Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thông tin tiếp vụ “Lâm tặc hoành hành rừng phòng hộ Dầu Tiếng”:
Xác nhận có xảy ra nạn phá rừng, nhưng chưa được đánh giá toàn diện
Thứ hai: 07:31 ngày 27/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 11.11.2017, Báo Tây Ninh có đăng bài “Lâm tặc hoành hành rừng phòng hộ Dầu Tiếng: Con voi chui lọt lỗ kim”, phản ánh tình trạng rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng thường xuyên bị lâm tặc tàn phá. Điều đáng nói, hành vi trộm cắp cây rừng diễn ra theo chiều hướng ngày càng manh động, thậm chí diễn ra không xa chốt bảo vệ rừng của đơn vị có trách nhiệm. Sau khi báo đăng, cơ quan chức năng đã vào cuộc và có báo cáo cụ thể.

Cây xà cừ có đường kính hơn 1m bị lâm tặc hạ thủ.

THÔNG TIN BÀI BÁO PHẢN ÁNH LÀ CÓ THẬT

Thực hiện Công văn số 2880 ngày 14.11.2017 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về việc kiểm tra và báo cáo thông tin phản ánh trên Báo Tây Ninh số ra ngày 11.11.2017, ngày 22.11, Chi cục Kiểm lâm tỉnh có Báo cáo số 220 về tình trạng cây rừng bị mất trộm tại tiểu khu 56, 58, 59 thuộc rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Ngoài ra, báo cáo còn nêu thêm tình hình xử lý các trường hợp chống người thi hành công vụ trước đó. Báo cáo đã được gửi cho Sở NN&PTNT, trong quá trình liên hệ công tác, phóng viên Báo Tây Ninh cũng nhận được một bản. Trong bài báo này, chúng tôi chỉ đề cập đến những nội dung đã được phản ánh trong bài “Lâm tặc hoành hành rừng phòng hộ Dầu Tiếng: Con voi chui lọt lỗ kim”.

Theo Báo cáo số 220, sau khi báo đăng, Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm và Ban quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng (BQLRPH) tiến hành kiểm tra, xác minh, báo cáo kết quả. Cụ thể, đối với khu rừng quốc doanh, tại lô 4, khoảnh 1, tiểu khu 56 có 7 cây dầu bị cưa hạ, đường kính gốc từ 35cm đến 40cm, trong đó có 3 cây phần thân đã mất, 4 cây phần thân còn nằm tại gốc.

Đội trồng rừng Suối Bà Chiêm đã phát hiện và lập biên bản ngày 30.7. Tại lô 5, khoảnh 1, tiểu khu 56, rừng bị cưa hạ 6 cây dầu, 2 cây keo đường kính gốc từ 33 đến 50cm. Trong đó, 3 cây dầu, 2 cây keo còn nằm tại gốc; 2 cây dầu còn lại phần thân bị lấy mất chỉ còn lại phần ngọn, có 1 cây dầu bị cưa đứt gần nửa thân. Đội trồng rừng Suối Bà Chiêm đã phát hiện và lập biên bản vào ngày 3.6.

Tại khu vực rừng trồng hợp đồng với ông Lê Văn Nhàn, thuộc lô 1, khoảnh 9, tiểu khu 59, rừng phòng hộ bị cắt hạ 9 cây xà cừ, đường kính gốc từ 33 - 44cm, phần thân đã bị lấy mất (chiều dài từ 3 - 7m), hiện trường chỉ còn lại phần ngọn. Đội trồng rừng đã phát hiện và lập biên bản vào ngày 25.10. Tại khu vực rừng trồng của bà Lê Ngọc Múa thuộc lô 19, khoảnh 2, tiểu khu 58, rừng bị cưa hạ 2 cây xà cừ, đường kính gốc từ 50 - 60cm, phần thân đã bị lấy mất chiều dài từ 2 - 3m. Đội trồng rừng đã phát hiện và lập biên bản ngày 2.10 và ngày 3.11. Riêng cây xà cừ đường kính gốc hơn 1m, bị cắt bằng cưa máy, vận chuyển gỗ bằng máy cày như thông tin báo phản ánh, đoàn đã kiểm tra và xác minh nhưng chưa phát hiện.

