Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Bà Trịnh Kim Vân - nạn nhân trong vụ TNGT trình bày như sau:

Hai vợ chồng cùng là người lao động trên công trường. Trên đường đi làm về nhà thì bị xe ô tô đụng từ phía sau. May mắn hai nạn nhân văng ra lề đường nên không bị ô tô cán chết. Người chồng bị gãy xương vai, gãy xương gót chân phải điều trị hơn hai tháng. Vậy mà, cho đến hai tháng sau, khi nạn nhân có đơn khiếu nại từ huyện đến tỉnh, vụ tai nạn mới được xử lý. Bà Trịnh Kim Vân (sinh năm 1954, ngụ tổ 5, ấp Phước Hoà, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu) một nạn nhân trong vụ TNGT này trình bày như sau:
Nguyên vào lúc 14 giờ 30 phút ngày 5.1.2011 tôi cùng chồng tôi là ông Nguyễn Văn Hiếu (SN 1950), đi làm công trường ở xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành về bằng xe mô tô, khi vừa đến cua Bàu Cóp, ấp Ninh Bình, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, thì bất ngờ bị xe ô tô BS70K-4588 từ phía sau đụng tới tông vào xe vợ chồng tôi. May là vợ chồng tôi bị văng ra ngoài lề, nếu văng vào trong mặt đường thì chắc đã bị ô tô cán chết. Hậu quả chồng tôi bị gãy xương vai và gãy xương gót chân cùng một bên trái, phải băng bó điều trị hơn hai tháng mới lành. Còn tôi bị xây xát và bị chấn thương đầu nhẹ, chỉ uống thuốc điều trị có vài trăm ngàn đồng thôi. Sau khi đụng vào xe chúng tôi, tài xế ô tô không dừng lại mà vẫn tiếp tục chạy đi khoảng hơn 100 mét, nhưng có người đi đường thấy vậy chạy theo la lên: Sao đụng người ta mà không dừng lại coi sống chết? Tài xế ô tô mới dừng xe, đi bộ quay lại đứng vịn vào chồng tôi đang bất tỉnh, khoảng 10 phút sau, khi có Công an xã Bàu Năng đến nói tài xế mới kêu xe taxi đưa vợ chồng tôi đi bệnh viện.
![]() |
Nạn nhân Nguyễn Văn Hiếu sau khi được băng bó gãy xương vai và xương gót chân tại bệnh viện |
Sự việc tai nạn như thế mà suốt hai tháng chồng tôi điều trị gãy xương vai và gót, chủ xe và tài xế ô tô BS70K-4588 không một lần đến thăm hỏi, bồi thường thuốc men gì cả. Điều đáng nói là xe ô tô bị giữ ở Công an huyện Dương Minh Châu chỉ vài ba ngày thì được thả ra. Còn xe mô tô của vợ chồng tôi thì Công an giữ đến hơn hai tháng. Cho đến ngày 23.2.2011, có một cán bộ Công an huyện Dương Minh Châu, tôi nghe gọi tên là Cáp, gọi tôi đến Công an huyện chờ một lúc sau, khoảng 9 giờ 30 phút mới thấy tài xế ô tô BS70K-4588 đến, chứ không có mặt chủ xe. Chú Cáp hỏi tôi: Tiền thuốc hết bao nhiêu? Tôi nói hơn 5 triệu đồng. Tài xế ô tô nói: Cô có biết đó là tiền hai tháng lương của tôi không? Rồi tài xế nói chỉ bồi thường 1 triệu đồng, không chịu thì thôi. Nói xong tài xế nhìn đồng hồ rồi nói: Tới giờ lên ca rồi, tôi đi làm đây. Thế rồi anh tài xế ô tô tự nhiên bỏ đi về, còn chú Công an không nói gì nữa, tôi đành phải ra về.
Quá uất ức vì vợ chồng mình bị tai nạn, điều trị suốt hai tháng mới tạm lành, mà người gây ra tai nạn đối xử như thế và Công an huyện không xử lý gì hết, nên buộc lòng tôi phải làm đơn khiếu nại gởi Ban An toàn giao thông tỉnh, Thanh tra Công an tỉnh, Công an huyện Dương Minh Châu và Toà soạn Báo Tây Ninh. Sau khi tôi nộp đơn ở các nơi, Công an huyện Dương Minh Châu mới mời tôi và có chủ xe, tài xế ô tô BS70K-4588 đến giải quyết, nhưng chỉ giải quyết phần dân sự là bồi thường cho vợ chồng tôi 7.300.000 đồng (gồm tiền thuốc men điều trị 5 triệu đồng, tiền bồi thường công lao động 2 triệu đồng, tiền sửa xe của vợ chồng tôi 300.000 đồng).
Qua sự việc trên tôi có mấy điều thắc mắc: -Về việc tôi có đơn khiếu nại gởi các nơi, nhưng không thấy được Ban An toàn giao thông tỉnh, Thanh tra Công an tỉnh, Công an huyện Dương Minh Châu trả lời. Tôi chỉ thấy có trả lời của Công an huyện Dương Minh Châu trong bài báo đăng trên Báo Tây Ninh ra ngày 11.4.2011.
Về phần trả lời của Công an huyện Dương Minh Châu đăng trên Báo Tây Ninh, tôi nhận thấy có mấy điểm không đúng sự thật: Chồng tôi bị gãy xương gót chân và gãy xương vai (có chụp phim ở bệnh viện và có trình tại cơ quan Công an) vậy mà Công an huyện Dương Minh Châu trả lời là chồng tôi chỉ bị “gãy xương gót chân và chớp xương vai”. Theo tôi hiểu giữa “chớp xương vai” và “gãy xương vai” là khác nhau, vì tình trạng “chớp xương” là thương tật nhẹ hơn “gãy xương”. Phải chăng Công an huyện Dương Minh Châu trả lời như thế là vô hình trung đã làm cho tính chất vi phạm của tài xế xe ô tô và hậu quả vụ tai nạn trở nên nhẹ nhàng hơn?
Theo trả lời của Công an huyện Dương Minh Châu trên Báo Tây Ninh, thì: “Nguyên nhân là do người điều khiển ô tô đi cùng chiều nhưng lại tránh vượt không đảm bảo an toàn gây tai nạn giao thông”. Như thế rõ ràng tài xế ô tô đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Vi phạm đó không phải là nhẹ, vì hậu quả đã làm cho chồng tôi bị gãy xương vai và gãy xương gót chân, phải điều trị hơn 2 tháng mới tạm lành lặn, nhưng không đảm bảo ổn định sức khoẻ lâu dài vì chồng tôi đã 62 tuổi. Thế thì tại sao Công an huyện Dương Minh Châu lại nhanh chóng thả xe ô tô chỉ sau vài ngày gây tai nạn, và trước ngày xử lý gần 2 tháng; đồng thời Công an huyện Dương Minh Châu chỉ xử phạt hành chính chủ xe 3 triệu đồng? Việc xử lý như thế có phù hợp với mức độ vi phạm của xe ông Hùng không? Mặt khác, khi đụng xe vợ chồng tôi từ phía sau, tức là trước mặt tài xế, tại sao tài xế không dừng xe ngay để xem vợ chồng tôi sống chết ra sao, tài xế lại tiếp tục chạy đi, cho đến khi có người dân chạy theo kêu tài xế mới dừng xe lại cách nơi tai nạn khoảng hơn 100 mét rồi đi bộ lại hiện trường vụ tai nạn, như vậy phải chăng tài xế định bỏ chạy luôn? Đối với hành vi vô nhân đạo, vô trách nhiệm của tài xế ô tô BS70K-4588 tại sao không thấy Công an huyện Dương Minh Châu đặt vấn đề xử lý theo pháp luật?
Về vấn đề bồi thường, theo trả lời của Công an huyện Dương Minh Châu thì khoản tiền 7,3 triệu đồng gồm “chi phí điều trị, tiền sửa xe và tiền bồi dưỡng”. Tôi không biết tiền bồi dưỡng là tiền gì? Vì khi làm việc tại Công an huyện Dương Minh Châu tôi yêu cầu chủ xe bồi thường chi phí điều trị theo hoá đơn của bệnh viện là 5 triệu đồng, tiền công lao động của hai vợ chồng tôi trong 2 tháng là 6 triệu đồng, và tiền sửa xe mô tô theo sửa chữa thực tế. Nhưng chủ xe chỉ đồng ý bồi thường tiền công lao động của vợ cồng tôi có 2 triệu đồng thôi. Tôi không có cách nào khác là phải nhận theo mức đó, nhưng tôi dự định là khi vụ tai nạn được đưa ra Toà xử lý theo pháp luật thì tôi sẽ yêu cầu chủ xe bồi thường thiệt hại về lao động trong 2 tháng mà chồng tôi phải điều trị và tôi phải nuôi chồng tôi điều trị, chứ không phải là tiền “bồi dưỡng” gì cả.
Tôi có mấy điều thắc mắc như thế, rất mong quý cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời cho vợ chồng tôi theo quy định của pháp luật.
TRỊNH KIM VÂN