Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vụ kiện bản quyền Thần đồng đất Việt: Ra tòa sau 12 năm tranh chấp
Thứ tư: 20:01 ngày 26/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sau 12 năm, vụ kiện bản quyền xung quanh bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt sẽ được phân xử tại Tòa án nhân dân (TAND) quận 1 vào ngày 28-12. Đây được xem là vụ án đầu tiên liên quan đến bản quyền kể từ khi Việt Nam gia nhập công ước Berne vào năm 2004.

Bộ truyện Thần đồng đất Việt hiện đã đi đến tập thứ 225, được xem là bộ truyện tranh thành công nhất của Việt Nam

Tranh chấp kéo dài

Ngày 22-12, họa sĩ Lê Linh (tên thật là Lê Phong Linh) đăng tải trên trang cá nhân của mình giấy triệu tập của TAND quận 1 với cương vị nguyên đơn trong vụ án dân sự về việc “Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ”, khẳng định tác giả thực sự của bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt, được ra mắt từ năm 2002 do họa sĩ Lê Linh cùng Công ty TNHH TM DV KT & Phát triển tin học Phan Thị (Công ty Phan Thị) thực hiện. Đến nay, Thần đồng đất Việt đã xuất bản được 225 tập, định kỳ 1 tập/tháng. Từ tập 79 trở đi, họa sĩ Lê Linh đã không còn tham gia vào ê-kíp sản xuất của bộ truyện này. 

Trong buổi gặp gỡ với phóng viên vào chiều ngày 24-12, họa sĩ Lê Linh khẳng định: “Tôi chính là tác giả của bộ truyện này”. Họa sĩ Lê Linh bắt đầu vào làm việc tại Phan Thị từ cuối năm 2001, công việc được giao là thực hiện Thần đồng đất Việt: “Ban đầu, bà Phan Thị Mỹ Hạnh mong muốn làm một bộ truyện về các trạng, truyền tải các tích trạng cho trẻ em. Bà Hạnh yêu cầu tôi thực hiện việc đó và tôi bắt tay vào làm”. Theo họa sĩ Lê Linh, bà Hạnh là người ra đề còn anh là người thực hiện, lên ý tưởng cho bộ truyện, gồm hình ảnh và nội dung, đồng thời lên kế hoạch sáng tác mỗi năm. 

Trong thời gian đầu làm việc tại Phan Thị, mức lương hàng tháng mà họa sĩ Lê Linh nhận được là 3 triệu đồng/tháng. Sau này, khi tác phẩm có doanh thu tốt, anh không nhận lương mà nhận nhuận bút theo tỷ lệ là 8%, rồi 10% doanh thu nhưng là theo thỏa thuận miệng. 

Trong luận cứ bảo vệ quyền và lợi ích của bị đơn (Công ty Phan Thị) gửi TAND TPHCM ngày 8-8-2008 cũng thể hiện: “Vào tháng 9-2001, để triển khai mở rộng kế hoạch kinh doanh tác phẩm truyện tranh mà cụ thể là các tập truyện theo chủ đề Thần đồng đất Việt của mình, bị đơn ra thông báo tuyển nhân viên và nguyên đơn đã nộp đơn xin việc. Sau thời gian thử việc, nhận thấy nguyên đơn có khả năng lĩnh hội và thể hiện lại các tác phẩm của bị đơn lên bản vẽ, bị đơn đã ký hợp đồng lao động chính thức với nguyên đơn đến hết năm 2001. Sau đó là hợp đồng vô thời hạn. Trong suốt quá trình làm việc cho bị đơn, nguyên đơn đã được nhận đầy đủ các khoản tiền lương, thưởng. Tính cho đến ngày nguyên đơn nghỉ việc, nguyên đơn đã nhận được hơn 3 tỷ đồng. 

Họa sĩ Lê Linh xác nhận đã nhận được số tiền trên, đồng thời anh cho biết không tranh chấp quyền sở hữu mà chỉ tranh chấp quyền tác giả. Theo họa sĩ Lê Linh, mâu thuẫn bắt đầu xảy ra khi anh phát hiện ra văn bản thể hiện anh và bà Mỹ Hạnh là đồng tác giả của Thần đồng đất Việt. “Tôi chỉ muốn đi tìm sự thật ai là tác giả của bộ truyện lẫn nhân vật, nhưng khi đăng ký thì mới chỉ đăng ký hình tượng nhân vật, không nhớ đã đăng ký bộ truyện hay chưa. Tôi vừa vẽ nhân vật vừa vẽ truyện. Tôi là tác giả phần truyện, hình tượng của 4 nhân vật chủ chốt”, họa sĩ Lê Linh cho biết. 

