Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xăng lên giá: Nhiều ngư dân lao đao
Chủ nhật: 22:21 ngày 26/06/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian gần đây, xăng dầu liên tục tăng giá, khiến nhiều gia đình chuyên kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá trong hồ Dầu Tiếng lao đao. Nhiều người treo lưới, bỏ ghe, lên bờ tìm việc khác mưu sinh.

Bãi đất trống ở ấp Tà Dơ có hàng chục phương tiện đánh bắt cá đang neo đậu.

Ở ấp Đồng Kèn II, xã Tân Thành, huyện Tân Châu hiện có khu tái định cư dành cho 183 hộ là người gốc Việt ở Campuchia, trong đó có nhiều người kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá trên hồ Dầu Tiếng.

Gia đình ông Phan Văn Nàng là một ví dụ. Trước đây, gia đình ông Nàng cư ngụ trên Biển Hồ (Campuchia). Cuộc sống lênh đênh trên Biển Hồ gặp nhiều khó khăn, năm 2011, vợ chồng ông Nàng đưa 3 người con về ấp Tà Dơ (xã Tân Thành) sinh sống.

Gia đình này dựng căn chòi tạm bợ, hằng ngày xuống hồ Dầu Tiếng giăng lưới bắt cá đem ra chợ bán. Vợ ông Nàng bị bệnh tai biến nhẹ, đi đứng khó khăn. 3 người con cũng bị bệnh không được minh mẫn, suốt ngày quanh quẩn trong nhà, không lao động được. Năm 2018, chính quyền địa phương xây tặng cho gia đình ông một căn nhà trong khu tái định cư ấp Đồng Kèn II.

Từ đó đến nay, vợ ông Nàng- bà Hà Thị Hoàng, 52 tuổi, đi bán vé số trong xóm mỗi ngày vài chục vé để kiếm tiền mua gạo nuôi con. Ông Nàng, 53 tuổi, không biết nghề gì khác nên vẫn đeo bám nghề chài lưới.

Hằng ngày từ sáng sớm, ông ôm hàng chục tay lưới xuống chiếc vỏ lãi rồi rong ruổi khắp mặt hồ giăng cá. Trung bình mỗi ngày, chiếc xuồng máy của ông tiêu thụ khoảng 7 lít xăng.

Ông Nàng kể, hơn một tháng nay, giá xăng dầu liên tục tăng, ông hạn chế đi xa, chỉ quanh quẩn ven hồ trải lưới, nhưng mỗi ngày cũng tốn hết 5 lít xăng. Giá xăng 95 hiện nay gần 33.000 đồng/lít. Tính ra, chỉ riêng tiền xăng, mỗi ngày tốn chi phí hơn 150 ngàn đồng.

Ngoài ra, còn các khoản chi phí khác, như tiền nhớt máy, tiền mua nước đá ướp cá... chi phí hơn 200 ngàn đồng/ngày. Thế nhưng, số cá bắt được, chỉ dao động từ 10 - 20kg, giá bán hiện nay 12.000 đồng/kg cá, tính ra, chỉ có huề vốn với lỗ. “3 ngày nay, tôi gác máy ngồi nhà. Chờ vài bữa nữa xem giá xăng dầu ra sao rồi tính tiếp”- ông Nàng buồn bã nói.

Anh Trần Văn Tùng tính bỏ nghề cá, lên bờ đi làm phụ hồ mưu sinh.

Chiều 22.6, trên một bãi đất trống ven hồ Dầu Tiếng thuộc địa bàn ấp Tà Dơ có hàng chục phương tiện bắt cá neo đậu. Trong đó có 1 chiếc ghe và 6 chiếc vỏ lãi được kéo lên bờ, nằm úp trên bãi cỏ. Cạnh đó, một người đàn ông đang gồng mình kéo chiếc vỏ lãi lên bờ.

Người đàn ông này cho biết tên Trần Văn Luỹ, sinh năm 1957. Bao thế hệ qua, gia đình ông chỉ biết nghề đánh bắt cá trên sông nước Biển Hồ Campuchia. Từ năm 2012 đến nay, gia đình về Tân Thành cư ngụ và chuyên tâm với nghề chài lưới.

Thời gian trước, khi xăng dầu chưa lên giá, trừ các khoản chi phí đánh bắt cá, mỗi ngày ông Luỹ có dư một hai trăm ngàn đồng. Hiện nay, giá cá bán cho thương lái có tăng lên 3 ngàn đồng/kg, nhưng giá xăng tăng từ hơn 20 ngàn đồng lên hơn 30 ngàn đồng/lít, vì thế đánh bắt cá không còn có lời.

Trước tình hình đó, gần một tuần qua, ông Luỹ quyết định treo lưới. Mọi chi tiêu gia đình đều dựa vào tiền công lao động của 3 người con trai đang làm thuê làm mướn trên bờ. “Buổi chiều tôi hay xuống đây dòm ngó chiếc vỏ lãi cho đỡ nhớ nghề và kéo nó lên cạn để không bị trôi ra xa”- ông Lũy bộc bạch.

Anh Trần Văn Tùng, 35 tuổi, một trong những người gốc Việt ở Campuchia về Tà Dơ kiếm sống bằng nghề bắt cá dưới hồ Dầu Tiếng. Chiều mưa lâm râm, anh Tùng chở 2 đứa con nhỏ xuống mé nước, ngồi chờ thương lái đến cân cá. Anh giở thùng xốp đang để trên chiếc vỏ lãi có khoảng nửa thùng cá trắng các loại đang ướp nước đá. Để có được số cá này, sáng sớm, anh phải dỡ cơm nước, xuống xuồng rảo quanh trong hồ, đến 3-4 giờ chiều mới quay về nhà.

Anh Tùng tâm sự: “Thời gian trước, khi giá nhiên liệu còn thấp, nghề cá có lời mỗi ngày 200-300 ngàn đồng, nay xăng dầu tăng cao, có bữa lỗ vốn, có bữa huề. Bữa nay may mắn kiếm được 30kg cá thì có dư chút đỉnh”.

Vợ anh Tùng- chị Bùi Thị Điệp cho biết thêm, ngoài những chi phí kể trên, người làm nghề cá ở đây còn tốn tiền thay lưới mới. Vì dưới đáy hồ có nhiều gốc cây rừng và thường xuyên bị ghe nhủi cá ủi hư lưới nên trung bình khoảng nửa tháng phải thay toàn bộ hơn 10 tay lưới mới, với chi phí hơn 2 triệu đồng.

Người phụ nữ này chia sẻ: “Giờ làm cá không có ăn, chồng em tính sắp tới bỏ nghề cá, lên bờ đi làm thuê nghề phụ hồ. 2 vợ chồng đi làm phụ hồ, mỗi ngày được 600.000 đồng, nhưng vợ chồng đi làm hết thì không có ai trông nom, cơm nước cho 2 đứa con nhỏ”.

Ông Trần Văn Luỹ gồng mình kéo chiếc vỏ lãi lên bờ, tiếp tục nghỉ nghề đánh cá.

Ông Huỳnh Tấn Hiệp- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết, trong khu tái định cư ấp Đồng Kèn II có 183 hộ người gốc Việt ở Campuchia và ở ấp Tà Dơ còn 191 hộ người gốc Việt ở Campuchia sinh sống.

Một phần hộ gia đình ở 2 khu này sinh sống bằng nghề đánh bắt cá bằng ghe xuồng trong hồ Dầu Tiếng. Hiện nay, giá xăng dầu tăng, ảnh hưởng đến thu nhập của bà con. Tuy nhiên, chính quyền địa phương chưa nghe bà con ngư dân phàn nàn về vấn đề này.

Ở ấp Phước An, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu cũng có nhiều hộ người Campuchia gốc Việt về sinh sống. Giá xăng dầu liên tục tăng, một số ngư dân có thâm niên với nghề chài lưới đã giải nghệ. Chị Hồ Thị Ngà chỉ cho chúng tôi xem chiếc thau nhựa to đựng đầy lưới cá.

Người phụ nữ này tâm sự, 7 năm trước, gia đình sinh sống ở Biển Hồ Campuchia. Do cuộc sống khó khăn, vợ chồng chị di cư về đây sinh sống. Hằng ngày, chồng chị làm nghề giăng lưới cá dưới hồ Dầu Tiếng, chị bị bệnh, không lao động nặng được nên ở nhà trông nom 3 đứa con nhỏ.

Thời gian gần đây, xăng dầu tăng gần 30 ngàn đồng/lít, rồi hơn 32 ngàn đồng/lít, khiến chi phí cho nghề cá quá cao. Vì thế, cả tuần nay chồng chị cuốn lưới đem về nhà, đi làm phụ hồ để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Ông Nguyễn Thanh Phong- Phó Chủ tịch UBND xã Phước Ninh cho biết, trên địa bàn có hơn 200 hộ với hơn 450 người Campuchia gốc Việt về đây sinh sống. Những hộ dân về đây lâu năm, có giấy tờ tuỳ thân đầy đủ, được bố trí vào khu tái định cư, những hộ mới về trong những năm gần đây còn ở rải rác trên đất không lưu ven hồ Dầu Tiếng. Đa số hộ dân này sinh sống nhờ vào nghề đánh bắt cá trong hồ. Xăng dầu lên giá, nhiều hộ dân chuyển sang làm nghề khác, như làm phụ hồ, bán vé số dạo kiếm sống.

Đối với những ngư dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, mỗi chuyến ra khơi là phải dốc gần hết “gia sản”, nhưng cá thu hoạch được ít, không đủ chi phí bỏ ra cuộc sống càng khó khăn hơn. Nếu giá nhiên liệu tiếp tục tăng sẽ có nhiều ngư dân treo lưới, bỏ nghề, cuộc sống sẽ thêm khó khăn.

Đại Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục