Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Xã Suối Đá (huyện Dương Minh Châu):Tìm lại căn cứ Già Nai trên núi Bà Đen
Thứ hai: 04:07 ngày 29/04/2013

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong kháng chiến chống Mỹ, Huyện uỷ Dương Minh Châu và chi bộ xã Suối Đá lấy núi Bà Đen làm căn cứ kháng chiến.

HTML clipboard

Ông Chín Mé tại địa điểm được xác định là căn cứ xưa

(BTN) - Trong kháng chiến chống Mỹ, Huyện uỷ Dương Minh Châu và chi bộ xã Suối Đá lấy núi Bà Đen làm căn cứ kháng chiến. Nơi đây rất cần được tu bổ, giữ gìn để một thời “gian lao mà anh dũng” không chìm vào quyên lãng.

Khi biết việc xã Phan tìm và tu bổ căn cứ kháng chiến Phòng Hơi tại suối Môn trên núi Bà Đen, nhiều người cho biết thêm: “Căn cứ của Huyện uỷ Dương Minh Châu và căn cứ của xã Suối Đá chỉ cách căn cứ Phòng Hơi khoảng 700 mét về phía Đông”. Ngày 23.4, chúng tôi được ông Lê Văn Mé (Chín Mé) gần 80 tuổi đời, gần 50 tuổi Đảng, nguyên Bí thư chi bộ xã Suối Đá giai đoạn 1967 - 1972 dẫn đường lên núi Bà Đen tìm dấu tích xưa.

Suối Già Nai nằm giữa khu vực suối Môn và đường Đá Lăn (suối Cạn), trên sườn phía Đông núi Bà Đen, đối diện ấp Phước Hoà, xã Suối Đá. Mùa khô suối hoàn toàn không có nước, đi theo lòng suối ngược lên độ cao gần 200 mét thì phát hiện dấu tích căn cứ xã Suối Đá. Theo lời ông Chín Mé và nhiều người kể lại, khu vực căn cứ có một tảng đá lớn có đường nứt tự nhiên khá sâu như lưỡi dao cứa vào thân. Khu vực này vào những năm 1980 - 1985 là mỏ khai thác đá để xây dựng hồ Dầu Tiếng nên tất cả dấu tích xưa hầu như không còn, chỉ còn lại một số hang núi luồn lách trong đá. May sao, tảng đá lớn với vết nứt vẫn còn đó. Ông Chín Mé khẳng định, đúng vị trí này từ năm 1967 - 1972 ông đã sống và làm việc trong các hang, hốc núi.

Địch biết ta trú đóng tại đây, chúng nhiều lần dùng bộ binh, pháo binh, phi cơ tấn công rất ác liệt, kể cả việc thả chất độc làm cay mắt buộc ta phải rời hang núi. Nhưng nhờ địa hình hiểm trở, hang núi luồn sâu trong đá nên địch không làm gì được. Vào năm 1969, địch cho đại đội biệt kích bí mật tiến lên núi, ta phát hiện kịp thời, chủ động chống trả, tiêu diệt tại chỗ 2 tên. Trận này ta dùng kế đánh vu hồi bắt sống 2 tên, sau đó hai ngày đưa 2 tên xuống núi phóng thích vì không thể giam giữ tù binh trên hang núi- ông Chín Mé nhớ lại. 

Ông Nguyễn Văn Vỵ, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 29 Bộ đội đặc công Miền, hiện ngụ tại xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên cho biết: Năm 1968 đơn vị ông được cử đến phối thuộc với LLVT địa phương tiến đánh đồn 2, được ông Chín Mé là Bí thư xã Suối Đá cho ở cùng trong hang trên núi Bà Đen. Nhờ sự hướng dẫn khá tỉ mỉ về địa bàn, về tình hình địch, cũng như giúp đỡ về lương thực, thực phẩm, nhiều lần ông Chín Mé trực tiếp dẫn trinh sát đơn vị luồn vào sát hàng rào kẽm gai đồn 2, nên đơn vị đặc công đã đánh thắng một số trận ở địa bàn Suối Đá.

Ông Lê Văn Út (Út Chín), nguyên cán bộ An ninh huyện tăng cường cho xã Suối Đá, năm 1973 kế nhiệm ông Chín Mé làm Bí thư chi bộ xã Suối Đá, nay hưu trí tại ấp Phước Lợi 1 kể lại: Vào năm 1967 - 1968, ông Chín Mé cùng Xã đội trưởng Năm Đạm và 2 du kích, 1 y tá lấy hang núi ở suối Già Nai làm căn cứ. Nhận thấy khu vực này khá hiểm trở, thuận lợi cho ta, Huyện uỷ Dương Minh Châu lúc ấy do ông Tô Thành (Sáu Thành) làm Bí thư đã quyết định đến trú đóng tại hang núi phía trên, sát với hang căn cứ của xã Suối Đá. Ông Sáu Thành nói vui với ông Chín Mé: “Suối Đá có căn cứ rộng lớn, an toàn, anh Chín Mé cho huyện mượn bớt một phần, giải phóng huyện sẽ trả”. Đến cuối năm 1972, Huyện uỷ dời đi nơi khác, giao lại cho Suối Đá quản lý toàn bộ căn cứ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Từ căn cứ này, lãnh đạo địa phương đã tổ chức các đợt công tác xuống vùng tạm chiếm, cải trang vào trong ấp chiến lược Suối Đá tuyên truyền vận động người dân đấu tranh chống gom dân lập ấp chiến lược, vận động những người trẻ, khoẻ tham gia LLVT của xã, của huyện. Nhiều người nay còn sống tại địa phương như ông Ba Nu, ông Tám Quang…

 Năm 1967, Tổ du kích xã gồm 3 người từ căn cứ trên núi xuống đường Suối Đa - Khe-Đon phục kích bắn cháy 1 xe Jeep, diệt 4 tên Mỹ tại chỗ. Trong Chiến dịch Mậu Thân 1968, du kích xã phối hợp với Đoàn 82 xuất quân từ căn cứ trên núi Bà Đen đánh vào đồn địch gần ấp chiến lược Suối Đá, diệt 5 tên nguỵ, thu 4 súng và một số đạn dược. Trận đánh này anh Đỗ Văn Cu, du kích Suối Đá hy sinh, ông Út Chín phải cõng thi thể anh Cu đưa về gần căn cứ trên núi mai táng, sau ngày hoà bình mới lấy hài cốt.

Ngày 22.6.1972, Trung đội du kích Suối Đá từ căn cứ trên núi phối hợp với C31 bao vây, tập kích Đại đội lính bảo an Tây Ninh tại bàu Ông Chi, tiêu diệt tại chỗ 70 tên địch. Phải dùng tới 3 xe bò mới chở hết số súng ống thu được, chuyển về căn cứ trên núi, sau đó giao phần lớn cho LLVT huyện.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nhân dân và LLVT xã Suối Đá được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Xã đang tổ chức biên soạn Lịch sử Đảng bộ xã giai đoạn 1930 - 1975. Việc tìm lại được di tích căn cứ cách mạng của xã có ý nghĩa hết sức quan trọng. Hiện nay, tại Suối Đá còn một số người đã từng sống, chiến đấu tại căn cứ Già Nai trên sườn núi Bà Đen, tất cả đều mong mỏi căn cứ được công nhận là di tích lịch sử ghi dấu một thời “gian lao và anh dũng”. Ông Lê Minh Súng- Bí thư Đảng uỷ xã Suối Đá cho biết: “Sau khi khảo sát, xác định đúng vị trí, xã sẽ đề nghị cấp trên xem xét công nhận Căn cứ xã Suối Đá tại suối Già Nai trên núi Bà Đen là Di tích lịch sử cách mạng. Đây là một điểm đến quan trọng trong giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau”.

KHẮC LUÂN – GIANG SƠN –

MINH TÂM

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục