Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Vụ tranh chấp đất kỳ lạ ở huyện Bến Cầu
Chủ nhật: 07:12 ngày 08/05/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Kỳ 2: Liệu có điều gì “mờ ám”?

Kỳ 2: Liệu có điều gì “mờ ám”?

Sau khi TAND huyện Bến Cầu đã trả “hồ sơ tranh chấp” không có nguyên đơn, bị đơn về xã Lợi Thuận. Xã vẫn không xác nhận cho gia đình ông Chạy được nhận tiền đền bù vì “xảy ra” một vụ tranh chấp khác cũng rất… lạ!

Ngày 1.3.2010, ông Chạy đến UBND xã Lợi Thuận để xin làm thủ tục nhận tiền đền bù thì được biết xã đã chuyển “hồ sơ tranh chấp” đến TAND huyện Bến Cầu. Ông Chạy chờ mãi mà không thấy giải quyết nên đến TAND huyện Bến Cầu hỏi và được cho biết “nguyên đơn” lần này là bà Lê Thị Diễm Nga (không hề dính dấp gì đến đất đai mà ông Chạy đang sử dụng). Một cán bộ TAND huyện Bến Cầu cho biết, ngày 22.3.2010, bà Nga gửi đơn khởi kiện ông Chạy. Gần 3 tháng sau (ngày 27.5.2010), TAND huyện Bến Cầu mới có thông báo thụ lý vụ án, nội dung bà Diễm Nga (hộ khẩu ở phường Hiệp Ninh, Thị xã) yêu cầu ông Chạy “trả đất” cho bà. Trong khi đó, từ tháng 3.2010, TAND huyện Bến Cầu đã “triệu tập đương sự” là ông Chạy để “làm việc” vụ tranh chấp quyền sử dụng đất. 20 ngày sau khi có thông báo thụ lý vụ án, ngày 17.6.2010, TAND huyện Bến Cầu mới mời ông Chạy và vợ đến tống đạt thông báo thụ lý vụ án.

Gia đình ông Chạy mòn mỏi đợi chờ mãi mà không thấy toà đưa ra xét xử. Trong khi đó, UBND xã Lợi Thuận, Hội đồng bồi thường huyện Bến Cầu căn cứ vào việc “Toà đang thụ lý vụ kiện” nên không giải quyết chi trả tiền bồi thường cho gia đình ông. Cho đến cuối tháng 2.2011, ông Chạy được biết là TAND huyện Bến Cầu đã niêm yết quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự mà nguyên đơn là bà Diễm Nga, bị đơn là ông Chạy. Quyết định này do thẩm phán Nguyễn Văn Bình ký ngày 21.2.2011. Như vậy, từ khi có thông báo thụ lý vụ án đến ngày có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, TAND huyện Bến Cầu đã “ngâm” hồ sơ vụ kiện gần 9 tháng trời (!?).

Theo quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, TAND huyện Bến Cầu cho biết: … tại buổi hoà giải ngày 1.12.2010, ông Trần Văn Chạy không tranh chấp với bà Lê Thị Diễm Nga phần diện tích 8m ngang mà bà đang cất nhà và bà Nga có đơn rút đơn khởi kiện vào ngày 18.2.2011. “Tôi không thể hiểu nổi. Tôi chỉ yêu cầu nhận tiền đền bù diện tích 7m ngang đất của tôi nhưng xã bảo đất tôi đang tranh chấp. Để rồi sau đó xã và toà cho rằng bà Nga kiện tôi tranh chấp 8m đất của bà. Như vậy, hai việc này có liên quan gì nhau mà chính quyền địa phương không cho tôi nhận tiền đền bù 7m ngang đất của tôi, lại “hành” tôi hơn 1 năm qua. Hơn nữa, ngay từ đầu tôi đã rất nhiều lần khẳng định là “tôi không tranh chấp đất với ai, kể cả bà Nga nhưng vẫn không được giải quyết?”, ông Chạy bất bình nói.

Sau đó ông Chạy đã đến Huyện uỷ Bến Cầu phản ánh cách giải quyết khó hiểu của chính quyền địa phương và cơ quan có thẩm quyền. Và Huyện uỷ Bến Cầu yêu cầu TAND huyện trả lời. Ngày 4.4.2011, toà có công văn gửi Thường trực Huyện uỷ Bến Cầu, nhưng nội dung không giải thích lý do vì sao “ngâm” hồ sơ vụ kiện của ông Chạy quá lâu, đồng thời cho rằng “đất bà Tài cất nhà ở 8m, mới nhận tiền đền bù 4m, còn 4m không được nhận do ông Chạy khiếu nại tranh chấp…”.

Vợ chồng ông Chạy nói: “Tụi tôi muốn khùng vì vướng vào những vụ kiện từ trên trời rơi xuống”

Ngày 18.4.2011, TAND huyện Bến Cầu có văn bản trả lời đơn của bà Lê Thị Diễm Nga. Văn bản này có đoạn: “Cho đến nay, hồ sơ tranh chấp liên quan đến đất ông Chạy, bà Khoái, bà Tài (đã chết) và ông Quân không có ai yêu cầu khởi kiện ở toà án và TAND huyện Bến Cầu không có xem xét vấn đề gì liên quan đến đất ông Chạy cả. Còn bản thân ông Chạy được ông Quân cho 7m, ông cũng đang cất nhà ở 7m mà ông không được nhận đền bù 7m, ông có quyền khởi kiện tại toà án nếu xét thấy quyền lợi của ông bị xâm phạm”.

Điều đáng nói hơn, theo công văn của TAND huyện Bến Cầu gửi Huyện uỷ thì gần đây, ông Quân đã nhận tiền đền bù phần diện tích 4m ngang trong diện tích 7m mà ông Chạy đang cất nhà ở. Nếu đúng như vậy thì vụ “tranh chấp” này lại thêm điều khó hiểu: Vì sao ông Chạy không được nhận tiền đền bù mà ông Quân được nhận, khi xã và toà “đang thụ lý tranh chấp”. Theo vợ chồng ông Chạy cho biết, họ đã bị thiệt hại rất nhiều vì dính vào vụ tranh chấp “từ trên trời rơi xuống” (!?).

Theo tìm hiểu của phóng viên, phần đất 7m ngang mà ông Quân cho ông Chạy đã được vợ chồng ông đổ nền đất khá cao và đã cất nhà ở từ lâu, đến nay vẫn không có gì thay đổi. Hiện trạng khu đất này rất khác biệt so với những khu đất chung quanh. Ông Chạy bị ông Cửa và UBND xã Lợi Thuận không cho nhận tiền đền bù vì lý do “đất tranh chấp” là rất vô lý.

Vì sao ông Cửa và UBND xã Lợi Thuận cố tình “ép” ông Chạy phải “tranh chấp” một cách vô lý như thế? Theo gia đình ông Chạy, đằng sau vụ việc này có “động cơ cá nhân” của một vài cán bộ xã Lợi Thuận vì mục đích riêng tư (?). Thực hư nội tình vụ việc này ra sao, vì sao ông Chạy không được nhận tiền đền bù và bị cuốn vào “mớ bòng bong” kiện cáo mập mờ, khiến vợ chồng ông muốn quẫn trí, lâm vào cảnh tình khốn khó, phải đi làm phụ hồ kiếm sống? Tại sao trong thời gian toà thụ lý tranh chấp đất có liên quan đến ông Chạy nhưng cơ quan chức năng và chính quyền địa phương lại cho ông Quân nhận tiền đền bù (như TAND huyện Bến Cầu cho biết), phải chăng có “điều mờ ám”?

Chúng tôi đề nghị UBND huyện Bến Cầu sớm chỉ đạo ngành chức năng điều tra xác minh “vụ án kỳ lạ” này một cách khách quan, trung thực và sớm giải quyết những bức xúc của gia đình ông Chạy, xử lý vụ việc và những người có liên quan theo quy định của pháp luật.

BẢO TÂM

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục