Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Gần đây, nhiều người dân, cử tri xã Trí Bình (huyện Châu Thành) xôn xao bàn tán về việc UBND xã cho một doanh nghiệp khai thác đất san lấp ở khu Gò Mô (ấp Tầm Long). Đây là khu đất “lý tưởng” để đầu tư, xây dựng các công trình công cộng do diện tích rộng thoáng, cao ráo, lại toạ lạc ở vị trí gần khu dân cư. “Trước đây, khu vực này là gò cao, nhiều sỏi phún. Nhưng sau khi bị khai thác, khu vực này trở thành vùng trũng, có những chỗ nước đọng thành ao”. Liệu có điều khuất tất trong việc khai thác đất ở đây?

Người dân phản ánh tình trạng khai thác đất ở Gò Mô.
Một người dân địa phương (nguyên là bí thư chi bộ ấp) cho biết: “Nghe nói xã hợp đồng với nhà thầu khai thác đất ở khu vực này để làm đường D14 trên địa bàn xã, nhưng không biết thế nào mà thấy xe chở đất đi khắp nơi như Hảo Đước, Biên Giới (huyện Châu Thành) và cả Suối Đá (huyện Dương Minh Châu).
Tôi nghe nói nhà thầu lấy đất mang đi nhiều lắm, có đến 2, 3 ngàn xe. Thực tế thì nhà thầu lấy bao nhiêu mình khó xác định, nhưng việc đào đất ở Gò Mô là rất sâu, có chỗ sâu 4 - 5m. Vụ việc này dân bức xúc lắm. Cử tri có phản ánh thì được cho biết sẽ san bằng lại nhưng chưa thấy”.
Một người dân có nhà cạnh Gò Mô nói: “Tui ở đây hơn 15 năm rồi. Hồi trước hiện trạng khu đất rất là cao. Nhưng nhà thầu cho xe múc xuống rất sâu, chỗ ngay cạnh nhà tôi sâu hơn 4m, đất lấy đi khoảng từ 2 ngàn xe. Hôm bữa họp tiếp xúc cử tri, tôi có hỏi 3 vấn đề: cấp nào có quyền bán đất này; quy định cho đào đến độ sâu bao nhiêu; khi đào có lập phương án che chắn để tránh tai nạn cho con nít không?
Tôi được trả lời việc khai thác đất ở đây đã được Uỷ ban xã, huyện xin ý kiến của tỉnh, tỉnh cho. Tôi tìm hiểu thì được biết đất này được khai thác để thi công đường trên địa bàn xã nhưng không biết vì sao xe ben lại chở đi nơi khác? Lúc còn đang khai thác, tôi lân la làm quen với tài xế máy múc và hỏi thăm múc như vậy được khoảng ngàn xe không thì được trả lời hơn 2 ngàn xe. Xe múc đất đi thành từng đoàn.
Khi nghe người dân phản ánh quá thì bên thi công lấy máy xúc lấp lại những hố sâu. Đây là những chỗ nhiều sỏi phún, có giá trị hơn đất san lấp nên nhà thầu cố lấy cho hết lớp phún này”.
Một người dân khác cho biết khi thấy khu vực Gò Mô bị đào sâu thì ông rất bức xúc. Ông tìm hiểu thì được biết việc khai thác đất ở đây đã có chủ trương của tỉnh. Khi hỏi bí thư chi bộ ấp thì ông được biết tỉnh cho chủ trương lấy đất ở khu vực này để san lấp mặt bằng, thi công đường giao thông chứ không phải khai thác khoáng sản, không phải đào để lấy sỏi phún. Hiện trạng khu đất này nhiều chỗ lúc trước cao bằng nền nhà của nhiều hộ, có chỗ cao như mấy gò đồi nhỏ vậy. Đứng bên này không thể thấy được nhà cửa bên kia. Còn bây giờ nhiều chỗ thành ao hết rồi!
Tuy nhiên, theo một người dân khác thì đúng là trước khi đơn vị thi công san lấp, khai thác đất ở khu vực Gò Mô, nơi này có nhiều gò rất cao nhưng cũng có những hố sâu. “Nếu nói toàn bộ khu vực này là gò cao là không chính xác. Hiện trạng bây giờ vẫn còn dấu vết của những ao nước cũ chưa được san lấp. Ngày trước, có ao quanh năm không cạn nước, giờ đã được lấp lại phần nào”, người này nói.
Trao đổi với phóng viên về những phản ánh, bức xúc của người dân cũng như của cử tri địa phương, ông Phạm Văn Hồng- Chủ tịch UBND xã Trí Bình cho biết: “Việc đơn vị thi công chở đất lấy từ khu Gò Mô đi làm một số công trình công cộng trên địa bàn huyện là đã được UBND tỉnh, UBND huyện cho chủ trương.
Trong quá trình tận dụng đất dôi dư khi san lấp mặt bằng sân bóng ở khu vực Gò Mô cũng có những chỗ bị đào hơi sâu, địa phương có biết và đã làm việc với đơn vị thi công. Hiện nhà thầu tạm ngưng thi công do đã hết hạn theo chủ trương của UBND tỉnh. Địa phương đang làm thủ tục gia hạn thêm.
Ở trên tỉnh, huyện cũng đã xuống đo rồi, nhưng do làm chưa xong, san lấp chưa hoàn chỉnh nên có mấy chỗ đọng vũng, có khi do anh em lấy hơi sâu. Bên cạnh đó cũng có những vũng nước có sẵn từ trước chưa được san lấp lại. Xã không chủ trương bán đất dôi dư trong quá trình san lấp mặt bằng ở khu vực Gò Mô.
Tôi cũng không biết chuyện nhà thầu lấy đất đem bán ồ ạt như phản ánh. Chỉ nghe nói anh em có bán 1, 2 xe cho người dân địa phương quanh đó làm nền nhà thôi. Nếu đơn vị thi công có lén lút đem bán, bị phát hiện thì phải xử lý theo quy định”. Cũng theo ông Chủ tịch UBND xã, dự kiến sau khi san lấp xong mặt bằng này, ông sẽ cho đào mương thoát nước, không để xảy ra tình trạng ngập cục bộ ở Gò Mô.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện trạng khu Gò Mô còn một đống đất rất lớn, do đơn vị thi công khai thác từ khu đất này gom lại chưa được vận chuyển đi. Xung quanh khu này còn một số đống đất nhỏ, có thể do xe ben đổ xuống, chưa được san phẳng.
Có 3 vị trí với diện tích khá rộng đang ngập nước, trở thành những cái ao, trong đó 2 vị trí có dấu hiệu mới bị đào, 1 vị trí là nguyên trạng của ao cũ còn lại. Toàn bộ khu vực rộng lớn này gần như bị đào bới, san lấp, chỉ còn một phần diện tích khá nhỏ là gò chưa bị san ủi ở hướng Nam khu đất.
Cảm nhận bằng mắt thường, phóng viên cho rằng phản ánh của người dân nơi đây là có cơ sở. Hiện khu vực này đang trở thành một vùng trũng và địa danh Gò Mô mà người dân địa phương quen miệng gọi hàng chục năm qua đã bị “xoá mất”.
(còn tiếp)
BẢO TÂM - ĐỨC AN