Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
ĐBQH Huỳnh Thanh Phương:
Xã hội hóa để đầu tư xây dựng các điểm vui chơi, thiết chế văn hóa cho trẻ em
Thứ năm: 20:38 ngày 28/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương-Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đã có một số góp ý.

Đại biểu Phương nhận định tình hình xâm hại trẻ em hiện nay ngày càng diễn biến phức tạp, gây ra hậu quả nghiêm trọng, dư luận xã hội rất bức xúc; nếu không có giải pháp hiệu quả, quyết liệt, kịp thời thì hậu quả nghiêm trọng hơn.

ĐBQH Huỳnh Thanh Phương.

Nhận định đối với báo cáo kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của Đoàn giám sát Quốc hội, đại biểu Phương cho rằng báo cáo đã nêu được tương đối rõ tình hình trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em thời gian qua; số liệu khá phong phú, nguồn số liệu đáng tin cậy; hệ thống được những văn bản, quy định, chính sách liên quan đến việc bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng; chỉ ra được những việc còn tồn tại, vướng mắc; phần nào làm rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp và tình hình phối hợp, kết hợp trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em; chỉ ra được nguyên nhân làm được và hạn chế, rút ra được những bài học khá xác đáng. Phần giải pháp và kiến nghị tương đối rõ, cụ thể.

Tuy nhiên, theo đại biểu Huỳnh Thanh Phương, Đoàn giám sát cần xem xét thêm một số điểm sau: Thứ nhất: 6 tháng đầu năm 2019 số lượng trẻ em bị xâm hại tăng đột biến có nguyên nhân là do số trường hợp được tố giác tăng. Cần tìm ra nguyên nhân tại sao tố giác tăng để có giải pháp phát huy nguyên nhân này. Phải chăng là do công tác tuyên truyền mạnh, có hiệu quả nên người dân quan tâm, mạnh dạn tố giác.

Thứ hai: Về dự báo tình hình trẻ em bị xâm hại trong thời gian tới, báo cáo mới nêu là sẽ gia tăng, phức tạp hơn. Đề nghị dự báo thêm là những hình thức nào, thủ đoạn nào là đáng chú ý; địa bàn nào là đáng quan tâm để có giải pháp tập trung hơn và chính quyền, đoàn thể ở địa bàn đó quyết liệt hơn.

Thứ ba: Phần ban hành các chính sách, pháp luật có nội dung còn mâu thuẫn. Phần ưu điểm và khuyết điểm nên nêu chừng mực để không mâu thuẫn (ưu điểm nêu là đầy đủ, kịp thời, khuyết điểm nêu là chưa hướng dẫn đầy đủ, kịp thời, thiếu văn bản hướng dẫn).

Nên hiểu là đầy đủ khi thông suốt từ trên xuống dưới, từ luật cho đến các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Còn 49 tỉnh, thành HĐND chưa có nghị quyết riêng về vấn đề này mà còn lồng ghép vào nghị quyết về kinh tế - xã hội thì không thể nói là đầy đủ được.

Thứ tư: Phần nguyên nhân, trách nhiệm và bài học kinh nghiệm, đề nghị có phần đánh giá chung ưu khuyết điểm rồi nêu nguyên nhân. Trong phần nguyên nhân khách quan của tồn tại có nêu là nhiều địa phương thiếu điểm vui chơi, thiết chế văn hóa cho trẻ em. Đây là nguyên nhân chủ quan, tại sao địa phương này có, địa phương kia thiếu, phải chăng là do địa phương đó không quan tâm, không thể đổ cho khách quan.

Thứ năm: Về bài học kinh nghiệm đề nghị nhấn mạnh bài học về công tác tuyên truyền. Khi tạo được dư luận xã hội rộng rãi thì người dân mới mạnh dạn lên án, tố giác, công tác phòng, chống sẽ hiệu quả hơn khi đông đảo người dân quan tâm.

Đối với dự thảo Nghị quyết việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của Quốc hội, đại biểu Phương đề nghị: Trong phần những hạn chế, tồn tại nên nhấn mạnh thêm là công tác tuyên truyền chưa tạo được dư luận xã hội rộng rãi để lên án những hành vi xâm hại trẻ em cũng như tham gia vào việc phòng, chống xâm hại trẻ em. Đề nghị Bộ Tư pháp rà soát hệ thống chính sách, pháp luật về vấn đề này để kịp thời bổ sung, sửa đổi, bỏ những quy định không còn phù hợp.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin-Truyền thông không chỉ đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng mà phải đẩy mạnh trên tất cả các loại hình tuyên truyền để tạo dư luận xã hội rộng rãi, trong đó, việc truyền thông trên môi trường mạng được đặc biệt quan tâm vì là việc phức tạp, khó khăn.

Trong lúc ngân sách còn eo hẹp, nên đẩy mạnh xã hội hóa công tác này, nhất là xã hội hóa để đầu tư xây dựng các điểm vui chơi, thiết chế văn hóa cho trẻ em. Đồng thời, phân bổ ngân sách nhiều hơn cho việc trợ cấp hàng tháng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Hiện nay mới trợ cấp hàng tháng cho 48.259 trẻ trên tổng số 1.773.112 trẻ là quá ít.

Kim Chi (lược ghi)

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục