Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Vùng làng
Thứ bảy: 06:50 ngày 09/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ôi những “Vùng làng” trên các dải rừng căn cứ Bắc Tây Ninh! Đi qua vùng nào mà không có những điểm tựa cho lòng ta nhung nhớ. Quanh đây còn mấy “Vùng làng” ở trong di tích Căn cứ Trung ương Cục, Căn cứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, hay Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời.

Đường rêu.

Dịp kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống Báo Tây Ninh 5.10 vừa qua, tôi theo các bạn ở Báo về nguồn tại di tích Căn cứ Ban An ninh Miền. Trong khi các bạn trẻ của Báo giao lưu với Bộ đội đồn Biên phòng Xa Mát và Công an huyện Tân Biên, tôi đi sang khu di tích tái hiện căn cứ ngày xưa từng có trên rừng, tính thăm lại mấy bụi tre gai, hoặc cái hố bom ông Phạm Thái Bường- Trưởng Ban An ninh Miền từng ngồi câu cá.

Trong vài lần đến trước, tôi đã lặng ngắm nó. Một đằng như biểu tượng của rừng căn cứ, tre gai chằng chịt gai nhọn đầy cành, giăng giăng tứ phía như thách đố bất cứ ai dám chạm vào. Một bên lại là sự thanh thản, hiền lành đến bất ngờ của một cái hố bom- biểu tượng sức mạnh huỷ diệt của quân đội Mỹ. Có phải là bom B52 của trận càn “phản công chiến lược mùa khô” 1966-1967 Junction City không nhỉ? Trận càn khốc liệt nhất chiến tranh thời chống Mỹ, nhằm tiêu diệt hoặc bắt sống bộ chỉ huy của cách mạng miền Nam.

Tre thì vẫn rậm rịt, giăng díu những vòi cong đầy gai, chắc là còn hơn cả những loại rào kẽm gai tân tiến nhất của Hoa Kỳ, tuy cành có vẻ hơi rũ rượi một chút. Còn hố bom? Nước long lanh soi bóng lá cùng mây trời ngang qua soi xuống. Còn cả một bầy con gọng vó hiếm hoi đang trượt nước. Chúng giống như các nghệ sĩ trượt băng thường thấy ở ti vi. Mưa làm hố bom đầy nước, cũng làm cho bộ bàn ghế ghép từ cành cây của người xưa phủ một màu rêu mốc thời gian.

Nhưng có một thứ rêu khác không làm ta chạnh buồn, mà ngược lại, làm sáng bừng cả rừng căn cứ. Thưa, đấy là rêu phủ trên những con đường mòn. Những con đường uốn lượn, vòng qua từng cụm nhà xưa. Sao mùa này lại ửng non tươi sắc xanh lá mạ. Dường như không tin nổi đấy là rêu. Xin bảo đảm là rêu ấy đẹp hơn tất cả các loại thảm từng có trên trái đất. Bạn sẽ bảo là vì yêu quá mà nói thế.

Thưa không! Bởi đây là thảm sống. Do thiên nhiên kỳ ảo dệt nên. Mà cái gì đã do trời sinh thì con người tài giỏi mấy cũng không thể bắt chước. Họ chỉ có thể làm những thứ gần giống thế mà thôi.

Nhà và giếng nước.

Đấy! Con đường rêu xanh cứ ửng lên và sáng ngời trong nắng xanh- thứ nắng đã lọc qua lớp lớp tán rừng. Êm và mịn như nhung, mà chẳng có thứ nhung nào lại khiến ta muốn cởi giày ra rồi rón rén đi trên như chúng. Êm và mát rượi, như xoa dịu mọi bàn chân mỏi mệt. Con đường rủ tôi đi khắp một “Vùng làng”.

“Vùng làng” này có cả những căn nhà mái bánh ít lợp lá trung quân, như nhà ở đất phương Nam, lại có những căn xập xè mái tranh kiểu Bắc. Tôi gọi “Vùng làng” bởi chợt nhớ đến bài thơ nổi tiếng Phạm Tiến Duật viết ở Trường Sơn, cũng vào những năm các chú, các anh sống trên Căn cứ Trung ương Cục.

Bài thơ Vùng làng là thế này đây: “Anh đi những nẻo rừng già/ Đang cây lại bỗng có nhà ở trong/ Giật mình vách dựng thong dong/ Cửa nhìn sang cửa, nhà thông sang nhà/ Cũng vương tóc rối chân gà/ Cũng tiếng chó sủa chiều tà sau cây/ Cũng quần áo ướt phơi dây/ Cũng gầu múc nước- ô hay, cũng làng…”.

Tôi đã nhiều lần tới di tích Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam (gọi tắt là Ban An ninh Miền), thường là vào các dịp họp mặt truyền thống hay lễ hội. Vậy nên những hoạt động sôi nổi bên khu tôn tạo thường cuốn tôi vào. Bên ấy gồm nhà bia của Công an các tỉnh, thành, có cả một quảng trường mênh mông các tượng đài, vườn hoa hồ nước, nhà truyền thống… Có đâu được như lần này, một mình tha thẩn trong rừng vắng. Lại là một khu rừng tái hiện chân thực và sinh động một thời kháng chiến gian lao.

Sách Di tích Lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, năm 2014) cho biết: Ban Bảo vệ An ninh Xứ uỷ ra đời từ tháng 7.1960, đến tháng 6.1962 mới đổi tên là Ban An ninh Trung ương Cục. Căn cứ Ban đã qua 8 lần chuyển cứ, chỉ một năm đứng chân trên rừng Mã Đà chiến khu D, còn lại là trên đất huyện căn cứ địa 105, sau đổi thành huyện Tân Biên.

Cho đến đầu năm 1973 mới chuyển về vị trí này, còn gọi là trảng Bảy Bàu. Thế là suốt 15 năm, Ban An ninh Miền đã không chỉ “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng gian bảo mật, bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não cách mạng miền Nam” (Sđd). Mà còn trực tiếp chiến đấu, bảo vệ mình và bảo vệ các cơ quan trên căn cứ địa.

Đọc sách “Chung một bóng cờ” của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, sẽ thấy một chi tiết đánh địch độc đáo và vô cùng sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ an ninh trên trảng Bảy Bàu. Đấy là việc dựng các bãi chông, sừng sững giữa trảng để chống máy bay lên thẳng Mỹ. Tại những bãi trống địch có thể hạ máy bay, ta đều cắm nhiều những thân cây cao 5-7 mét, chuốt nhọn y như bãi cọc Bạch Đằng cha ông xưa chống giặc từ phương Bắc tràn sang.

Tháng 12.1983, đi thăm các di tích kháng chiến ở Tây Ninh trở về, nhà thơ Xuân Diệu viết bài thơ “Tây Ninh, mỗi chốn tôi đi”. Những câu trong khổ thứ hai là: “Tôi hái một cành le trong chiến khu ngày trước/ Tôi đến soi gương vào giếng cũ trong rừng/ Có thể lẫn hình cây không thể lầm dáng nước/ Con mắt trời, con mắt đất nhìn ta”.

Bài được in trong sách giáo khoa “Thơ văn Tây Ninh trong nhà trường” (NXB Giáo dục, 1994). Về mấy câu thơ trên, Giáo sư Lê Trí Viễn, chủ biên bình tán rằng: “Giếng tròn nên giếng giống con mắt của đất, giếng lại in hình nền trời nên cũng giống con mắt của trời; thế là ta nhìn giếng mà hoá ra con mắt đất, con mắt trời trở lại nhìn ta…”.

Nhà văn Vân An, nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cùng đi với nhà thơ Xuân Diệu năm ấy kể rằng, nơi dẫn nhà thơ đến thăm chính là căn cứ Bảy Bàu. Năm ấy tất cả vẫn còn, cho đến giờ như tôi thấy thì còn đến 3 cái giếng nước giữa rừng căn cứ. Giếng nào cũng được xây tròn bằng đá ong, phủ rêu biếc xanh và lơ thơ cỏ mọc.

Nhìn vào lòng giếng, giữa thăm thẳm “lỗ đen” là thấy long lanh một khoảng trời xanh mây trắng giữa cành lá lao xao. Kế bên một giếng là bếp Hoàng Cầm, đúng như nhà thơ đã viết: “Đây bếp Hoàng Cầm cỏ mọc lơ thơ/ Đến mùa mưa măng le là vị chính”. Nhắc tới le là lại thấy le rồi. Nhưng có vẻ đã khác xưa. Các bụi le này được xén tỉa sao đó, tròn trịa từng bụi như cây kiểng đứng một dãy bên đường. Không còn là thứ le tràn lan hoang hoải mọc. Nên có gì như thấy “sai sai”. 

Xem rồi mới biết! Chỉ riêng khu vực trùng tu phục chế này đã có 63 ha rừng được bảo vệ nghiêm ngặt. Trong khi khu tôn tạo bên kia đường chỉ có 5 ha. Các hạng mục được trùng tu gồm nhà ở, hội trường, nhà làm việc, trạm bảo vệ, hầm và giao thông hào, bếp Hoàng Cầm và cả hầm phẫu thuật… chỉ độ mươi công trình ấy thôi đã làm nên cả một “Vùng làng”.

Vào một ngôi nhà, vừa là nơi ở vừa nơi làm việc của ông Ngô Quang Nghĩa (1928- 2011), nguyên Chánh Văn phòng Ban An ninh Miền những năm 1972 đến 1975. Ông từng làm Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh sau hoà bình, rồi lại sang Campuchia giúp bạn- là phó trưởng đoàn chuyên gia Bộ Nội vụ Việt Nam tại Campuchia.

Ông đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2014. Ngôi nhà ông ở và làm việc năm xưa vẫn là căn nhà gỗ tre lá đã được “bê tông hoá” để đủ sức chịu đựng thiên nhiên khắc nghiệt của rừng. Nhà vẫn giữ kiểu nhà xưa, như nhà thơ Phạm Tiến Duật tả ở Vùng làng. Đấy là: “Cái mè đi với cái rui/ Bởi chưng con xỏ nên đôi kèo liền/ Nhà ơi gắn bó lạt mềm/ Ai người sẽ bước trên nền nhà ta…”.

Sang tới nhà ông Cao Đăng Chiếm, nguyên Phó Ban An ninh Miền mới là cảnh ngôi nhà tranh của làng quê Bắc bộ. Mái chảy bằng tranh thứ thiệt, ửng sắc nâu vàng. Vách dựng bằng tre. Cả hai ông đã mất nên mỗi nhà đều có thêm một bàn thờ. Trên ấy là tấm chân dung vẫn luôn tươi tắn, sáng ngời của thời đang chiến đấu. Các ngôi còn lại đều lợp lá trung quân. Lá thiệt chứ không phải là nhựa như một vài di tích khác. Vì thế, dưới rừng mưa ẩm ướt, những mái lá trung quân lốp xốp ấy vẫn ngời lên sáng đỏ màu đồng.

Trên các nẻo rừng căn cứ, ta dễ dàng gặp lá trung quân tở mở xoè như những túm lá mướt xanh mềm mại, thon dài, như những bàn tay con gái vẫy. Có phải cái tên trung quân là do kỳ tích này không:- Châm lửa đốt không bao giờ cháy. Dẫu có sức nóng na-pan cũng chỉ làm chúng âm thầm hoá bụi tro đen.

 Nhà trong căn cứ.

Ôi những “Vùng làng” trên các dải rừng căn cứ Bắc Tây Ninh! Đi qua vùng nào mà không có những điểm tựa cho lòng ta nhung nhớ. Quanh đây còn mấy “Vùng làng” ở trong di tích Căn cứ Trung ương Cục, Căn cứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, hay Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời.

Tôi nhớ những cây khế, cây bưởi bên Căn cứ Trung ương Cục do các bác Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng trồng. Thì bên này ông Ngô Quang Nghĩa cũng trồng cây khế năm 1973. Vậy là 46 năm đã qua, cây thì khúc khu già nua, mà lá vẫn non tươi mơn mởn. Nhiều trái xanh, trái chín trên cành. Cây khế là biểu tượng của nhiều làng quê Việt Nam.

Thế là quê hương đã theo các ông lên rừng, để cùng kháng chiến giữ quê hương. Căn cứ giờ đã thành một rừng cây với đủ loại cây rừng, được trồng bởi các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành và cán bộ chiến sĩ công an đến từ mọi miền đất nước. Bên những dây rừng cong queo của rừng xưa là lớp lớp cây mới vươn cao, xanh tốt mỡ màng. Tôi xin với hương hồn ông Năm (Ngô Quang Nghĩa) một trái khế tròn căng. Đưa lên miệng, biết là khế chua, nhưng lạ thay càng ăn càng thấy một vị chua rất đỗi dịu dàng và “ngọt hậu”.

Cổ tích Việt Nam có truyện “Ăn khế trả vàng”. Con chim phượng hoàng đến đậu hót vang: “Ăn một quả khế/ Trả một cục vàng”. Khế vẫn còn lúc lỉu trên cây, mà những đôi cánh phượng hoàng đã bay về chân trời nào xa khuất.

Ghi chép: NGUYỄN QUỐC VIỆT

Tin cùng chuyên mục