BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xã Long Chữ (Bến Cầu): Muốn phát triển nhưng thiếu cơ sở công nghiệp và thương mại dịch vụ

Cập nhật ngày: 29/10/2010 - 12:05

Long Chữ là xã nội địa của huyện Bến Cầu, có diện tích tự nhiên hơn 2.709 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp gần 1.950 ha. Toàn xã có 1.388 hộ, với hơn 5.500 nhân khẩu. Dân cư ở đây sống không tập trung và hơn 90% dân số sống bằng nghề nông. Xã có rất ít hộ sống bằng nghề thương mại- dịch vụ; một số ít cơ sở tiểu thủ công nghiệp và chưa có cơ sở công nghiệp nào đáng kể. Đời sống một bộ phận dân cư còn nhiều khó khăn. Hầu hết lao động trẻ trong xã đã rời địa phương tìm đến các nơi khác có khu, cụm công nghiệp để làm thuê. Thu ngân sách địa phương không ổn định. Có thể gọi xã Long Chữ là xã “ba không”: Không có công trình thuỷ lợi; không có cơ sở công nghiệp và không có chợ.

Thật ra trên địa bàn xã Long Chữ đã có quy hoạch một cụm công nghiệp và cũng đã có nhà đầu tư đến với cụm công nghiệp này rồi. Cách đây hơn 4 năm, người dân xã Long Chữ rất phấn khởi khi biết Nhà nước đã có quyết định phê duyệt dự án xây dựng trên địa bàn xã một cụm công nghiệp. Và cũng nghe nói có hai nhà đầu tư đến đăng ký thực hiện dự án. Mỗi dự án có diện tích 150 ha. Nhưng đến nay không rõ vì lý do gì mà các dự án này vẫn chưa được thực hiện. Một cán bộ xã Long Chữ cho biết dự án quy hoạch Cụm Công nghiệp xã Long Chữ có diện tích 300 ha tại ấp Long Hoà 1. Sau khi quy hoạch, ngành chức năng thông báo cho người dân có đất trong khu quy hoạch không được sang nhượng, không được chuyển đổi mục đích sử dụng, không được trồng cây lâu năm và tất nhiên không được xây dựng nhà kiên cố. Thế nhưng từ đó đến nay bà con địa phương không thấy đo đạc, cắm mốc và tất nhiên cũng chưa đền bù giải toả cho dân. Khi chưa quy hoạch, hầu hết diện tích đất trong khu quy hoạch là đất gò nông dân trồng mì. Sau khi quy hoạch, mặc dù có lệnh không được trồng cây lâu năm, nhưng nhiều hộ dân đã chuyển đổi từ cây mì sang cây cao su. Hiện nay có khoảng 80% diện tích đất trong vùng quy hoạch cụm công nghiệp này người dân đã trồng cao su. Trong đó đã có trên 30 ha cao su bắt đầu thu hoạch mủ.

Cụm công nghiệp xã Long Chữ, từ một vùng đất trồng cây ngắn ngày, sau khi quy hoạch, nay đã trở thành vườn cao su.

Là một xã gần như thuần nông, nhưng đến nay trên địa bàn chưa có công trình thuỷ lợi, nên sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, phân tán. Đến nay vẫn có một số cánh đồng nông dân chỉ sản xuất được mỗi năm có một vụ lúa, một số diện tích sản xuất được 2 vụ và rất ít diện tích đất làm được 3 vụ. Giá trị sản xuất bình quân trên một ha đất của xã còn thấp. Gần 25 năm rồi, vậy mà đến nay xã Long Chữ cũng chưa có nơi cho người dân tập trung mua bán. Muốn mua bán, trao đổi hàng hoá, người dân xã Long Chữ phải xuống chợ Cầu (xã Long Thuận), cách xã khoảng 7-8 cây số, hoặc lên xã Long Vĩnh (Châu Thành) cách xã khoảng 3-4 cây số.

Một cán bộ lãnh đạo xã Long Chữ cho biết, do kinh tế của xã chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nên nguồn thu ngân sách của xã những năm qua luôn gặp khó khăn, không ổn định. Nhiều công trình cơ sở hạ tầng (chủ yếu hệ thống giao thông nông thôn) được cấp trên đầu tư xây dựng trước đây, nay đã xuống cấp, nhưng địa phương không có nguồn ngân sách để chủ động đầu tư sửa chữa. Cũng do đại bộ phận dân cư sống bằng nghề nông, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nên việc vận động nhân dân đóng góp theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” gặp rất nhiều khó khăn. 

 Để xã Long Chữ có điều kiện phát triển, đời sống người dân được nâng lên, các ngành chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa việc xúc tiến mời gọi các nhà đầu tư đến đầu tư vào cụm công nghiệp đã được quy hoạch. Đồng thời ngành chức cũng cần tiến hành đo đạc, cắm mốc cụ thể khu quy hoạch và sớm tiến hành thực hiện việc bồi thường giải phóng mặt bằng, để người dân địa phương an tâm sản xuất. Còn nếu như không có điều kiện thực hiện dự án cũng cần sớm công bố cho dân biết, để người dân được thực hiện quyền sử dụng đất hợp pháp của mình như trước khi có quy hoạch, trong đó có quyền được sang nhượng. Trước mắt  lãnh đạo cấp trên cần đầu tư xây dựng cho xã một ngôi chợ, để giúp người dân ở đây có chỗ mua bán trao đổi hàng hoá thuận tiện hơn, đồng thời đầu tư sửa chữa nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn trong xã. Chỉ có đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại- dịch vụ, nâng cấp hạ tầng cơ sở, thì xã nghèo Long Chữ mới có điều kiện vươn lên.

D.H

 

 

 


 
Liên kết hữu ích