Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Vững hành trang 'người lính Cụ Hồ' ở Liên bang Nga
Thứ hai: 02:51 ngày 23/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhiều chủ quầy hàng tại “Trung tâm thương mại Ostuzheva – 47” ở thành phố Voronezh, Nga, là những người lính Việt Nam từng tham gia chiến trường Campuchia, Biên giới phía Bắc.


Các cựu chiến binh Voronezh họp bàn tổ chức ngày 22/12.

Đến với “Trung tâm thương mại Ostuzheva – 47” vào những ngày người Việt ở đây đang chuẩn bị đón lễ Noel, tôi được biết có rất nhiều chủ quầy hàng, chủ gia đình ở đây là những người lính phục viên, từng chiến đấu tại chiến trường Campuchia, Biên giới phía Bắc, sang lao động ở Liên Xô cuối những năm tám mươi của thế kỷ trước, nay đang là những hạt nhân thúc đẩy cộng đồng người Việt ở Voronezh vững mạnh. Đặc biệt, những người chiến sĩ phục viên này, sau nhiều thăng trầm, vẫn tiếp tục đứng trong hàng ngũ của Đảng, trung thành với lý tưởng của Đảng, và lấy đó làm lẽ sống cho mình.

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Đảo, quê Gia Lộc (Hải Dương) sang Liên Xô cuối năm 1989, vào đảng ngày 19/5/1987, từng là chiến sĩ pháo binh Trung đoàn 14, Sư đoàn 313, Quân khu II và có 8 tháng tham gia chiến trường Vị Xuyên, Hà Giang. Anh bồi hồi nhớ lại: “Thời ấy đánh nhau, cũng có trận rất ác liệt, ngày ác liệt nhất có mười mấy đợt (địch) nống lên trong ngày”.

Anh khiêm tốn chia sẻ: “Sang nước Nga này có rất nhiều thăng trầm, thay đổi, song phẩm chất của người lính Việt Nam, phẩm chất của người Đảng viên là luôn luôn giữ vững lập trường, kiện định vững vàng. Lập trường của chúng tôi được đúc kết, rèn luyện qua thời gian là người lính cụ Hồ và giữ nguyên vẹn tới tận bây giờ”.

Chia sẻ về ngày kỷ niệm 75 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, anh cho biết: “Thực sự anh em chúng tôi rất xúc động. Cảm ơn Chi bộ, Chi hội thành phố Voronezh, và người đứng đầu là ông Phạm Ngọc Trung, giúp anh em chúng tôi hồi tưởng lại những ký ức chiến trường xưa, để sống xứng đáng là người lính cụ Hồ, là người Đảng viên”.

Cũng như bao gia đình bán hàng khác, hàng ngày cựu chiến binh Bùi Xuân Nhân, quê huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, vẫn ra chợ cùng vợ bán hàng vải. Anh Nhân vẫn nhớ như in các mốc quan trọng trong đời mình như ngày anh nhập ngũ - 25/2/1985, vào Đảng ngày 27/8/1987 và ngày 29/4/1989, anh phục viên, sang Liên Xô lao động tại nhà máy lốp Voronezh cùng với khoảng 300 anh em phục viên khác.

Anh tâm sự mộc mạc: “Lúc nào tôi cũng nghĩ mình là người chất lính, chất Đảng, lúc nào cũng phải làm gương không những trong gia đình mà cả ngoài xã hội”. Trước sự kiện kỷ niệm 75 năm thành lập QĐND Việt Nam, anh bày tỏ: “Không những tôi mà với tất cả anh em bọn tôi đều nghĩ đây là một ngày tuyệt vời bởi tất cả chúng tôi từng là người lính, chất lính ở trong người ít nhiều lúc nào cũng có, sự kiện này rất có ý nghĩa với anh em chúng tôi”.

