Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Vững tay súng, giữ gìn bình yên nơi vùng biên
Chủ nhật: 15:11 ngày 23/02/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Không có điện, không có sóng điện thoại, cách xa khu dân cư gần 30km, cuộc sống còn nhiều thiếu thốn nhưng những chiến sĩ ở Chốt dân quân biên giới trên địa bàn xã Tân Bình (huyện Tân Biên) vẫn vững tay súng, bảo vệ và giữ gìn bình yên vùng biên nơi đây.

Tân Biên có hơn 90 km đường biên giới, thì trong đó xã Tân Bình đã quản lý khoảng 43 km với gần 21 km đường sông và trên 22 km đường bộ. Để biên giới được bình yên, ngoài lực lượng biên phòng của Đồn Biên phòng Tân Bình và Tân Phú, lực lượng dân quân thường trực của xã được phân vào làm nhiệm vụ tại chốt dân quân biên giới Ngã 3 Dân Sinh và chốt Cây Cầy.

Hệ thống năng lượng mặt trời được UBND xã Tân Bình đầu tư từ năm 2017.

“Nằm cách xã gần 30 km, những năm trước đây, con đường vào 2 chốt hết sức khó khăn. Đường đất đỏ, mùa mưa sình lầy trơn trợt; mùa nắng, bụi, cát cũng không dễ gì đi. Từ hơn 1 năm nay, khi đường tuần tra biên giới được xây dựng đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đi lại vào đây”, ông Phạm Đình Lập – Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Tân Bình cho biết.

Nằm cạnh con đường tuần tra phẳng phiu, rộng lớn, nhưng do cả hai chốt đều đóng trong rừng thuộc Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát, cách xa khu dân cư nên các điều kiện sinh hoạt ở đây còn nhiều hạn chế. 3 năm trước đây, cả hai chốt đều phải sử dụng đèn bằng bình ắc-quy để thắp sáng. Cứ đôi ba ngày, bình hết, các anh lại mang đi ra ngoài sạc, chiều mang về. Bình cũng chỉ đủ dùng cho thắp sáng. Việc bơm nước sử dụng bằng máy dầu, nhưng phải hết sức tiết kiệm.

Một bò mẹ do mạnh thường quân tặng chốt đã đẻ thêm được 1 bò con.

Trước điều kiện sinh hoạt khó khăn, năm 2017, UBND xã Tân Bình đã lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời cho 2 chốt. Từ khi có điện năng lượng, cuộc sống của anh em ở chốt đã cải thiện được phần nào. Tuy nhiên, vì là điện năng lượng, phụ thuộc vào nắng mặt trời, nên chỉ khi điện mạnh mới sử dụng được nhiều.

“Mọi hoạt động cần đến điện chúng tôi đều tranh thủ ban ngày. Nhất là dùng máy bơm nước, chúng tôi phải tranh thủ bơm vào giữa trưa, khi đó nắng nhiều, lượng điện tích mới đủ chạy cho máy bơm ¼ ngựa. Muốn xem tin tức, anh em cũng mở vào buổi trưa để xem cho điện ổn định, không ảnh hưởng đến tivi. Buổi tối chủ yếu là dùng để thắp sáng”, anh Bùi Văn Trưng – Chốt trưởng Chốt dân quân Ngã 3 Dân Sinh chia sẻ.

Không đủ điện, lại xa khu dân cư, để có đủ nguồn thức ăn hằng ngày, các anh em ở chốt tận dụng thùng xốp chứa nước đá để giữ lạnh, trữ thực phẩm.

Gà nuôi phải rào lưới hoặc nhốt trong lồng để không bị chồn, diều hâu bắt.

 Chốt nằm trong khuôn viên khoảng 1 công đất đủ chỗ xây dựng chốt và công sự, không có đất sản xuất, nhưng các cán bộ chiến sĩ ở chốt dân quân Ngã 3 Dân Sinh đã tận dụng những khoảng trống nhỏ để trồng thêm vài luống rau xanh, nuôi thêm gà để có thêm nguồn trứng, thịt cho bữa ăn. Tuy nhiên, việc chăn nuôi cũng không dễ dàng.

“Trước đây anh em cũng có nuôi heo. Nhưng do không có đất để xây chuồng trại kiên cố, chủ yếu che chắn mưa gió và để heo không đi ra ngoài thôi. Mà ở đây nằm ngay rừng, có nhiều rắn, rít, bò cạp tối đến vào chuồng cắn chết heo, nên từ đó anh em không nuôi heo nữa. Còn nuôi gà, anh em phải rào lưới xung quanh và cả phía trên để tránh chồn, diều hâu bắt mất”, anh Trưng bộc bạch.

Cách đây 1 năm, UBND tỉnh đã vận động mạnh thường quân tặng 2 con bò sinh sản cho 2 chốt. Đến nay, đã có thêm một chú bò con trên 6 tháng tuổi. “Vào mùa nắng, bò sẽ được nuôi ở chốt Cây Cầy của chúng tôi. Mỗi ngày, anh em dẫn ra trảng cỏ gần chốt Tà Nốt để thả, chiều dẫn về. Đến mùa mưa, do chốt bị ngập nước nên bò sẽ được đưa về chốt Ngã 3 Dân Sinh. Anh em 2 chốt hỗ trợ với nhau để phát triển từ 2 con lên thành đàn bò, từ đó tăng thêm nguồn thu nhập cho anh em ở chốt”, anh Nguyễn Hoàng Long – Chốt trưởng Chốt dân quân biên giới Cây Cầy nói.

Điều kiện sinh hoạt khó khăn, thậm chí để gọi điện thoại có lúc được lúc không, sóng điện chập chờn. Thế nhưng, tất cả các anh em đều quyết tâm bám trụ, thực hiện mọi nhiệm vụ được giao.

Tận dụng nước từ hố bom để tưới rau nhằm có thêm nguồn thực phẩm tại chỗ.

Theo ông Nguyễn Văn Giang- Bí thư Đảng uỷ xã Tân Bình, do không có đất tăng gia sản xuất nên đời sống anh em ở chốt còn nhiều khó khăn. Địa phương cũng vận động anh em chiến sĩ khắc phục bằng cách trồng rau, nuôi gà và tận dụng nguồn cá tự nhiên ở các sông, suối quanh đây. “Chúng tôi đã vận động phía các Đồn biên phòng Tân Bình, Tân Phú đóng chân trên địa bàn cũng như mạnh thường quân để hỗ trợ gạo cho anh em ở 2 chốt. Trong thời gian tới, huyện đã có đề án xây dựng chốt, theo đó, mỗi chốt được mở rộng thêm 1 ha đất, khi đó sẽ tạo điều kiện để anh em tăng gia sản xuất, chăn nuôi, yên tâm công tác”, ông Giang cho biết.

Không chỉ có đất tăng gia sản xuất, mà tới đây, hai chốt sẽ còn có điện lưới quốc gia để sử dụng. “Từ nay đến năm 2022, Tây Ninh sẽ hoàn tất xây dựng 21 điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới. Khi đó, điện sẽ được kéo đến từng hộ dân và các chốt biên giới, và sẽ có đi ngang qua 2 chốt dân quân Ngã 3 Dân Sinh và chốt Cây Cầy”, Thượng tá Nguyễn Văn Hoàng – Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh cho biết.

N.D

Tin cùng chuyên mục