BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vụ tranh chấp đất ở Trường Huệ - Trường Tây (Hoà Thành): Phát hiện nhiều chứng cứ giả tạo

Cập nhật ngày: 11/08/2010 - 10:54
HTML clipboard

Vụ tranh chấp 1,57 ha đất giữa ông Đặng Hoàng Minh và bà Đặng Thị  Hảo diễn ra đã 35 năm. Báo Tây Ninh đã 2 lần lên tiếng về vụ việc này. Thế nhưng cho đến nay, sự việc vẫn còn nhùng nhằng chưa giải quyết dứt điểm, mặc dù ngày 24.10.2008, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2463/QĐ-UBND (gọi tắt là QĐ 2463) –cũng là QĐ cuối cùng theo hướng công nhận yêu cầu chính đáng của ông Minh. Vậy mà suốt gần 2 năm qua, gia đình ông Minh vẫn phải mỏi mòn chờ đợi vì chưa biết bao giờ công lý mới được thực thi.

Qua điều tra, xác minh sự việc, giờ đây, chúng tôi có đầy đủ cơ sở để khẳng định rằng: QĐ 2463 của UBND tỉnh là hoàn toàn đúng đắn, hợp lý, hợp tình. Nay, người viết bài này xin bổ sung thêm đôi điều để các cấp, ngành chức năng tham khảo.

Phía nguyên đơn: nhiều nguỵ tạo!

Theo chúng tôi, những căn cứ mà phía bà Mùi Thị Lan (tạm gọi là nguyên đơn) đưa ra để yêu cầu phúc tra lại sự việc đều không thuyết phục, thậm chí có khá nhiều chứng cứ giả tạo. Đơn cử như sau:

Vấn đề thứ 1. Trong Tờ lập hội đồng gia tộc ngày 10.4.1973 (Tờ LHĐGT) mà bà Lan trưng ra, có nêu phần đất thổ từ đời ông sơ bà (Đặng Văn Bình) để lại là 3,5 ha, với tứ cận như sau: Đông giáp gò mả cây bách mọi, tây giáp Cao Văn Thơm, nam giáp Đặng Văn Lại và Đặng Văn Biết, bắc giáp Phạm Văn Lúa.

Thật ra, Tờ LHĐGT này đã bị bà Lan sửa lại cho phù hợp ý đồ. Nội dung chính xác của nó là nam giáp Đặng Văn Lợi (chứ không phải Đặng Văn Lại). Điều này mặc nhiên đã nói lên một sự thật không thể chối cãi: cho đến thời điểm ấy (1973) đất của ông Lợi vẫn tồn tại! (Nếu không, phía bà Lan đã chẳng tìm cách sửa văn bản, tráo tên làm gì). Cũng xin nói thêm, ông Đặng Văn Lại (là một trong số 11 người con của ông Đặng Văn Bình) đã chết vào khoảng trước năm 1936. Chúng tôi đã lần tìm, dò hỏi ở những người sống lâu năm tại ấp Trường Huệ, nhưng hầu như ai cũng nói: xưa nay chưa từng nghe ông Đặng Văn Lại có đất nào ở đây cả. Như vậy, chuyện bà Lan dựng ra tên họ ông Lại là để đánh lừa cơ quan chức năng (và thực tế cũng đã lừa được một số người).

Rõ ràng 3,5 ha đất mà tổ tiên bà Lan để lại chỉ là phần đất giáp ranh về phía Nam với đất ông Lợi (cũng là đất ông Minh). Còn nếu cho rằng 1,57 ha đất ấy nằm trong 3,5 ha nói trên thì không thể tìm ra tứ cận như đã ghi trong Tờ LHĐGT được! Vì nó không khớp với thực tế.

Phóng viên đã ghi nhận ý kiến của 2 người dân Trường Huệ chính gốc, nay đều đã ngoài 50 tuổi kể rằng: đất ông cha bà Hảo để lại, bị người khác tranh chiếm, bán sang tay nhiều người từ trước giải phóng. Lúc bà Hảo về đây thì sự việc đã rồi, không còn lấy lại được, bà mới nhảy ra chiếm đất của ông Minh. Hỏi nếu cơ quan chức năng mời đến cung cấp thông tin các vị có dám nói không, họ không ngần ngại đáp: “Dám chớ sao không! Nếu mời, tôi sẵn sàng tới. Có sao tôi nói vậy, sợ gì!” (tên họ của những người này đều có trong biên bản xác minh của PV).

Vấn đề thứ 2: Bà Lan trưng ra Tờ chia đất thổ lập ngày 12 tháng 3 nhuần năm 1936 của gia tộc bà để làm bằng chứng. Song đáng nói là tờ giấy này cũng đã bị sửa lại. Chẳng hạn đất ông Bình để lại cho con trai lớn là ông Đề chỉ có 1H20 cao được sửa thành 4H20 cao. Ông Đề chia lại cho ông Tuồng (tức ông cố của Lan) chỉ có 20 cao -được sửa thành 1H20 cao. Việc “phù phép” này nhằm làm cho ăn khớp với đất thực tế mà gia đình bà Lan đang chiếm giữ.

Vấn đề thứ 3: Ba Lan cung cấp giấy biên lai thu phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 20.10.1993 của UBND xã Trường Tây. Chứng từ này cũng có dấu hiệu nghi ngờ nó đã bị sửa lại. Cụ thể, diện tích đất đăng ký của bà Hảo được ghi bằng chữ số đánh máy chỉ là 300m2 nhưng bên cạnh đó lại là con số 10.300m2 viết tay, chen vào khá lộ liễu! Đề nghị cơ quan chức năng cũng nên tiến hành kiểm tra lại điều này cho rõ trắng đen.

Mộ ông Đặng Văn Bình (trái) và bà Phạm Thị Mọi (phải) nằm ở một khu nghĩa địa khác, không thuộc 1,57 ha đất tranh chấp

Vấn đề thứ 4. Theo bà Lan, mồ mả trên phần đất 1,57ha là của gia tộc bà. Trong đó có mộ ông bà sơ của bà là ông Đặng Văn Bình và bà Phạm Thị Mọi. Bà tố cáo ông Minh đã… lén phá bỏ bia mộ của tổ tiên bà, rồi dùng bia mộ giả tráo vào. Sự thật thì sao?

Qua điều tra, chúng tôi đã truy ra được mộ của ông Bình và bà Mọi hiện nằm tại một khu động mả khác, thuộc địa bàn tổ 18, ấp Trường Huệ. Người hiện đang giữ phần hương khói, tảo mộ ông Bình, bà Mọi hằng năm là 2 anh em ông Đặng Văn Hiền và Đặng Văn Cơ (cháu cố ông Bình, bà Mọi). Tại khu nghĩa địa này, chúng tôi còn tìm thấy nhiều ngôi mộ khác như: Đặng Văn Cận, Đặng Thị Đây, Đặng Văn Lẹ, Đặng Thị Thiệt… đều thuộc các thế hệ con, cháu của ông Bình, bà Mọi. Riêng mộ của chồng, con bà Hảo (chết sau 1975) thì chôn nhờ ở nghĩa địa ông Đặng Văn Chắc –cũng người trong kiến họ.

Vấn đề thứ 5: Bà Lan cho rằng tính đến nay nhà bà đã có 6 đời luân phiên canh tác liên tục trên phần đất ấy. Tuy nhiên, có ít nhất 4 người lớn tuổi ở ấp Trường Huệ (có biên bản xác minh) đã cung cấp cho phóng viên những thông tin giống nhau: phần đất tranh chấp từ trước cho đến ngày giải phóng chỉ có mồ mả của gia đình ông Minh, toàn bộ còn lại đều là đất trống.

Một người đàn ông hơn 50 tuổi, công tác tại xã Trường Tây cho biết thêm: “Hồi năm tôi mười mấy tuổi, tôi đã thấy ông Minh chở chuối cây bằng xe lam xuống trồng trên đất đó. Miếng đất của ông Minh, tôi thuộc như lòng bàn tay, đường đi thế nào, giáp ranh nhà ai, tôi còn nhớ rõ” (Biên bản xác minh ngày 15.5.2010).

Một ông cụ tuổi đã ngoài 70, còn rất minh mẫn, kể khá chi tiết: “Từ trước 1975, đã xảy ra vụ thưa kiện giữa bà Ngọc và ông Minh. Lúc đó tôi đã gần 39 tuổi nên tôi biết. Vụ việc có đưa ra làng xã giải quyết nhưng chưa ngã ngũ. Đến khi hoà bình, bà Ngọc rút lui, chị em bà Hảo, bà Hớn nhảy vào. Phần đất trống (sau giải phóng được dùng làm sân bóng) là của ông Đặng Văn Lợi (cha ông Minh) đem thế cho ông Tuồng (ông nội bà Hảo) vào khoảng năm 1940- 1950 gì đó, tôi không nhớ chính xác năm nào”. (Biên bản xác minh ngày 5.6.2010).

Từ đó cho thấy, việc bà Lan nói gia tộc bà đã “6 đời luân phiên canh tác liên tục”  và “có cất 6 căn nhà ở ổn định” là không đúng sự thật. Những căn nhà của gia đình bà mọc lên sau khi giữa hai bên đã diễn ra tranh chấp. Đã có tranh chấp thì không thể gọi là ổn định được.

Những căn cứ xác định 1,57 ha đất là của ông Minh

Ngoài Tờ ký trả đất, do ông Đặng Văn Sóc ký xác nhận, đồng ý cho ông Minh chuộc đất vào năm 1955 ra, ông Minh còn có Tờ cho đất thổ cư lập ngày 19.10.1975. Đây là biên bản ghi lại buổi làm việc có tính chất hoà giải của ban nhân dân ấp Trường Huệ (có chứng thực của chính quyền xã Trường Hoà lúc bấy giờ). Trong đó thể hiện việc ông Minh đồng ý cắt cho bà Hảo, bà Hớn mỗi người 3 công trong tổng số 1,57 ha. Bà Hớn lăn tay nhận phần. Riêng bà Hảo lúc đầu chịu nhận, nhưng sau đó lại đổi ý. Trong biên bản này có ghi ý kiến của một nhân chứng tên là Phạm Văn A, nguyên văn: “Nhân chứng thứ ba xác nhận số đất Đặng Hoàng Minh đã chuột (*) rồi vào năm Ất Mùi”. Trong cuộc họp ấy, ngoài ông Minh, bà Hảo, bà Hớn, còn có sự chứng kiến, ký tên của 2 người trong thân tộc bà Hảo, đó là ông Đặng Văn Lẹ, ông Đặng Văn Rê. Phía bà Lan cho rằng đây là biên bản giả do ông Minh tự dựng ra. Nhưng qua đối chiếu bút tích, chữ ký còn lưu lại của những người có mặt trong cuộc họp đó, chúng tôi có đủ cơ sở chứng minh biên bản này là hoàn toàn thật.

Theo lời ông Minh, sau năm 1975, chính quyền xã Trường Hoà có cử người đến gặp ông để mượn đất làm sân bóng. Bà Lan cũng trưng ra tờ giấy do ông Nguyễn Văn Xuân, ký ngày 13.10.1993 xác nhận có mướn đất của nhà bà làm sân bóng vào năm 1977, 1978. Đáng chú ý là lời kể của ông Minh được ông Huỳnh Văn Thận, hiện là Chủ tịch Hội Nông dân Hoà Thành, nguyên cán bộ xã Trường Hoà trước kia (sau đổi tên là Trường Tây) xác nhận là đúng. Trong khi tờ giấy xác nhận ký tên ông Xuân không thể kiểm chứng được (giấy không có dấu chứng thực mà ông Xuân thì đã qua đời từ lâu). Xét ra, chứng cứ này không đáng tin cậy.

Chúng tôi đã tham khảo ý kiến của chính quyền địa phương xã Trường Tây xung quanh vụ tranh chấp trên. Vị cán bộ, đại diện lãnh đạo xã Trường Tây phát biểu: “Theo quan điểm của chúng tôi là nên giải quyết theo QĐ 2463 của tỉnh, vì như vậy là hoàn toàn hợp tình, hợp lý. Trước khi QĐ 2463 ra đời, chúng tôi có tham dự cuộc họp do Sở Tài nguyên- Môi trường và một số ngành tổ chức bàn về cách xử lý vấn đề này nên cũng nắm được vụ việc”. (Biên bản làm việc ngày 5.6.2010)

Vì trang báo có hạn nên bài viết này xin tạm dừng ở đây. Ý kiến cuối cùng của chúng tôi: việc giải quyết vụ tranh chấp trên đã kéo dài (một cách không cần thiết) quá lâu. Nay đã đến lúc cần kết thúc bằng cách thực hiện nghiêm chỉnh QĐ 2463 của UBND tỉnh. Điều đó vừa đúng pháp luật, vừa phù hợp với nhân tâm, cụ thể là phù hợp với suy nghĩ, nhận định của đông đảo người dân ở ấp Trường Huệ.

NHẤT PHƯỢNG


 
Liên kết hữu ích