BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vụ trồng rừng năm 2010: Trồng xen- coi chừng “lợi bất cập hại”

Cập nhật ngày: 21/06/2010 - 05:31

Mùa mưa đã đến báo hiệu thời điểm vào vụ trồng rừng năm 2010. Vụ trồng rừng năm 2009, diện tích rừng trồng đạt kỷ lục so với nhiều năm trước đây- khoảng gần 1.000 ha. Vụ trồng rừng năm nay, ngành chức năng lập kế hoạch trồng 700 ha và phấn đấu đạt được diện tích bằng năm rồi. Rõ ràng công tác trồng rừng trong vài năm trở lại đây đạt kết quả rất khả quan. Tuy nhiên có một vấn đề rất đáng quan tâm, đã và đang làm giảm chất lượng rừng trồng- thậm chí có thể dẫn đến hậu quả là trồng rừng nhưng không thành rừng. Đó là vấn đề trồng xen.

Từ nhiều năm nay, các hộ nhận khoán trồng rừng được các chủ rừng hợp đồng trồng theo một số mô hình chuẩn. Các mô hình có cấu tạo trồng các loại cây khác nhau, nhưng trong đó thường có các loại cây phụ trợ như keo, tràm trồng xen với các loại cây chính bản địa như sao, dầu… Sở dĩ cơ quan chức năng thiết kế các mô hình trồng có cây phụ trợ xen với cây rừng chính là nhằm tạo điều kiện cho các hộ nhận khoán trồng rừng có thu nhập từ việc thu hoạch cây phụ trợ trong thời gian chờ cây rừng chính lớn lên thành rừng. Tất nhiên, kèm theo đó là những quy định để đảm bảo cây rừng chính sống và phát triển được như tỉa thưa cây phụ trợ phải tuân thủ đúng thời gian, đúng quy định, đúng tỷ lệ… Ngoài ra, để “hấp dẫn” các hộ mạnh dạn nhận khoán trồng rừng, ngành chức năng có chủ trương cho những hộ trồng rừng được trồng các loại cây ngắn ngày- như cây khoai mì xen trong diện tích trồng cây rừng trong vài năm đầu khi cây phụ trợ và cây rừng chính chưa khép tán. Chủ trương trồng xen cây ngắn ngày xuất phát từ việc trong vài năm đầu người nhận khoán trồng rừng không có thu nhập từ việc thu hoạch cây phụ trợ vì trong thời gian này cây phụ trợ vẫn còn nhỏ, chưa thu hoạch bằng tỉa thưa được.

Nhiều khoảnh rừng trồng cây phụ trợ xanh tốt nhưng cây rừng chính lại èo uột

Chủ trương cho trồng xen cây phụ trợ và cây ngắn ngày trên diện tích trồng cây rừng là đúng đắn, nhất là trong tình hình định suất khoán trồng rừng hết sức eo hẹp, người nhận khoán trồng rừng không thu nhập được bao nhiêu từ nguồn vốn đầu tư trồng rừng. Thế nhưng thực tế trong nhiều năm trồng rừng cho thấy việc trồng xen ở nhiều nơi không thực hiện theo những quy định và hậu quả là có những diện tích đã trồng rừng nhưng không thành rừng do cây rừng chính không phát triển nổi. Trước tiên là ở mô hình trồng xen cây phụ trợ với cây rừng chính. Ở một số khoảnh rừng trồng khoảng gần 10 năm, những cây phụ trợ như tràm, keo phát triển rất tốt, trong đó có cây lớn gần cả ôm, nhưng những cây rừng chính như sao, dầu thì chẳng lớn bao nhiêu, trong đó có cây chỉ bằng cổ tay, bắp tay và cao chưa quá 2 mét. Hầu như tất cả cây rừng chính đều bị tán cây phụ trợ che khuất hoàn toàn. Một số người am tường cho biết sở dĩ có tình trạng này là do nhiều hộ nhận khoán trồng rừng chỉ chăm chút cho cây phụ trợ bởi vì đó là nguồn thu nhập của họ. Cây phụ trợ lớn càng nhanh thì bóng che càng lan rộng che phủ hết cây chính. Cây rừng chính không được chăm sóc tốt và ngày càng thiếu ánh sáng quang hợp nên ngày càng èo uột.

Còn việc trồng xen cây ngắn ngày trên diện tích trồng rừng cũng không khá hơn. Hầu hết các hộ nhận khoán đều trồng khoai mì xen cây rừng trên diện tích nhận khoán. Ở rất nhiều khoảnh rừng trồng xen như vậy, muốn tìm một cây rừng thật không dễ- nhất là khi cây mì đã lớn. Chúng tôi đã từng bò dưới tán cây mì để tìm và chụp ảnh cây rừng. Khi đó cây mì cao hơn 1 mét, đã khép tán toàn bộ, còn cây rừng thì chỉ cao hơn 2 tấc, èo uột và khép nép đứng cạnh những gốc mì to hơn gấp nhiều lần. Một nhân viên bảo vệ rừng cho biết, theo quy định thì hàng mì trồng xen phải cách hàng cây rừng từ 1 mét để đảm bảo cây rừng có “chỗ thở” và phát triển. Thế nhưng có không ít hộ nhận khoán chẳng tuân thủ, trồng hàng mì sát với hàng cây rừng chính nên chỉ sau vài tháng là cây rừng bị che lấp hoàn toàn, không lớn nổi. Sau khi thu hoạch vụ mì này, hộ nhận khoán lập tức trồng ngay vụ mới, cây rừng lại tiếp tục bị che lấp… Chính vì thế mà có những khoảnh rừng trồng đã mấy năm nhưng cây rừng chỉ bằng ngón tay và cao chưa đến 5 tấc. Ngoài ra, cũng có không ít trường hợp khi cây rừng đã lớn sau nhiều năm trồng, hộ nhận khoán lại tìm cách “kiềm lại” không cho cây rừng phát triển để trồng xen cây khác. Thậm chí trong vài năm gần đây khi giá khoai mì tăng cao, có không ít hộ còn lén lút mé nhánh cây rừng- chỉ chừa đọt để có ánh nắng cho cây trồng xen phát triển. Kết quả là có những khoảnh rừng trồng đã nhiều năm nhưng chẳng ra rừng, khiến chủ trương cho trồng xen trở thành “lợi bất cập hại”.

Thực trạng trồng xen như đã nêu đã diễn ra trong nhiều năm và ở nhiều nơi. Đây là hậu quả của việc kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu không chặt chẽ. Còn những hộ nhận khoán trồng rừng thì hầu hết đặt nặng vấn đề thu nhập từ cây trồng xen mà không mấy quan tâm đến hậu quả lâu dài. Do đó, muốn việc trồng xen đạt mục tiêu tốt đẹp như ý muốn, cơ quan chức năng và các chủ rừng phải tăng cường hơn nữa công tác đánh giá nghiệm thu, đồng thời phải thường xuyên kiểm tra chặt chẽ việc chấp hành trồng xen đúng quy định. Hộ nhận khoán nào không tuân thủ trồng xen đúng quy định, đảm bảo cho cây trồng chính phát triển tốt thì buộc phải điều chỉnh ngay để có thể chắc chắn rằng những diện tích đã trồng rừng sẽ trở thành rừng.

SƠN TRẦN