Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Như vậy, mục tiêu ban đầu của việc san lấp mặt bằng sân bóng xã Trí Bình (thực chất là san lấp, khai thác đất Gò Mô) theo ý định của lãnh đạo UBND xã là “nhằm giải quyết kịp thời bức xúc” của nhân dân. Bức xúc này thực sự có tồn tại hay không, bức xúc ở mức độ nào chưa rõ, nhưng việc UBND xã chủ trương “xoá” Gò Mô, khiến cho hầu hết khu vực này trở thành vùng trũng như hiện nay quả thật đã gây bức xúc cho người dân địa phương.

>> Bài 1: Gò xưa giờ đã thành ao?
Từ trước nhà văn hoá xã Trí Bình nhìn về hướng Nam là chỗ sâu ngập nước.
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc khai thác đất san lấp ở Gò Mô bắt nguồn từ ý định của lãnh đạo UBND xã Trí Bình. Ngày 22.5.2014, ông Phạm Văn Hồng- Chủ tịch UBND xã Trí Bình ký tờ trình gửi UBND huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Thành về việc xin chủ trương san lấp mặt bằng và làm đường giao thông nông thôn.
Tờ trình này dựa vào 2 căn cứ: biên bản kiểm tra tình hình thực tế đường giao thông nông thôn của UBND xã; biên bản kiểm tra hiện trạng tình hình thực tế sân bóng xã của UBND xã Trí Bình.
Nội dung tờ trình cho biết, từ thực tế việc đi lại, vận chuyển nông sản của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, do đoạn đường từ nhà ông Tư Nết đến đường Gõ Đôi quá hẹp, từ trước đến nay chưa được nâng cấp sửa chữa lần nào, mặt đường còn thấp hơn nhà dân nên thường ngập cục bộ vào mùa mưa.
Đồng thời trung tâm học tập cộng đồng có địa hình chưa bằng phẳng, có nhiều hầm hố trong khuôn viên sân bóng của xã, gây không ít khó khăn cho nhân dân và nguy hiểm cho các em học sinh khi đến trường, vì khu vực này gần 2 điểm trường tiểu học Phạm Tự Điểm và THCS Trí Bình.
“Do vậy, nhằm giải quyết kịp thời bức xúc của nhân dân, UBND xã kiến nghị UBND huyện Châu Thành, Phòng TN&MT huyện xem xét tạo điều kiện cho xã san lấp mặt bằng sân bóng để tạo mặt bằng thông thoáng để nhân dân yên tâm hơn khi cho con mình đến trường và nếu đất dư sẽ làm tuyến đường từ nhà ông Tư Nết đến đường Gõ Đôi, dài khoảng 350m, ước tính khoảng 10.000m3 đất”.
Ngày 2.6.2014, UBND huyện Châu Thành có công văn gửi Phòng TN&MT huyện, UBND xã Trí Bình, cho chủ trương hạ cấp đất công khu vực Gò Mô để san lấp mặt bằng Trường mẫu giáo Hảo Đước và làm đường giao thông nông thôn. Hai ngày sau, ngày 4.6.2014, Phòng TN&MT huyện Châu Thành có tờ trình về việc xin chủ trương hạ cấp, san lấp mặt bằng, tận dụng đất dôi dư sửa chữa đường giao thông nông thôn.
Theo tờ trình này, khu Gò Mô thuộc thửa đất số 490, tờ bản đồ số 15 và thửa đất số 55 tờ bản đồ số 20, có tổng diện tích 104.331,5m2, toạ lạc tại ấp Tầm Long, xã Trí Bình. Đây là khu đất công có nhiều gò cao, lồi lõm, không bằng phẳng, bỏ hoang nhiều năm.
Cũng theo tờ trình trên, khối lượng đất dôi dư sau khi san hạ mặt bằng khu vực sân bóng của xã Trí Bình là 20.000m3. Sau khi sử dụng cho công trình đường giao thông nông thôn xã Trí Bình, đoạn từ nhà ông Tư Nết đến đường Gõ Đôi là 3.500m3, công trình san lấp Trường mẫu giáo Hảo Đước là 2.300m3, khối lượng đất còn lại là 14.200m3, Phòng TN&MT yêu cầu UBND xã Trí Bình giám sát, theo dõi và báo cáo về Phòng TN&MT về việc sử dụng đất dôi dư nói trên, tránh tình trạng gây thất thoát hay sử dụng vào mục đích khác.
Ngày 29.9.2014, UBND huyện Châu Thành có công văn đề nghị Sở TN&MT đồng ý với chủ trương của UBND huyện về việc tận dụng đất đắp và sỏi đỏ dôi dư từ việc san lấp mặt bằng sân bóng xã Trí Bình (khoảng 16.500m3) để thực hiện 3 công trình: san lấp mặt bằng Trường mẫu giáo Hảo Đước, làm đường 781 đến nhà ông Hai Điều, nâng cấp đường D14.
Ngày 10.11.2014, Sở TN&MT có tờ trình gửi UBND tỉnh về việc tận dụng đất dôi dư sau khi hạ cấp mặt bằng sân bóng xã Trí Bình để phục vụ thi công một số công trình trên địa bàn huyện Châu Thành.
Sở TN&MT đề nghị UBND tỉnh xem xét chấp thuận chủ trương cho UBND huyện Châu Thành tận dụng đất dôi dư sau khi hạ cấp mặt bằng sân bóng xã Trí Bình để phục vụ cho việc xây dựng nông thôn mới. Vị trí tận dụng là khu đất có diện tích 38.454m2, là những gò mô.
Khối lượng đất dôi dư là 13.816m3, trong đó có 3.374m3 sỏi đỏ. Độ cao xin tận dụng ở các gò đất là khoảng 3m. Độ cao sau khi tận dụng “bằng với mặt đất tự nhiên xung quanh”.
Tại văn bản trên, Sở TN&MT kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Châu Thành chịu trách nhiệm thực hiện quản lý quá trình khai thác, vận chuyển khối lượng đất xin khai thác đã nêu chỉ phục vụ mục đích san lấp mặt bằng các công trình đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Trí Bình theo khối lượng đã đề xuất, không để bán đất ra ngoài…
Chủ tịch UBND huyện Châu Thành chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu để xảy ra mất an toàn trong quá trình thực hiện hoặc thất thoát tài nguyên khoáng sản.
Đến đầu tháng 12.2014, UBND tỉnh Tây Ninh có văn bản đồng ý với đề xuất của Sở TN&MT về việc tận dụng đất dôi dư sau khi hạ cấp mặt bằng sân bóng xã Trí Bình để phục vụ thi công một số công trình trên địa bàn huyện Châu Thành.
Tiếp đó, ngày 10.12.2014, Sở TN&MT có công văn gửi UBND huyện Châu Thành yêu cầu thực hiện đúng các nội dung như: quản lý quá trình khai thác, vận chuyển khối lượng đất xin khai thác đã nêu chỉ phục vụ mục đích san lấp mặt bằng các công trình đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Trí Bình theo khối lượng đã đề xuất, và chỉ cho dự án trong quyết định đầu tư có ghi rõ nguồn cấp đất san lấp, không để bán đất ra ngoài.
San gạt bằng với mặt đất tự nhiên xung quanh và tận dụng phần dôi dư, không đào địa hình âm. Chủ tịch UBND huyện Châu Thành chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu để xảy ra mất an toàn trong quá trình thực hiện hoặc thất thoát tài nguyên khoáng sản.
Như vậy, mục tiêu ban đầu của việc san lấp mặt bằng sân bóng xã Trí Bình (thực chất là san lấp, khai thác đất Gò Mô) theo ý định của lãnh đạo UBND xã là “nhằm giải quyết kịp thời bức xúc” của nhân dân.
Bức xúc này thực sự có tồn tại hay không, bức xúc ở mức độ nào chưa rõ, nhưng việc UBND xã chủ trương “xoá” Gò Mô, khiến cho hầu hết khu vực này trở thành vùng trũng như hiện nay quả thật đã gây bức xúc cho người dân địa phương.
Đó là chưa nói đến một số biểu hiện thực hiện chưa đúng chủ trương của UBND tỉnh, Sở TN&MT trong quá trình thực hiện việc san lấp, khai thác, quản lý và sử dụng đất lấy từ Gò Mô.
(Còn tiếp)
BẢO TÂM - ĐỨC AN