Năm nay đã 34 tuổi Đảng, cựu lính thông tin Tiểu đoàn thông tin 13, Sư đoàn 325, Phạm Văn Huyên, quê Trung Đông, Trực Ninh, Nam Định, sang Liên Xô năm 1989 cùng với khoảng 150 chiến sĩ khác để lao động tại nhà máy gạch Voronezh. Nay giữ chức Bí thư Chi bộ Đảng Voronezh, ông Huyên cho biết: “Với trách nhiệm của người Đảng viên thì anh em chúng tôi ở lại có khoảng 40 anh em Voronezh gốc.

Hầu như đến giờ phút này đều có gia đình. Và chúng tôi rất vinh dự vì thế hệ thứ hai của chúng tôi cũng ở lại đây... Chúng tôi xây dựng chi bộ Đảng ở đây từ năm 2004. Hai năm sau chúng tôi thành lập Hội đồng hương, rồi đến cộng đồng người Việt…Với 6 đồng chí doanh nhân cũ làm nòng cốt cho Chi bộ Đảng Voronezh, Chị bộ chúng tôi phụ trách 4 thành phố Voronezh, Belgorod, Kursk, và Lipetsk”.

Nhân dịp 75 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam, ông Huyên chia sẻ: “Đứng trên cương vị là người lính, một người Đảng viên sống xa tổ quốc, chúng tôi luôn luôn hướng về tổ quốc. Luôn luôn giữ vững lập trường tư tưởng và hướng theo đường lối của Đảng chỉ đạo”.

Ông Phạm Ngọc Trung, Chủ tịch Hội người Việt ở Voronezh, từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia. 

Là một cựu chiến binh từng tham gia phục vụ ở Campuchia, ông Phạm Ngọc Trung, Chủ tịch Hội người Việt ở Voronezh, người đã có nhiều nỗ lực trong việc khôi phục Chị bộ Đảng Voronezh cuối năm 2004 sau khoảng 8 năm gián đoạn kể lại: “Năm 2004, Đại sứ Ngô Tất Tố có chuyến công tác thăm thành phố Voronezh. Thấy anh em công nhân chúng tôi chủ yếu là bộ đội và công an phục viên, sang xuất khẩu lao động, nên chỉ đạo khôi phục Chi bộ Đảng.

Đáp ứng nhu cầu đó, chúng tôi đã nhanh chóng liên lạc với Đảng viên, tập trung giấy tờ và những thứ cần thiết gửi lên Đại sứ quán để xúc tiến khôi phục Chi bộ thành phố Voronezh”. Ông Trung cho biết thêm: “Từ đó chúng tôi đã phát triển được rất nhiều Đảng viên qua các năm thuộc khối sinh viên sang học tập và nghiên cứu sinh tại thành phố này”.

Đề cập đến quá trình tổ chức các sự kiện trọng đại ở thành phố Voronezh, ông cho biết kể từ khi Hội người Việt ở Voronezh được chính quyền sở tại chính thức công nhận năm 2010, Hội người Việt nơi đây thường xuyên tổ chức kỷ niệm những ngày lễ lớn của Việt Nam như tết Độc lập 2/9, Tết Nguyên đán, và ngày thành lập quân đội 22/12 để tất cả anh em cựu chiến binh nhớ lại thời kỳ gian khó trên chiến trường, nhất là tại các mặt trận Campuchia và Biên giới phía Bắc.

Rời “Trung tâm thương mại Ostuzheva – 47” khi cây thông Noel đã lung linh, huyền ảo sau khi khoác lên mình bộ áo lễ hội mới, chia tay những người lính phục viên già suốt 30 năm qua trải qua nhiều sóng gió nơi xứ sở Bạch Dương, lòng tôi cảm thấy bồi hồi, xúc động. Xin cảm ơn các anh, cảm ơn những “người lính” vẫn giữ vững tinh thần chiến sĩ, thủy chung, son sắt đi theo Đảng, và với hành trang đó, các anh đã góp phần xây dựng cộng đồng, xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, gắn bó hơn, hòa đồng hơn với nước sở tại.

Nguồn TTXVN tại LB Nga

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục