BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vụ “nấu cà-ri nêm thuốc chuột”: Vô tình, nhầm lẫn hay cố ý…?

Cập nhật ngày: 03/04/2010 - 05:40

Sự việc xảy ra hôm 5.3.2010, mà những người trong cuộc chỉ nhớ ngày âm lịch, vì đó là ngày cúng giỗ của giòng họ của các nạn nhân, mà họ cũng như gia đình người đã bán nhầm… thuốc chuột cho khách hàng mua bột cà-ri, đều lo sợ đến mức hoảng loạn khi hầu hết những người dự tiệc “tiên thường” đám giỗ đều phải nhập viện để cấp cứu ngộ độc thực phẩm. Qua thông tin trên Báo Tây Ninh, cũng như từ dư luận xã hội ở huyện Hoà Thành, chúng tôi ghi nhận không ít người tỏ ra thắc mắc, băn khoăn: cà-ri và thuốc diệt chuột hoàn toàn khác nhau xa, vì sao lại có thể “nhầm lẫn đến mức có thể làm chết người” như vậy? Thậm chí, có người không giấu sự nghi ngờ: Phải chăng đây là việc “cố ý đầu độc” vì lý do nào đó?

Lời trần tình của những người trong cuộc

Những người bị ngộ độc được cấp cứu ở BV Hoà Thành

Hơn ai hết, lãnh đạo địa phương rất quan tâm, lo lắng đối với sự việc này, nên đã chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp chặt chẽ, làm rõ hành vi của những người liên quan trong vụ ngộ độc thuốc diệt chuột để xử lý theo pháp luật. Sau gần một tháng điều tra, nghiên cứu, xem xét nguyên nhân, tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra, ngày 30.3.2010 các ngành chức năng huyện Hoà Thành đã có cuộc họp phân tích, đánh giá các hành vi vi phạm của các đương sự trong vụ ngộ độc thực phẩm do trong thức ăn có thuốc diệt chuột. Tại cuộc họp cũng có mặt hai bên đương sự liên quan trong vụ này.

Để bạn đọc được biết tường tận sự việc, chúng tôi lược ghi lời bà Phạm Thị Nhớ, ngụ ấp Trường Phước, xã Trường Tây (Hoà Thành) trình bày như sau: Hôm 19 tháng Giêng âm lịch gia đình bà Nhớ chuẩn bị lễ giỗ cha của bà. Anh em trong gia đình bàn bạc thống nhất vợ chồng bà Nhớ cúng “tiên thường” trưa hôm 19, ngày “chính giỗ” hôm 20 tháng Giêng, một anh chị khác sẽ đảm trách. Mọi việc chuẩn bị cho bữa tiệc đã tương đối đầy đủ từ chiều hôm trước, khoảng 5 giờ sáng hôm sau chính bà Nhớ đi đến quán tạp hoá nhà bà Nguyễn Thị Chình ở gần đó để mua bột cà-ri về nấu món cà-ri gà. Bà Chình lấy hàng đưa cho bà Nhớ 2 gói “cà ri”, 1 hũ sa-tế, và một số hạt cà ri trị giá 2.000 đồng (1 gói khoảng hơn 25 hạt cà-ri to bằng hạt tiêu), tổng cộng cả ba món là 5.000 đồng. Bà Nhớ mang về để trong chiếc rổ ở nhà bếp.

Đến 8 giờ, bà Phạm Thị Rành, 59 tuổi, chị ruột của bà Nhớ đến phụ nấu đám tiên thường. Bà Nhớ nhờ bà Rành ướp gia vị để nấu món cà ri. Chính tay bà Nhớ xé “bọc cà- ri màu xám” đưa cho bà Rành, bà Rành cầm lấy và buột miệng nói: - Sao loại cà-ri này làm không vàng ngộ vậy? Chắc là hàng mới, có hình “con bọ” nữa nè! Rồi bà Rành cho các thứ gia vị vào nêm, trong đó có khoảng ¼ gói “cà-ri” (sau nầy mới biết là thuốc diệt chuột, được cơ quan chức năng xác định trọng lượng là 10 gam/gói). Ướp gia vị một hồi lâu thấy không lên màu vàng của cà-ri, bà Nhớ mới nói với bà Rành: “Thôi chị đừng bỏ thêm phần “cà-ri" gói còn lại (khoảng ¾ gói), để lấy “cà-ri hột” bỏ vô”. Và cũng chính chị Nhớ đã nêm nồi cà-ri và sau đó có “nếm thử”.

Nhận ra sai sót khi... đã muộn

Cán bộ điều tra làm việc với bà Phạm Thị Nhớ tại phòng cấp cứu BV Hoà Thành

Mọi việc xảy ra sau đó y như một bữa giỗ bình thường của mọi nhà. Đến trưa, mọi người được mời đến dự đám giỗ tiên thường nhà bà Nhớ lần lượt ra về. Cô con dâu của bà Nhớ tên là Diễm dọn dẹp nhà bếp mới phát hiện gói thuốc diệt chuột và tri hô lên. Bà Nhớ lấy kính mang vào mắt mới thấy rõ là hình con chuột, chứ không phải “con bọ”. Bà Nhớ tá hoả sai con cầm gói thuốc diệt chuột còn lại mang ra nhà bà Chình hỏi: Sao mua cà-ri mà lại bán thuốc chuột? Bà Chình hoảng hốt bảo con bà Nhớ về đổ bỏ nồi cà-ri đi bà sẽ đền bù cho, nào ngờ đã quá muộn, người đến dự đám giỗ đã được đãi ăn “món cà-ri nêm thuốc diệt chuột” rồi. Ngay lúc đó có 4,5 người làm việc ở lò nước tương trong xóm có đi dự đám giỗ bắt đầu bị ói mữa và lập tức được đưa đi cấp cứu. Kế đến là chồng và con gái, con trai bà Nhớ, rồi… đến chính bà và một số người bà con lần lượt bị vật vã và được đưa đi đến Bệnh viện huyện Hoà Thanh điều trị. Tất cả có 26 ca, trong số hơn 30 người dự bữa tiên thường, kể cả trẻ em. Trong sự việc này, lượng thuốc diệt chuột bỏ vào nồi cà-ri được xác định là khoảng 2,5 gam. Món cà-ri nằm trong thực đơn gồm 4 món cho hơn 30 người ăn, do vậy độc lực chưa đủ mạnh để làm chết số người dự tiệc “tiên thường” đám giỗ nhà bà Nhớ. Nhưng cũng phải điều trị đến 7 ngày, có người đến 9 ngày, tất cả số người ngộ độc thực phẩm mới qua cơn nguy hiểm chết người.

Về phía người “bán cà-ri đưa nhầm thuốc chuột”, bà Nguyễn Thị Chình thừa nhận sơ xuất của bà xuất phát từ việc con trai của bà mua thuốc diệt chuột đem về để “trị mấy chú tí” quấy rối trong nhà. Trong lúc dọn dẹp vệ sinh, bà nhìn không rõ, thấy mấy gói thuốc chuột tưởng lầm là “đứa nào để cà-ri rơi rớt ở đây?”, thế là tự tay bà đã đem những gói thuốc diệt chuột để vào chỗ bày hàng hoá, nên mới gây ra cớ sự. Bà Chình không chối cải sai sót của mình và phát biểu hết sức chân thành là mong muốn được xử lý đúng theo pháp luật: “Nhà nước xử lý thế nào tôi cũng chịu, bà con không ai chết là tôi mừng lắm rồi!”.

Xử lý thế nào?

Dù lời phân trần của bà Chình chưa thực sự đủ sức thuyết phục, nhưng sự thật hiển nhiên là bà đã già, mắt kém, dễ nhầm lẫn nên đã vô ý để xảy ra hậu quả, ảnh hưởng đến sức khoẻ mọi người, kể cả nguy cơ chết người hàng loạt. Bà Chình bày tỏ, bà hết sức lo lắng và thực sự ăn năn về hành vi bất cẩn dẫn đến sai trái của mình. Đại diện các cơ quan có trách nhiệm cũng ghi nhận việc cả gia đình bà Chình, con cái, dâu rể, em ruột của bà cả thảy là 14 người đã ngày đêm túc trực ở từng giường bệnh để chăm sóc, thăm hỏi các nạn nhân ngộ độc, và cuối cùng đã thanh toán đầy đủ viện phí trên 8 triệu đồng cho tất cả các nạn nhân, chưa kể các chi phí khác như đi lại, ăn uống… Đáng lưu ý là, sau sự việc này bà Chình đã “xuống tóc” như lời nguyện cầu của bà mong cho mọi người tai qua nạn khỏi, không có ai chết do sự vô ý của bà. Việc này không ai bắt buộc, do đó nó thể hiện sự thành thật ăn năn của bà Chình.

Xét hành vi của bà Chình, bà Nhớ, bà Rành do vô ý gây ra ngộ độc đối với 26 nạn nhân nhưng không gây chết người, chưa gây tổn thương nặng về thể chất nạn nhân, nên các cơ quan chuyên môn đã họp bàn thống nhất đề nghị Uỷ ban nhân dân huyện Hoà Thành xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm của bà Nguyễn Thị Chình tại điểm a, Khoản 1, Điều 14 Nghị định số 26/2003/NĐ-CP.

NGHIÊM MINH