Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Xã Thanh Điền (huyện Châu Thành) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2015 và NTM nâng cao năm 2021. Năm 2022, xã Thanh Điền được chọn làm điểm xây dựng NTM kiểu mẫu.
Lãnh đạo xã Thanh Điền hướng dẫn người dân cách nộp hồ sơ TTHC trực tuyến.
Những năm qua, UBND xã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC), hướng tới xây dựng chính quyền điện tử.
Theo UBND xã Thanh Điền, trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng số hồ sơ yêu cầu giải quyết TTHC là 1.136 hồ sơ (trong đó giải quyết đúng hạn 1.128 hồ sơ, đạt 99%); tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đạt 95%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 72,8%; số hoá trả kết quả điện tử đạt 85,4 %; kết quả xử lý hồ sơ TTHC được đồng bộ đầy đủ trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 100%.
Tại bộ phận Một cửa của xã, việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đã được thực hiện ở tất cả các khâu. Điều này không những bảo đảm tính công khai, minh bạch mà còn nâng cao hiệu quả phối hợp, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện các giao dịch.
Ông Nguyễn Văn Linh- ngụ ấp Thanh Thuận, xã Thanh Điền cho hay, trước đây mỗi khi làm giấy tờ, thủ tục tại UBND xã phải chờ đợi rất lâu mới được trả kết quả, thì nay khi đến bộ phận Một cửa của xã, người dân được cán bộ công chức xã hướng dẫn cài đặt và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nên các hồ sơ được giải quyết nhanh chóng và tiện lợi.
Đáng chú ý, tỷ lệ nộp, nhận kết quả trực tuyến và thanh toán phí không dùng tiền mặt ngày càng nâng lên. Việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân làm hồ sơ trực tuyến sẽ do công chức bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả trực tiếp làm đầu mối thực hiện.
Đến nay, việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông dần đi vào nền nếp, đạt hiệu quả ngày càng tốt hơn trong giải quyết TTHC. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của UBND xã được tăng cường.
Người dân đến liên hệ giải quyết TTHC tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Thanh Điền.
Địa phương thường xuyên sử dụng hộp thư điện tử, văn phòng điện tử, chữ ký số, cập nhật phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức… Qua đó, từng bước xây dựng chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Theo bà Phan Thị Phương Yến- Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Điền, nhằm thực hiện hiệu quả công tác CCHC hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, UBND xã thường xuyên chỉ đạo cán bộ, công chức tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý Nhà nước; ứng dụng phần mềm Văn phòng điện tử (eOffice), chữ ký số để đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; gần như 100% cán bộ, công chức sử dụng hộp thư điện tử để trao đổi công việc.
Bên cạnh đó, xã thực hiện nghiêm việc công khai hóa TTHC, đầy đủ nội dung và đúng quy định pháp luật hiện hành; hình thức công khai rõ ràng, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, đặc biệt là ở cấp xã còn gặp nhiều khó khăn, do hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, năng lực về công nghệ thông tin của cán bộ ở xã còn hạn chế, trình độ và thói quen của người dân vẫn sử dụng văn bản giấy nên tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết TTHC theo hình thức trực tuyến mức độ 3, 4 ở nhiều nơi còn thấp... Do đó, rất cần sự nỗ lực của các địa phương cũng như sự đồng hành thực hiện của người dân, doanh nghiệp. Đây chính là nền tảng xây dựng chính quyền số, hướng đến chuyển đổi số toàn diện trong tương lai tại địa phương.
Hoàng Yến – Minh Toàn