Như vậy, theo Báo cáo số 220, thông tin bài báo phản ánh là “có thật”. Tuy nhiên, thời điểm xảy ra tác động là “hơn một tháng trở về trước”; và Đội trồng rừng cùng Kiểm lâm địa bàn đã “phát hiện kịp thời, tiến hành lập biên bản”. Qua kiểm tra, chỉ có “một trường hợp” tại khu rừng hợp đồng với bà Lê Ngọc Múa bị cưa hạ một cây xà cừ khô chết xảy ra “gần đây” là ngày 3.11.

Ngoài ra, tại lô 5, khoảnh 1, tiểu khu 56 có một cây dầu đã bị cưa gần nửa thân từ ngày 3.6, nhưng cây “chưa chết”. Đội trồng rừng Suối Bà Chiêm đã phát hiện và “lập biên bản cùng ngày”. Mặt khác, việc nhận định của bài báo về “tình tình khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản diễn ra công khai là không có cơ sở”. Tất cả các vụ vi phạm đều được phát hiện, ngăn chặn “kịp thời”, các đối tượng đã lợi dụng thời điểm tỉa thưa cây phụ trợ của các hợp đồng để vi phạm, gây khó khăn cho việc kiểm tra, giám sát.

Cần được nhìn nhận khách quan hơn

Báo cáo cho rằng, “thời điểm xảy ra tác động là hơn một tháng trở về trước”. Theo tác giả bài báo, đúng là có cây đã bị lâm tặc cưa hạ cách nay khoảng 1 tháng (trong bài trước có nêu), tuy nhiên, không ít cây mới bị cưa gần đây, báo cáo thông tin như vậy là chưa khách quan toàn diện. Bởi vì, những vấn đề báo phản ánh đều được quay phim lại rất rõ.

Thực tế, dấu vết từ hiện trường để lại cho thấy nhiều cây “vừa mới bị cưa hạ chưa lâu”, có cây “cành lá vẫn còn tươi xanh”. Được biết, đối với những cây rừng bị mất trộm, sau khi cơ quan chức năng phát hiện và lập biên bản sẽ dùng nước sơn đánh dấu, hoặc ghi rõ lưu ý lên gốc cây về ngày tháng và số thứ tự cây bị mất trong khu vực để tiện cho việc kiểm tra, tránh báo cáo trùng lắp, vì kiểm soát cây trong rừng là một vấn đề rất dễ nhầm lẫn.

Tuy nhiên, những cây rừng bị mất mà báo đã nêu, ngay thời điểm phóng viên tác nghiệp vào ngày 7.11 lại không hề thấy cây nào có đánh dấu sơn. Đến khi kiểm tra lại vào ngày 26.11, chúng tôi mới thấy số cây này đã được đánh dấu.

Do vậy “Đội trồng rừng và Kiểm lâm địa bàn đã kịp thời phát hiện và lập biên bản” trước ngày 7.11 khá lâu như báo cáo đã nêu, liệu có khách quan? Hơn nữa, mãi cho đến ngày 17.11, ông Nguyễn Hoàng Sơn- Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng vẫn còn gọi điện hỏi thăm phóng viên đường vào vị trí cây xà cừ (đường kính gốc hơn 1m, chưa được đánh dấu) bị mất tại khu rừng hợp đồng với bà Lê Ngọc Múa; trên tinh thần hợp tác để cùng nhau làm rõ vấn đề, phóng viên còn gửi cả video clip để Giám đốc BQLRPH tiện việc tìm cây, vậy thì cơ sở nào trong báo cáo lại khẳng định “cây xà cừ khô chết là gần đây vào ngày 3.11.2017”? Sự việc càng trở nên, khó hiểu hơn khi trong đoạn báo cáo đề cập đến sự việc trên lại nêu: “đoàn đã kiểm tra và xác minh nhưng chưa phát hiện” (?!).

Mặt khác, chúng tôi thắc mắc: quy định nào cho phép cây rừng “chết khô” nhưng lá vẫn còn dính trên cành (có video clip) thì được phép đem cưa máy đến cắt và chở đi bằng máy cày (?!). Nếu là trường hợp được cho phép tận thu, tại sao một số khúc ngọn có đường kính lớn đến hơn 40cm, dài từ 2 - 3m vẫn “bị bỏ lại”. Ngoài ra, báo cáo còn trình bày: “tại lô 5, khoảnh 1, tiểu khu 56 có một cây dầu đã bị cưa gần nửa thân từ ngày 3.6.2017, cây chưa chết. Đội trồng rừng Suối Bà Chiêm đã phát hiện và lập biên bản cùng ngày”.

Đúng là cây dầu bị cưa bán thân vẫn chưa chết, nhưng nếu quả thật cây được sớm phát hiện và xử lý từ tháng 6 thì lý do nào mãi cho đến sau khi báo đăng bài phản ánh cây mới được đánh dấu, và vào thời điểm phóng viên tác nghiệp nhựa cây vẫn còn ướt? Chưa hết, gần đó có một cây dầu khác bị lâm tặc cưa hạ lìa gốc, thân và ngọn cây bị cắt thành nhiều đoạn, nếu đã được phát hiện và xử lý từ ngày 3.6 thì tại sao lá cây vẫn chưa rụng khỏi cành sau gần nửa năm trời (?!). Rõ ràng điều này thật vô lý.

Cây xà cừ có đường kính hơn 1m “bị chết khô” nhưng lá vẫn chưa lìa cành lại càng vô lý hơn (ảnh cắt từ video clip ngày 7.11.2017).

Báo cáo số 220 còn nêu rõ, “việc nhận định của bài báo về tình hình khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản diễn ra công khai là không có cơ sở”. Xin lưu ý, qua khảo sát và thu thập chứng cứ thực tế, nhận thấy việc mất trộm cây rừng đa số diễn ra gần đường, có vụ xảy ra gần chốt bảo vệ rừng, kể cả cây rừng bị “hạ sát” bằng cưa máy, vận chuyển bằng máy cày, thậm chí lâm tặc còn hạ cây cho ngã luôn xuống vườn cao su của dân, nên bài báo trước có dùng câu: “hành vi trộm cây rừng ngày càng diễn ra theo chiều hướng công khai”. Rõ ràng, với những gì ghi nhận được, nhận định này quả không sai. Hơn nữa, dụng ý của tác giả chỉ muốn nói “theo chiều hướng” chứ không hoàn toàn “khẳng định là công khai” như báo cáo đã trình bày.

Trong Báo cáo số 220 còn thể hiện sự nhận định, đánh giá không khách quan, toàn diện khi đã “bỏ quên” thực tế “có một đám mì rộng khoảng 3.000m2 nằm lọt thỏm trong rừng phòng hộ” mà bài báo trước đã phản ánh.

Đó là chưa kể, ngày 16.11, ông Phạm Chí Trung- Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết trong quá trình kiểm tra có phát hiện đám mì này, đồng thời đã cho xử lý ngay sau đó. Chúng tôi rất thông cảm về những khó khăn, trở ngại mà ông Mang Văn Thới- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã cho hay trong cùng ngày 16.11 (và đây cũng là một phần trong nội dung báo cáo).

Cụ thể như: “Các đối tượng lợi dụng thời điểm tỉa thưa rừng trồng, lén lúc lợi dụng để khai thác, trà trộn khi vận chuyển. Hộ nhận khoán trồng rừng là người trực tiếp nhận kinh phí bảo vệ, song thường xuyên không có mặt, thậm chí có trường hợp hộ hợp đồng khoán cố ý bán hoặc khai thác, rất khó bắt được quả tang để xử lý…”. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ, khi sự việc đã “lỡ” xảy ra, rất cần một sự nhìn nhận khách quan, toàn diện từ phía đơn vị chức trách để cùng nhau đấu tranh bảo vệ rừng- tài nguyên quốc gia ngày càng tốt hơn.

Quốc Sơn

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục