BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát: Tiếp tục xảy ra tình trạng phá bỏ rừng trồng

Cập nhật ngày: 22/04/2009 - 11:55

Cây rừng đang phát triển tốt bị chặt bỏ

Ngày 20.4.2009, tại Tiểu khu 16 thuộc Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát (VQG), lực lượng bảo vệ rừng phát hiện một trường hợp hàng trăm cây rừng các loại keo, sao, dầu hơn 1 năm tuổi bị chặt bỏ, cày lấp trên diện tích 5 ha của 1 hộ đã hợp đồng trồng rừng với VQG. Đây là vụ chặt phá bỏ rừng trồng thứ 7 xảy ra ở VQG và là trường hợp đầu tiên được phát hiện trong năm 2009.

Tại hiện trường, trên 5 ha đất đã trồng cây rừng, cây mì xen canh vừa mới thu hoạch xong và hộ hợp đồng trồng rừng đã cày đất để chuẩn bị trồng xen đợt mì mới. Việc trồng xen canh cây mì trên đất trồng rừng trong vài năm đầu là được phép, nhưng phải đảm bảo đúng theo quy định. Tuy nhiên thực tế trên 5 ha này, việc cày xới không được tuân thủ đúng quy định. Cụ thể như quy định khoảng cách khi cày đất phải chừa cách hàng cây rừng mỗi bên là 0,5 m. Thế nhưng tại đây tất cả các đường cày đều lấn sát gốc cây rừng, có không ít chỗ đất cày lấp mất cả cây rừng. Đã vậy, rải rác trên diện tích này, nhiều cây rừng đang phát triển tươi tốt bị chặt bỏ, chỉ còn lại một số cây rừng còi cọc, lẫn lộn trong đám cỏ dại, phải thật chú ý mới nhìn thấy. Vì sao những cây rừng tươi tốt, phát triển mạnh thì lại bị chặt bỏ? Một nhân viên bảo vệ rừng cho biết vì người hợp đồng trồng rừng chỉ chú trọng đến việc trồng mì nên đã lén chặt bỏ những cây rừng có cành lá phát triển xum xuê, không để cây rừng che khuất cây mì.

Ông Lý Văn Trợ- Phó Giám đốc VQG Lò Gò- Xa Mát cho biết, nếu chỉ tính trên số cây rừng bị phá bỏ thì giá trị thiệt hại trong vụ này không phải là lớn, nhưng nếu tính toàn diện thì thiệt hại là rất đáng kể. Bởi vì trên diện tích 5 ha này, cây rừng bị phá bỏ như vậy thì tỷ lệ sống không đạt quy định. Và khi tỷ lệ cây rừng không đạt thì sẽ không được nghiệm thu và không được cung cấp vốn chăm sóc tiếp tục dẫn tới khả năng người hợp đồng trồng rừng… bỏ luôn. Lúc đó coi như cả lô rừng trồng 5 ha này bị thiệt hại chứ không chỉ có ở những cây bị chặt bỏ. Giá trị thiệt hại vì vậy mà sẽ cao hơn nhiều lần so với giá trị của những cây bị phá bỏ.

Trong mấy năm gần đây, việc lén lút phá bỏ rừng trồng đã diễn ra ngày càng nhiều. Ở VQG Lò Gò- Xa Mát mấy năm gần đây cũng đã xảy ra 6 vụ phá bỏ rừng trồng với tổng diện tích đất rừng bị thiệt hại lên đến 15 ha. Tuy nhiên có điều đáng quan tâm là cho đến nay tất cả 6 vụ vi phạm này đều chưa được giải quyết đến nơi đến chốn. Nguyên nhân “chưa được xử lý dứt điểm” là do còn vướng quy định của pháp luật. Cụ thể là theo quy định trước đây về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng thì khi nào cây rừng trồng đạt độ che phủ từ 0,1 trở lên mới được coi là rừng, và vì vậy chỉ xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi phá rừng trồng đạt độ che phủ từ 0,1 trở lên. Trong khi đó những lô rừng trồng bị phá bỏ từ trước lại không có quy định nào xác định độ che phủ nên không thể áp dụng quy định để xử phạt được. Do đó mà những vụ vi phạm phá bỏ rừng trồng trong những năm trước vẫn cứ dừng lại ở mức độ… lập biên bản mà thôi.

Tháng 10 năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định 159/2007/NĐ-CP về xử phát vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, trong đó có quy định cụ thể về xử phạt đối với hành vi phá bỏ rừng trồng “tính theo tuổi cây trồng” chứ không “tính theo độ che phủ” như trước. Quy định mới này cho phép các đơn vị chức năng có đủ cơ sở xử lý chuẩn xác và dễ dàng hơn. Do đó mà vụ vi phạm phá bỏ cây rừng trồng mới đây ở Tiểu khu 16 sẽ là vụ đầu tiên được đưa ra giải quyết theo Nghị định 159/2007/NĐ-CP tại VQG Lò Gò- Xa Mát. Ngày 21.4.2009, Ban giám đốc VQG đã mời các đơn vị chức năng liên quan, đến tại hiện trường vụ vi phạm lập biên bản vi phạm phá bỏ rừng trồng để chuẩn bị đưa ra xử lý. Đồng thời Ban Giám đốc cũng kiến nghị các ngành chức năng đưa ra xử lý dứt điểm các vụ vi phạm phá bỏ rừng trồng trước đây còn tồn đọng.

Quan điểm của Ban giám đốc VQG Lò Gò- Xa Mát là phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật nhằm răn đe, ngăn chặn tình trạng phá bỏ rừng trồng đang diễn ra. Nhưng đồng thời cũng “mở lối ra” cho những hộ vi phạm bằng cách cho trồng phục hồi lại rừng trên diện tích đã phá bỏ. Khi nào những hộ không chấp hành phục hồi lại rừng, thì sẽ tính đến việc thu hồi đất, giao cho hộ khác hợp đồng trồng rừng.

Sơn TrẦn