Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Vượt lên số phận
Thứ sáu: 14:56 ngày 03/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Từng trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống, những người khuyết tật này đã nỗ lực, cùng với sự đồng hành cùng các tổ chức, đoàn thể vươn lên thay đổi cuộc sống.

Mất đôi tay, anh Tây hiện thực hoá đam mê bằng đôi chân.

Vươn lên từ nghịch cảnh

Anh Nguyễn Văn Tây, ngụ khu phố Ninh Thành, phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh là một điển hình vượt khó vươn lên. Năm 30 tuổi, anh Tây bị điện giật khi đang làm việc, hậu quả là anh mất đi hai bàn tay. Anh kể, khi tỉnh dậy biết tình cảnh như vậy, anh rất hoang mang, không biết cuộc sống của mình rồi như thế nào? Mình sẽ vượt qua ra sao? Ai lo cho mình trong suốt cuộc đời còn lại?

Những âu lo đó đeo đuổi anh vài tháng trời. Nhưng rồi anh cũng mau chóng lấy lại cân bằng trong cuộc sống. “Mình không thể chìm đắm mãi trong nỗi buồn. Coi như trải nghiệm một cuộc sống mới, dù không mong muốn”- anh Tây chia sẻ.

Chấp nhận hoàn cảnh của mình, trong lúc rảnh rỗi, anh Tây bắt đầu cuộc sống mới. Không có tay, anh học viết chữ, vẽ tranh bằng chân. Mỗi ngày anh chia ra một buổi tập viết, một buổi tập vẽ. “Cầm” viết bằng chân, khi bắt đầu anh gặp không ít khó khăn nhưng luôn tự động viên mình cố gắng, không bỏ cuộc. Và những nét nguệch ngoạc ban đầu dần hình thành những con chữ, bức tranh. Đến hôm nay, năng khiếu mỹ thuật đã trở thành “cần câu cơm” của anh Tây. Trung bình mỗi ngày, anh kiếm được khoảng 200 ngàn đồng từ việc vẽ tranh, đủ trang trải cho cuộc sống cá nhân.

Anh Tây cho biết, mình có năng khiếu vẽ từ nhỏ. Nhưng do điều kiện cuộc sống, anh không theo học nghề vẽ mà phải ra đời lao động mưu sinh để rồi giờ lại tìm về với vẽ tranh. Tự mày mò học qua mạng để có những nét vẽ chỉn chu hơn, anh còn tham gia các hội nhóm vẽ tranh trên mạng xã hội để học hỏi, giao lưu.

Từ những nét vẽ đầu tiên đến khi hoàn chỉnh bức tranh, anh phải mất vài tháng. Sau khi đăng ảnh chụp tranh vẽ lên mạng xã hội, anh có những khách hàng đầu tiên. Đến nay, anh đã có rất nhiều khách hàng qua những bức vẽ chân dung bằng chì màu.

Căn phòng nhỏ đầy ánh sáng và gọn gàng là nơi mỗi ngày anh Tây tỉ mỉ đi từng nét bút vẽ tranh. Anh chậm rãi đi từng lớp màu để những bức tranh thật hoàn hảo, sau đó là cẩn thận phun từng lớp keo cho sáng bóng bức hình, để cho khách hàng ưng ý nhất.

Anh nói, khách hàng thường ở xa, có những người muốn ủng hộ vẽ tranh. Có những bức tranh anh phải sửa vài bận cho đúng ý khách; có bức vẽ lại kỷ niệm với người thân đã khuất của khách hàng; có bức tranh lại được vẽ từ những bức ảnh kỷ niệm đã mờ cũ. Tất cả chúng tạo cho anh nhiều cảm xúc khác nhau. Anh vui với công việc của mình vì vừa giúp anh kiếm sống vừa giúp kết thêm bạn bè.

Được nhiều người biết đến, lại có thêm nhiều bạn mới, anh Tây dần lấy lại cân bằng cuộc sống. Anh tham gia sinh hoạt CLB Người khuyết tật của phường để có dịp giao lưu, đi đây đó. Những nỗ lực trong cuộc sống của anh Tây đã được ghi nhận. Năm 2020, anh được tuyên dương gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu trong chương trình Toả sáng nghị lực Việt do Trung ương Hội LHTN tổ chức. Mới đây, anh là một trong ba gương người khuyết tật tiêu biểu của tỉnh được biểu dương tại Hà Nội.

Anh Tây chia sẻ: “Sau 7 năm sống cuộc sống mới, đến giờ tôi cảm thấy mình đã hoà nhập với xã hội. Tôi làm việc có thu nhập như những người bình thường- dù ít nhưng vẫn làm được. Cuộc sống tốt hay xấu đều do mình thôi. Mình sống tích cực và luôn cố gắng sẽ không còn tự ti nữa”.

Anh Tây còn cho biết sẽ làm việc chăm chỉ để dành dụm làm vốn kinh doanh sau này.

Xây ngôi nhà hạnh phúc

Trong căn tiệm nhỏ gọn gàng và đầy màu sắc của những tấm vải hoa, chị Nguyễn Thị Bích (xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu) đang miệt mài may áo.

Chị Bích làm thợ may hơn chục năm nay và “cơ ngơi” này có được chính từ sự cố gắng của chị, sự hỗ trợ của chính quyền, những tổ chức, cá nhân trong xã hội.

Chị Bích cho biết mình lớn lên với đôi chân bị khuyết tật do sốt bại liệt. Chị bộc bạch: “Với khuyết tật của mình, tôi không dám nghĩ đến việc lập gia đình hay có thể chăm lo cho cuộc sống cá nhân. Nhưng may mắn, tôi có được gia đình, hai con gái ngoan ngoãn, học giỏi. Và bây giờ tôi còn có việc làm ổn định với tiệm may khang trang”.

Gần 20 năm trước, chị Bích lập gia đình với anh Nguyễn Minh Chiến- cũng là một người khuyết tật ở địa phương. Cuộc sống đầy niềm vui nhưng cũng còn nhiều mặc cảm tự ti. Mấy mươi năm vợ chồng chị Bích, anh Chiến chăm chỉ làm việc kiếm sống, nuôi con, chăm lo cho cha mẹ già, ít giao lưu với bên ngoài. Thế nhưng, cuộc sống vẫn còn nhiều thiếu thốn.

Khuyết tật đôi chân, chị Bích làm nghề may với đôi tay nhanh nhẹn.

Hơn 3 năm trước, vợ chồng chị Bích tham gia CLB Người khuyết tật xã Hiệp Thạnh. Chị được sự quan tâm hỗ của địa phương, CLB, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực người khuyết tật (DRD), nhờ vậy, cuộc sống gia đình như sang trang mới. Vợ chồng chị Bích được vay vốn để đầu tư tiệm may khang trang hơn. Anh Chiến cũng có vốn làm thêm nghề lắp ráp dàn âm thanh và bán vé số. Các con của anh chị được hỗ trợ học bổng để vững bước đến trường.

Với những nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc, năm 2022, vợ chồng chị Bích đại diện người khuyết tật của tỉnh tham gia chương trình giao lưu “Hạnh phúc vầng trăng khuyết” được tổ chức tại Hà Nội. Đó là một kỷ niệm đáng nhớ đối với vợ chồng chị.

Anh Chiến tìm được nghề phù hợp với bản thân.

Chị Bích còn xông xáo trong vai trò thư ký cho CLB Người khuyết tật của xã. Với những việc làm tích cực, chị Bích, anh Chiến đã hoà nhập cộng đồng ngày một tốt hơn. Mới đây, hai vợ chồng chị cùng thành viên CLB có chuyến nghỉ mát tại Bà Rịa - Vũng Tàu, lần đầu tiên được chạm chân đến biển. Chị Bích chia sẻ: “Từ nhỏ đến lớn tôi nghe nói nhiều nơi nhưng không dám đi đâu vì lo lắng và cả mặc cảm tật nguyền. Chuyến đi này cho tôi trải nghiệm mới rất vui. Bây giờ, tôi có đủ tự tin để đi thêm nhiều nơi khác nữa. Có cơ hội, tôi sẽ đi”.

Chị Bích đã trải qua nhiều khó khăn và đều cố gắng vượt lên nên dần có cái nhìn tích cực hơn với cuộc đời. Chị mong muốn những người khuyết tật cũng luôn cố gắng để tìm một cuộc sống tốt hơn. Bởi, trong xã hội luôn có nhiều người ủng hộ, đồng hành với những người khuyết tật. Chị Bích nói mình may mắn được hỗ trợ học nghề và có việc làm ổn định nên chị sẵn lòng truyền nghề nếu có người muốn học.

Ngọc Bích - Vi Xuân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục