BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vụ mía đường 2010 - 2011: Trúng mùa, được giá nhưng người trồng mía vẫn bất an

Cập nhật ngày: 04/03/2011 - 01:07

Chưa bao giờ giá mía ở Tây Ninh cao như niên vụ 2010-2011, đến nay đã là 1,1 triệu đồng/tấn mía cây 10CCS tại ruộng và đến giữa tháng 3 sẽ nâng lên 1,15 triệu đồng/tấn. Cũng chưa bao giờ năng suất mía ở Tây Ninh cao như niên vụ này- bình quân khoảng 70 tấn/ha. Có thể nói nông dân trồng mía ở Tây Ninh vụ này trúng cả mùa lẫn giá. Thế nhưng hiện tại đang có hàng ngàn hộ nông dân trồng mía ngày đêm bất an khi mía chưa được thu hoạch. Nguyên nhân chính là mía đang ngày càng khô và hệ luỵ của nó không chỉ làm ảnh hưởng thu nhập của nông dân vụ này mà còn ảnh hưởng đến sản xuất mía cả vụ sau.

Tại hội nghị bàn biện pháp thu hoạch nhanh mía khô cuối vụ, được tổ chức tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào đầu tháng 3, nhiều cán bộ ngành Nông nghiệp địa phương đã nêu rõ nỗi bức xúc của nông dân trồng mía. Hầu hết các ý kiến đều công nhận vụ mía năm nay cả năng suất và giá mía đều khá hấp dẫn, tuy nhiên, không vì thế mà có thể khẳng định những vụ sau nông dân vẫn “hết mình” với cây mía. Bởi vì vụ thu hoạch năm nay đang xảy ra nhiều bất hợp lý làm cho thu nhập của nông dân trồng mía bị giảm đáng kể. Từ sau Tết Nguyên đán Tân Mão, mía trên đồng ruộng ở Tây Ninh bị khô rất nhanh. Mía chín bị khô đã đành, có đám chưa chín cũng bị khô do thời tiết nắng nóng kéo dài. Do đó hầu như tất cả những người có mía còn đứng đồng đều muốn được nhà máy cho thu hoạch nhanh để hạn chế thiệt hại. Thế nhưng công suất của các nhà máy đường thì có hạn, không thể thu hoạch hết cùng một lúc.

Theo ông Nguyễn Thanh Thơm, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Tân Châu thì hệ luỵ trước tiên là hiện nay nông dân phải chịu chi phí thu hoạch cao hơn rất nhiều so với giá thoả thuận của nhà máy với các đầu công. Đầu vụ, giá thoả thuận khâu thu hoạch mía là 100.000 đồng/tấn, thế nhưng trong thời gian gần đây- do yêu cầu thu hoạch gấp gáp của nông dân nên có nhiều đầu công cơi giá lên đến 180.000 đồng/tấn- tăng gần gấp đôi. Chẳng những thế, ở nơi ruộng mía xấu, công không muốn chặt, buộc nông dân phải “hỗ trợ” thêm. Có nhóm công chỉ chặt đúng 1 xe theo lịch thu hoạch thì thôi không chịu chặt nữa. Lo ngại hôm sau xe đến không có mía nên chủ mía phải “bồi dưỡng” thì công mới chịu chặt tiếp. Cũng có nhóm công luôn đòi chủ mía cho đốt mía để dễ chặt, nếu không thì cố tình kéo dài gây ảnh hưởng đến thời gian thu hoạch. Mỗi ha mía chủ động đốt để dễ thu hoạch, chủ mía bị thất thu không dưới 15 triệu đồng do khi đưa về nhà máy thì năng suất và chữ đường giảm đáng kể. Còn chủ mía không cho đốt thì nhân công không chịu chặt, để mía đứng đồng kéo dài- cũng gây thiệt hại. Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Dương Minh Châu Bùi Thị Hải Đường còn nêu rằng, không chỉ nâng giá công thu hoạch lên gần gấp đôi, có không ít nhóm công còn đòi chủ mía phải “làm gà đãi” và phải đưa trước tiền công nữa. Chưa có bao giờ nhân công thu hoạch mía lại “kỳ cục” như thời điểm cuối vụ này. Tuy nhiên, do mía đã ngày càng khô khiến cho năng suất và chất lượng mía ngày càng giảm nên nông dân cũng phải “cắn răng” chấp nhận những đòi hỏi của đầu công thu hoạch. Tính ra, giá mía và năng suất tuy có cao, nhưng thu nhập thực sự của nông dân trồng mía thì vẫn không tương xứng.

Vận hành máy bốc mía lên phương tiện vận chuyển

Nhiều nông dân trồng mía bất an không chỉ lo sợ năng suất và chất lượng mía giảm, mà còn nỗi âu lo lớn hơn là việc ảnh hưởng khả năng sinh trưởng cây mía trong vụ sau. Bởi vì khi cây mía bị khô chắc chắn khả năng tái sinh sẽ kém đi, và nếu khô đến độ nào đó thì không còn khả năng tái sinh nữa. Trong khi đó, hiện tại có những đám ruộng mía đã khô nhưng đến nay vẫn chưa thu hoạch. Càng để lâu năng suất mía vụ sau sẽ càng giảm. Ngoài ra, đối với những đám mía tuy đã có lịch thu hoạch, nhưng mỗi ngày chỉ được 1 xe, hậu quả là trong cùng một đám mà có nơi mía đã tái sinh cao đến đầu gối, còn nơi thì mía vẫn đứng đồng, chưa chặt. Như vậy khi cây mía bị khô thì không chỉ gây thiệt hại trong vụ này, mà còn kéo dài sự thiệt hại cho đến mùa sau. 

Sự bất an hiện nay trong việc chậm thu hoạch mía đã khiến một số nông dân nóng vội tự đốt mía của mình để được thu hoạch sớm. Những vụ tự đốt mía của mình ngày càng nhiều, càng khiến tình hình thu hoạch phức tạp thêm và kế hoạch thu hoạch của các nhà máy bị xáo trộn. Nhiều đám mía đã có lịch thu hoạch, nhưng do phải tiêu thụ mía cháy nên lịch thu hoạch bị lùi lại, làm cho người trồng mía bức xúc hơn. Thực tế trong vụ thu hoạch mía năm nay- đầu vụ thì nông dân phấn khởi, giữa vụ nông dân bắt đầu âu lo, và cuối vụ thì thực sự bất an. Chính vì thế, theo nhận định của ngành chức năng địa phương là năm sau diện tích mía khó có thể tăng thêm được.

Về phần các nhà máy, do vụ thu hoạch này năng suất tăng “đột biến” nên cũng có bị động khâu tổ chức thu hoạch. Tuy nhiên, gần cuối vụ các nhà máy đã hết sức nỗ lực tăng công suất để tăng cường sản lượng thu hoạch, đồng thời có thêm chính sách hỗ trợ cuối vụ, cụ thể là tăng giá thu mua mía cho nông dân an tâm. Trong đó có nhà máy tăng thêm chi phí tưới mía cho nông dân để giữ mía chậm khô, duy trì khả năng tái sinh. Đồng thời, trong vụ sau các nhà máy sẽ tăng cường ứng dụng cơ giới hoá - trước mắt là khâu bốc xếp mía để giảm nhân công trong khâu thu hoạch, hạn chế tình trạng “làm khó” của đầu công đối với người trồng mía khi đến thời điểm thu hoạch đông ken, giúp nông dân không còn nỗi bất an trong thời điểm cuối vụ.

SƠN TRẦN