Họa sĩ Lê Linh nói thêm, việc thể hiện “đồng tác giả” là do bà Mỹ Hạnh ghi vào. Vào năm 2006 anh mới biết nên mới có đủ chứng cứ để khởi kiện. Anh cho biết: “Khi ra tòa, bên bị đơn lại muốn là tác giả duy nhất, giống như muốn xóa bỏ tên tôi”. Tuy nhiên, theo lời khẳng định của ông Nguyễn Vân Nam, đại diện theo ủy quyền của Công ty Phan Thị, hoàn toàn không có chuyện này. Vì phía bị đơn chưa bao giờ tuyên bố mình là tác giả, hoặc phủ nhận nguyên đơn là tác giả hình vẽ các nhân vật và bộ truyện. Ngoài ra, trong những tập sau này của Thần đồng đất Việt, dù họa sĩ Lê Linh đã không còn làm việc tại Phan Thị nhưng tên anh vẫn được thể hiện tại trang xi-nhê của truyện với nội dung: “Trong truyện có sử dụng những hình ảnh nhân vật do Lê Phong Linh là đồng tác giả”. 

Không có cơ sở khoa học về nghệ thuật thị giác? 

Theo hồ sơ mà ông Nguyễn Vân Nam cung cấp, ngày 29-3-2002, họa sĩ Lê Linh và bà Phan Thị Mỹ Hạnh đã tự nguyện đồng ý cùng ký tên là đồng tác giả của các hình tượng nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cà Mẹo trong đơn yêu cầu Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận. Căn cứ vào đơn này, Cục Bản quyền tác giả đã cấp Giấy chứng nhận bản quyền tác giả cho họ là đồng tác giả. Đến thời điểm hiện tại, giấy chứng nhận này vẫn đang có hiệu lực. Cũng cần lưu ý thêm, trong đơn ngày 29-3-2002 gửi Cục Bản quyền tác giả, chính nguyên đơn đã cam kết: “Cam kết chịu trách nhiệm đối với bất cứ tranh chấp nào xảy ra”. 

Họa sĩ Lê Linh xác nhận có giấy chứng nhận như trên. Tuy nhiên, theo anh, lúc đó anh và bà Mỹ Hạnh cùng ký vào đơn đăng ký bản quyền với mục đích là để hai bên cùng nhau thực hiện, sau này sẽ cùng chia sẻ quyền lợi với nhau. Qua trao đổi miệng với bà Mỹ Hạnh, anh hiểu rằng tờ giấy này để xác nhận sau này có đưa vào kinh doanh hình ảnh các nhân vật thì mình sẽ cùng hưởng lợi từ đó. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi chi tiết thì họa sĩ Lê Linh “khất”, nói sẽ trình bày chi tiết tại tòa. “Bà Mỹ Hạnh không thể là đồng tác giả vì trên truyện đã ghi rõ trong quá trình tôi làm rồi”, anh Linh nói thêm. 

Ngày 24-12, họa sĩ Lê Linh tiếp tục đăng tải trên trang cá nhân của mình văn bản thể hiện ý kiến của Hội Mỹ thuật TPHCM về vấn đề tranh chấp quyền tác giả. Trong văn bản do ông Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM ký ngày 24-8-2010, nêu rõ: Nếu bảo là người không hề biết vẽ, không hề biết quy luật tạo hình, biết quy luật thẩm mỹ, không hề biết thế nào là tư duy thị giác ngôn ngữ truyền thông thị giác mà có ý nghĩ (chỉ hình dung) là có quyền sở hữu nghệ thuật thị giác thì quả là phản khoa học. Bởi lẽ, đối với giới nghệ sĩ, khi đã có ý tưởng (qua quá trình động não) thì chưa chắc đã hình tượng hóa được nếu không có tài năng. Có khi vẽ mãi không được. Bởi có khi đó là “ý tưởng không khả thi” về ngôn ngữ thị giác. Do đó, bắt buộc phải thay đổi cách suy nghĩ quan niệm tạo hình mới có thể làm hiển thị ý tưởng trừu tượng thành hình tượng thị giác. 

“Từ hai ý trên, chúng tôi nhận thấy rằng, lập luận của bà Hạnh không có cơ sở khoa học về nghệ thuật thị giác. Vậy thì việc đòi hỏi quyền sở hữu trí tuệ về việc sáng tác các hình tượng mà ông Lê Linh thực hiện là điều khó chấp nhận được”, văn bản kết luận.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Vân Nam, ông hoàn toàn không biết về văn bản này. Và việc giám định với Hội Mỹ thuật TPHCM hoàn toàn là đơn phương từ phía họa sĩ Lê Linh. “Một người hay một cơ quan có thẩm quyền nhận định về tranh chấp giữa bên này với bên khác thì nguyên tắc cơ bản sơ đẳng nhất là phải lắng nghe cả hai bên”, ông Vân Nam bày tỏ. 

Nguồn SGGPO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục