Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vu lan theo mẹ lên chùa...
Chủ nhật: 23:55 ngày 13/09/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày tôi thi đậu cao đẳng mang giấy báo về đưa mẹ; mẹ đón lấy mà tay run bắn. Cầm mảnh giấy mẹ hết lật ngược lật xuôi lại gí sát mắt vô dòng chữ “Giấy báo trúng tuyển” - chắc để xem liệu nó có phải là của giả? Miệng mẹ không ngớt lầm bầm, cứ như mê sảng: con đậu rồi phải không con? Có đúng thật con đậu rồi không??

Tôi khóc.

Lần đầu tiên đứa con trai lì lợm, sắt đá như tôi biết khóc. Ròng rã bao nhiêu năm trời tôi khiến mẹ phải chảy nước mắt còn tôi lạnh băng, ráo hoảnh. Nhưng giờ đây, khi tôi bật khóc thì mẹ lại không. Mẹ tôi, người đàn bà tuổi ngựa. Bà ngoại hay bảo: con ngựa mày chắc sinh trúng kiếp… ngựa thồ, không thôi sao khổ dữ? Phải, mẹ tôi, “con ngựa thồ” đúng nghĩa bởi cả đời cứ phải oằn lưng gánh vác bao nhiêu là của nợ; mà cái “cục nợ” to nhất đời mẹ đương nhiên chính là tôi. Hư hỏng hoang đàng. Học hành cà trớt (nghiêm khắc hơn thì cứ bảo ngay: dốt nát!). Nhắc tới tên tôi, thầy cô nào cũng “ẹ”.

Trường sở đã ngán ngẩm, về với gia đình cũng chẳng khả quan hơn. Ông cậu tôi lắc đầu: nó hư từ bản chất, có cố đỡ cho thẳng người lên lúc buông tay ra cũng ngoẹo mà thôi. Ông anh ruột cứ ngày ngày phải chở mẹ đi loanh quanh các tụ điểm hoặc nhà đám bạn bè “chiến hữu” tìm tôi. Hết lúc lại phải đến trường nói khó với thầy hiệu trưởng, với giáo viên chủ nhiệm xin cho tôi được đi học lại. Lòng vòng lâu riết khiến ông nổi điên, đòi cho tôi đi… trại giáo dưỡng. Tóm lại, từ trong gia đình ra ngoài xã hội không ai còn tin tôi có thể “cải tà quy chính”, trừ mẹ…

2.

Là nông dân nhưng mẹ tôi không dốt. Mẹ có bằng tú tài, từng đi làm cô giáo. Mẹ đủ sức kèm cặp tôi trong suốt cả học trình từ tiểu học lên trung học cơ sở; thậm chí cả những năm đầu trung học phổ thông. Vấn đề tồn tại ngay ở chỗ sự lười nhác của tôi. Mẹ muốn dạy nhưng tôi lại không muốn học.

Vậy nhưng mẹ vẫn không nản chí.

Hết quát mắng tới ngọt nhạt dỗ dành, an ủi động viên. Ba tôi, người đàn ông tệ bạc đã bỏ mẹ con tôi từ lúc tôi sơ sinh để chạy theo một người đàn bà khác. Tôi lớn lên thành đứa con không cha, chỉ biết có mẹ. Người ta bảo: con trai lớn không cha khó giáo dưỡng; có phải do vậy mà tôi sinh hư? Sai, mẹ khẳng định, nên hư do mình, không được đổ thừa hoàn cảnh.

Nói vậy, nhưng rành rành là nỗi cơ cực của mẹ đang bị nhân đôi nhân ba do thằng con út bất trị là tôi đang thiếu một người cha. Nỗi cơ cực ấy mẹ cắn răng chịu đựng một mình, âm thầm vừa làm mẹ vừa làm cha không đem than vãn với ai. Là một nhà giáo có nghiệp vụ sư phạm- và trên hết, bằng trí tuệ và nhạy cảm bản năng- mẹ biết với tôi khi nào cần khiêm khắc và lúc nào phải dịu dàng, thậm chí “xuống nước”.

Không ít lần mẹ phải nhảy vô can ngăn những trận đòn bất chợt của ông anh cả nóng tính- do quá điên tiết không kiềm chế nổi trước những chuyện hư hỏng của tôi. Mẹ, giờ mẹ lại muốn dung dưỡng, “bắc thang” cho nó hay sao? Ông anh cả gầm lên. Không phải, nếu con đánh mà em nó nên người thì mẹ sẵn sàng để con đánh. Nhưng cách ấy chỉ làm tình hình tệ hơn thôi, tin mẹ đi…

Tôi thoát đòn, nhưng tôi không cảm ơn mẹ. Tôi đã định bụng chỉ cần ông anh đập tôi một trận tôi sẽ có cớ bỏ học, thậm chí… bỏ nhà đi bụi luôn cho biết tay. Mẹ cản đòn chính là mẹ đang phá hỏng âm mưu của tôi.

Chưa đủ, “lùa” được tôi về nhà sau các pha ăn chơi lêu lổng, mẹ vẫn nhẫn nại thức khuya hơn tôi và dậy sớm trước tôi. Lo đèn lửa, sách bút, ăn uống chỉn chu- chỉ đổi lại bằng đôi mắt (gần như) cầu khẩn đang hướng về tôi.

Trong mắt ấy hiện lên rõ ràng một thông điệp lặng câm nhưng luôn hối thúc: sao-con-không-chịu-ngồi-vào-bàn? Cái thông điệp ấy khiến tôi thua cuộc. Nó ám ảnh, đáng sợ hơn nhiều so với đòn roi của ông anh tôi.

Nó khiến tôi bực dọc mà không thể phản kháng. Mẹ như một sợi dây mềm mại mà rất chắc chắn cứ hiện diện quanh tôi mọi lúc mọi nơi. Không thít chặt nhưng cũng đừng hòng thoát ra. “Sợi dây”, sau này tôi hiểu, không ít lần đã kịp giữ chân tôi “xí hụt” ngay bờ vực của những sa đoạ, cám dỗ mà chỉ cần sẩy thêm một bước chắc tôi không còn cơ hội quay về…

Những lần ấy khiến mẹ hốc hác, già sọm đi tưởng như quỵ ngã. Để rồi sau đó lại gượng dậy. Vẫn sống nhưng tàn tạ, héo hon hơn. Thằng tôi hư hỏng có ít nhiều nhận ra điều ấy. Và -thú thật- cũng có chùn chân hơn trong những chuyến đi hoang kế tiếp trước khi nó kịp nhận ra mẹ hình như đã yếu lắm. Có khả năng mẹ sẽ không còn gượng dậy nổi nếu nó lại đi hoang thêm- dù chỉ một lần.

3.

Mẹ là người trí thức nên rất quý trọng chữ nghĩa. Không riêng mẹ, cả đại gia đình phía ngoại tôi đều quý trọng chữ nghĩa. Con các cậu các dì ai cũng chăm ngoan học giỏi. Nói tới chuyện học, chắc chắn gia đình tôi là tệ nhất. Anh cả học hành không ra sao đã bỏ ngang đi làm từ sớm.

Vậy nên hy vọng cuối cùng mẹ đặt hết vào tôi, như cái phao cứu sinh cuối cùng cho giấc mơ tri thức bất thành của mẹ. Không, nói vậy thì tội cho mẹ. Cả đời sống cận kề những người nông dân ít chữ một nắng hai sương chắc chắn mẹ phải thấm thía nỗi cơ cực của những người ít chữ ra sao.

Đời mẹ cơ cực đủ rồi, đương nhiên tới đời tôi mẹ không mong lịch sử lặp lại. Vậy nên mẹ chảy nước mắt khi thấy tôi u mê, dạy hoài không vỡ nổi cái lý đó. Tôi sợ nước mắt của mẹ hơn những đòn roi, la mắng của mẹ. Mẹ là người rất ít khi chảy nước mắt…

Không ai tin tôi đã quay đầu. Khổ hải mênh mông hồi đầu thị ngạn, con thuyền lầm lạc của tôi bao năm mãi lênh đênh trên cái đại dương nước mắt mênh mông của mẹ tôi thoắt cái đã thấy bờ. Vu Lan rằm tháng bảy, lần đầu tiên tôi theo mẹ lên chùa, mục đích chỉ để “trả nợ” cho chuyến đi hoang vừa làm mẹ khóc mấy ngày liền.

Lần đầu tiên tôi được sư thầy cài lên ngực đoá hoa hồng đỏ. Cũng lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh những mái đầu xanh phải cài lên ngực bên phía trái tim đoá hoa hồng trắng. Mẹ bảo: đó là dấu hiệu để nhận ra những đứa con không còn mẹ. Kinh cầu vang lên hoà trong tiếng mõ chuông tụng niệm. Những đứa con lớp đứng lớp quỳ chắp tay cúi đầu thành kính. Và rất, rất, rất nhiều những dòng nước mắt lăn dài…

Tôi quay sang mẹ, thấy mẹ cũng đang nước mắt lăn dài. Hốt nhiên tôi rợn hết người khi trông mẹ độ rày tiều tuỵ nhăn nheo, già sọm đi như bà ngoại tôi ngày gần tạ thế.

4.

Tôi học xong ba năm cao đẳng xây dựng, tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại khá.

Thị trường lao động xuất khẩu sang Nhật đang mở cửa, cần tuyển rất nhiều kỹ sư, công nhân ngành xây dựng. Bạn cùng khoá rủ nộp đơn ứng tuyển, tôi lắc đầu. Có điều kiện sang làm việc, học hỏi, trau dồi nghề nghiệp nơi một quốc gia phát triển đương nhiên luôn là niềm mơ ước của mọi đời trai. Vậy nhưng, ba năm nuôi tôi ăn học mẹ hầu như đã vét sạch sành sanh những gì mẹ có, chưa kể khoản vay chính sách dành cho sinh viên còn chưa trả nổi. Tôi muốn tìm việc trong nước, làm có lương ngay để trả nợ vay, còn để lo cho mẹ…

Nghe tin tôi từ chối cơ hội sang Nhật, mẹ đùng đùng nổi giận.

Kêu tôi về, mẹ hỏi cặn kẽ đầu đuôi rồi bảo: đừng nói nhiều, mai con nộp đơn ứng tuyển ngay đi. Cơ hội qua rồi không dễ tìm lại được đâu.

Nhưng con lấy tiền đâu đóng phí bảo lãnh? Nhà mình tài chính đã kiệt quệ, lại còn nợ vay…

Chuyện ấy con không phải lo, mẹ tính rồi. Nếu con trúng tuyển, không vay được thì mẹ… bán nhà!

Trời, vậy mẹ ở đâu??

Một mình mẹ thì dễ thôi. Anh con đã có nhà riêng. Mẹ xin vào chùa tá túc, tiện thể làm công quả…

Y.N

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục