có trụ sở tại Hà Nội bị bắt vì có dấu hiệu lừa đảo. Sau khi báo thông tin, phóng viên tiếp tục nhận được phản ánh, phản hồi của nhiều bạn đọc đã tham gia vào mạng lưới kinh doanh ảo mang tên “vừa du lịch, vừa kiếm tiền” DHT. Theo thông tin chúng tôi nắm được từ một “trưởng nhánh” ở Tân Biên, số thành viên DHT Tây Ninh hiện tại khoảng trên 6.000 người, hầu hết trong số này chưa nhận được đồng nào “tiền kinh doanh” từ mạng lưới này. Ước tổng số tiền “nộp cho DHT” khoảng gần 50 tỷ đồng (?)

Thêm nhiều nạn nhân tố cáo ông Lâm Văn Liêu

Trụ sở Công ty của ông Lâm Văn Liêu cách đây 2 tháng, lúc chưa đóng cửa

Bà Lê Thị Phương (ngụ xã Truông Mít, huyện DMC) trình bày: Tháng 6.2011, bà Phương cùng một nhóm người thân, bạn bè được ông Lâm Văn Liêu- đầu hệ thống DHT Tây Ninh tư vấn, mời tham gia vào “Công ty DHT”. Theo lời quảng cáo của ông Liêu, tổng công ty này do ông Lâm Phúc Hùng làm Tổng Giám đốc, có trụ sở tại Hà Nội và TP.HCM. Tổng cộng, bà Phương và 20 người thân, bạn bè của bà đã hăng hái tham gia vào việc “kinh doanh” trong mạng lưới DHT của ông Liêu. Hầu hết những người tham gia vào mạng lưới này do bà Phương giới thiệu, là những nông dân nghèo. Từ khi tham gia DHT cho đến 8 tháng sau, 21 người này chưa nhận được đồng nào, dù trước đó họ được cho biết “rất dễ kiếm tiền”, được nhận nhiều đô la, được đi du lịch nhiều nước… Trong khi đó, để được trở thành “thành viên” DHT, mỗi người phải “nộp” vào tài khoản của “cấp trên” gần 8 triệu đồng.

Bà Lâm Thị Hồng Xuân (ngụ xã Mỏ Công, Tân Biên) kể: Khoảng tháng 6.2010, bà Xuân được ông Liêu đến tận nhà “tư vấn”, mời tham gia DHT. Ông Liêu đưa cho bà Xuân xem một số giấy tờ, nói rằng hoạt động của Công ty là hợp pháp, “được Nhà nước cấp giấy phép đàng hoàng”. Sau đó, bà Xuân được ông Liêu mời đi TP.HCM dự buổi tư vấn và tiệc chiêu đãi “rất hoành tráng”. Nghe bùi tai, tin vào viễn cảnh huy hoàng, bà Xuân và gia đình tham gia 3 “ghế”, mỗi ghế phải đóng gần 8 triệu đồng. Bà Xuân cũng giới thiệu nhiều người tham gia vào hệ thống DHT do ông Liêu đứng đầu tại Tây Ninh. Đến cuối tháng 2.2012, bà Xuân lập danh sách, đại diện cho 61 “thành viên” DHT gửi đơn đến Công an Tây Ninh, tố cáo bị lừa đảo. Bà Xuân cho biết, toàn bộ số tiền của 61 nạn nhân trên đều nộp vào tài khoản của ông Liêu và em ruột là ông Lâm Văn Thuận. Bà Xuân cũng tố cáo anh em ông Liêu, ông Thuận đã dùng một số thủ đoạn để lừa đảo bà trong quá trình tham gia DHT.

Bà Đặng Nguyễn Trang Thư (ngụ xã Thạnh Bình, Tân Biên) cũng tố cáo ông Lâm Văn Liêu đã “lừa phỉnh” bà và nhiều người khác. Đáng nói là do tin lời ông Liêu, bà Thư lôi kéo một số người khác tham gia DHT, “nộp tiền” cho ông Liêu nên bị một số người nghi ngờ bà Thư là cùng đồng bọn với ông Liêu, tiếp tay cho ông ta. Theo nội dung bà Thư trình bày trong đơn tố cáo, khoảng 7 tháng trước, bà được ông Liêu rủ rê tham gia DHT. Sau nhiều lần tham gia “hội thảo”, bà Thư đã tham gia và rủ được 5 người cùng “kinh doanh DHT”. Bà và 5 người “tuyến dưới” đều chưa nhận được đồng tiền thưởng nào từ DHT hay ông Liêu. Cũng theo bà Thư, một số người thực sự có lĩnh tiền thưởng từ 1.000 USD đến vài ngàn USD, hoặc nhiều hơn thì hầu hết đều là người thân của ông Lâm Văn Liêu hoặc những người “chí cốt” với ông ta trong quá trình hoạt động của DHT ở Tây Ninh. Đến thời điểm hiện tại, ông Liêu hầu như đã “bỏ rơi” DHT Tây Ninh mà chuyển sang loại hình “kinh doanh mới” ở một tỉnh miền Tây.

Biên nhận cho thấy tiền được chuyển vào tài khoản cá nhân của ông Liêu

Mới đây, gần 30 thành viên DHT Tây Ninh đã đến toà soạn gửi đơn tố cáo bị hệ thống DHT Tây Ninh lừa đảo, những người bị tố cáo là bà Huỳnh Thị Rãnh (phường 4, Thị xã) và ông Liêu. Cũng theo những nạn nhân, ông Liêu và một số “trưởng nhánh” có nhiều tài khoản ở các ngân hàng khác nhau. Một số nạn nhân chuyển tiền xong liền bị những kẻ lừa đảo thu giữ ngay biên nhận nộp tiền.

DHT có công lớn (!?)

Một “thành viên DHT” khác cung cấp thông tin: Một “trùm hệ thống DHT Tây Ninh” đã phát tán cho nhiều thành viên một “đơn kiến nghị” được đánh máy sẵn, có ghi tên Công ty Diamond Holiday Đông Nam Á, gửi Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện KSND Tối cao… Cuối đơn ghi: các thành viên chân chính của DHT Đông Nam Á đồng ký tên.

Một “trưởng nhánh” kể, trước đây bà khá thân cận với ông Liêu nên biết rõ về hệ thống này. Ước tính số thành viên DHT Tây Ninh khoảng hơn 6.000 người, mỗi người phải nộp 8 triệu đồng, số tiền phải “nộp cho DHT” là khoảng 48 tỷ đồng. Trong tổng số tiền này, DHT đã chi khoảng chừng 15 đến 20 tỷ đồng để “trả công” cho tuyến trên, những người hoạt động tích cực trong việc lôi kéo nạn nhân, mở rộng mạng lưới DHT (thực chất là những người thân cận với ông Liêu). Còn lại khoảng 30 tỷ đồng đã chui vào túi của những kẻ cầm đầu.

Một nguồn tin cho biết, hiện cơ quan Công an Tây Ninh đã tiếp nhận nhiều đơn tố cáo của các nạn nhân DHT. Cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra làm rõ. Mới đây, ông Lâm Văn Liêu cùng một số “chiến hữu” của ông ta và một số người gửi đơn tố cáo đã được cơ quan công an mời làm việc, lấy lời khai ban đầu.

Được biết, Tổng Giám đốc DHT Đông Nam Á Lâm Phúc Hùng, “ông trùm” của DHT tại Việt Nam đã bị bắt tạm giam 4 tháng. Trong khi đó, Chủ tịch hội đồng quản trị của công ty này đã bỏ trốn.

Đình Chung

Theo tìm hiểu của phóng viên, người phát tán đơn này kêu gọi các thành viên DHT Tây Ninh ký vào đơn để “tuyến trên” thu nhận lại và gửi cho những kẻ đứng đầu hệ thống DHT. Một số nội dung chính nêu trong đơn như: Từ khi được thành lập ngày 23.3.2011 tới nay, Công ty “đã đi vào hoạt động nghiêm túc theo Luật Doanh nghiệp”. Công ty đã thực hiện quy chế hoạt động đào tạo nghiệp vụ cho mọi khách hàng hiểu rõ về bản chất DHT trước khi tham gia sử dụng gói dịch vụ đặt phòng khách sạn 4 ngày 3 đêm.. Công ty đã làm việc “nghiêm túc và đúng đắn với sự hiểu biết của các thành viên trên toàn quốc”…

Nội dung đơn này còn thể hiện “sự tự hào” của DHT (!?): “Với việc làm của Công ty DHT, rõ ràng đã mang đến cho người dân Việt Nam có thêm điều kiện để nâng cao chất lượng cuộc sống. Một công nghệ hiện đại đã được áp dụng tại Công ty DHT… Chúng tôi xét thấy với thời gian không dài, Công ty đã đem lại lợi ích thiết thực cho nhiều người dân được thoát nghèo và nâng cao được chất lượng cuộc sống”.

Trong đơn còn trắng trợn đả kích báo chí: “Do sự thiếu hiểu biết về ngành thương mại điện tử, không tìm hiểu rõ ràng bản chất của Công ty DHT, một số phóng viên của vài tờ báo… đã nói sai sự thật, bóp méo thông tin về bản chất của Công ty DHT Đông Nam Á một cách thiếu trách nhiệm. Vô tình cá nhân họ đã làm tổn thương đến danh dự, uy tín của Công ty DHT Đông Nam Á, bóp chết một ý tưởng thông minh của nền khoa học công nghệ thông tin đang nhen nhóm tại Việt Nam. Chính họ đã dập tắt những tinh thần tốt, muốn vươn lên một cuộc sống tốt đẹp hơn của người dân Việt, làm đau lòng cho những người dân vô tội”.

Khi đọc xong nội dung đơn, nhiều thành viên DHT Tây Ninh đã có những biểu hiện khác nhau. Một số người thì bật cười mỉa mai: Cũng vì luận điệu giả dối, lừa bịp nghe bùi tai mà nhiều người dân nghèo bị mất tiền oan. Một số khác thì rủa: Bọn lừa đảo trơ trẽn, may nhờ báo chí thông tin, cảnh báo kịp thời mà nhiều người nghèo không rơi vào bẫy của chúng.

Bảo Tâm

 

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục