Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Bàn về một số vấn đề trong cải cách chính quyền đô thị hiện nay, PGS. TS Vũ Thư (Viện Nhà nước và Pháp luật trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam ) cho rằng, cần tầm nhìn xa, quan điểm thực tiễn và khả năng tìm tòi mô hình tổ chức chính quyền đô thị thích hợp với quản lý nhà nước ở đô thị.

|
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt đi đầu trong việc thí điểm |
Theo PGS.TS Vũ Thư, trong quá trình cải cách chính quyền địa phương, vấn đề tổ chức lại chính quyền đô thị ở nước ta, đặc biệt là với các đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 và 2 là vấn đề lớn. Điều đó đặt ra khi tổ chức chính quyền đô thị đang chung một kiểu với chính quyền nông thôn và tổ chức trong các đô thị nước ta đang có khoảng cách xa với đặc điểm chung trong tổ chức chính quyền đô thị ở các nước.
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt đi đầu trong việc thí điểm xây dựng đề án chính quyền đô thị nhằm khắc phục tình trạng chính quyền ba cấp cồng kềnh, nhiệm vụ trùng lặp và không rõ ràng, quản lý bị chia cắt, hoạt động kém hiệu quả. Đề án chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh với mô hình tạm gọi là “thành phố trong thành phố”, theo PGS.TS Vũ Thư, tuy vẫn còn phải được bàn tính và còn có những ý kiến khác nhau, nhưng về hướng cải cách có thể nói là đúng hướng.
Trước hết, nó nhằm khắc phục tình trạng quản lý cắt khúc, thể hiện được tinh thần rằng, đối với một đô thị, vấn đề chủ yếu là quản lý hành chính hiệu quả chứ không phải là có nhiều cấp chính quyền.
Ủng hộ mô hình mới, song PGS.TS Vũ Thư lưu ý, trong cải cách chính quyền đô thị hiện nay ở nước ta, để tổ chức chính quyền thích ứng với các điều kiện đô thị cần chú ý một số vấn đề.
Trước hết, đó là thay đổi tư duy về tổ chức chính quyền địa phương nói chung, chính quyền đô thị nói riêng. Trải qua hàng chục năm tổ chức chính quyền đô thị từ Hiến pháp 1959, ta dễ quen thuộc với mô hình chính quyền đô thị hiện nay. Khi đô thị phát triển ở mức thấp, tổ chức chính quyền đô thị theo mô hình hiện có không làm phát sinh những mâu thuẫn lớn và nhu cầu giải quyết bức bách. Nhưng khi đô thị phát triển mạnh thì điều đó sẽ hiện diện nhu cầu đổi mới. “Cần đến ở đây tầm nhìn xa, quan điểm thực tiễn và khả năng tìm tòi mô hình tổ chức chính quyền đô thị thích hợp với quản lý nhà nước ở đô thị.” – PGS.TS Vũ Thư nói.
Mặt khác, hiện nay, đô thị Việt Nam theo tên gọi được Hiến pháp khẳng định, gồm có thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn. Bên trong thành phố trực thuộc trung ương có các đơn vị hành chính quận, phường. Trong thành phố thuộc tỉnh, thị xã có đơn vị hành chính phường. Do vậy, PGS.TS Vũ Thư cho rằng, những câu hỏi cơ bản khi xác định mô hình tổ chức chính quyền đô thị (không kể các vấn đề liên quan chung đến chính quyền địa phương) cần phải được trả lời là: Đô thị có chia ra thành các đơn vị hành chính hay chỉ có các cấp hành chính? Nếu được chia thành các đơn vị hành chính nào để trên đó thiết lập cấp chính quyền thì chính quyền có mấy cấp? Nếu chỉ có các cấp hành chính thì có mấy cấp hành chính?
Chẳng hạn, đối với Thành phố Hồ Chí Minh, theo những thông tin báo chí có Thành phố Hồ Chí Minh và có bốn thành phố vệ tinh thì thực chất đó là bốn thành phố khác nhau hay là một khối? Chức năng, nhiệm vụ của mỗi cấp chính quyền hoặc mỗi cấp hành chính đã phù hợp với các đặc điểm của quản lý nhà nước đối với đô thị hay chưa? Ở mỗi cấp chính quyền có các loại cơ quan nào (nếu đô thị chia ra các đơn vị hành chính)? Mối quan hệ giữa các cơ quan của chính quyền mỗi cấp hoặc mỗi đơn vị hành chính theo chiều ngang, chiều dọc như thế nào? Trong mô hình tổ chức chính quyền, vấn đề dân chủ, mối quan hệ giữa chính quyền và người dân đã được bảo đảm thực chất như thế nào?
PGS.TS Vũ Thư cũng phân tích, việc xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị mới gắn liền với thí điểm là vấn đề lớn, chắc chắn không thể mạo hiểm bằng lý thuyết, lập luận để đưa vào pháp luật mô hình tổ chức chính quyền đô thị mà không qua thí điểm; nhưng thí điểm thì sẽ đụng chạm đến Hiến pháp và các luật. Nhưng đã là thí điểm thì không thể đòi hỏi phải hoàn toàn tuân theo Hiến pháp, luật; vì nếu như thế thì không còn là thí điểm nữa. Cũng không nên đặt ra ở đây vấn đề vi hiến, phạm luật trong nhà nước pháp quyền. Hiện nay, tổ chức chính quyền địa phương nói chung, chính quyền đô thị nói riêng về căn bản được quy định trong Hiến pháp 1992, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân 2003. Để thí điểm, cần xác định khuôn khổ những vấn đề có tính nguyên tắc liên quan đến Hiến pháp, Luật như: Tổ chức chính quyền địa phương trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ hay tự quản? Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước hay cơ quan tự quản, Ủy ban nhân dân là cơ quan hành chính nhà nước và là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân cùng cấp…Trên cơ sở đó mà xây dựng mô hình chính quyền đô thị.
Một vấn đề nữa cần lưu ý, theo PGS.TS Vũ Thư đó là vấn đề dân chủ trong quan hệ giữa chính quyền và người dân ở đô thị. Theo cách tổ chức chính quyền đô thị hiện nay thì trừ thị trấn, ở thành phố, thị xã, chính quyền theo đơn vị hành chính, được tổ chức thành các cấp, mỗi cấp đều có Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước, đại diện cho nhân dân địa phương và chịu trách nhiệm trước họ. PGS.TS Vũ Thư cho rằng, ở đây có mấy khía cạnh đáng chú ý. Dân chủ cần có cơ quan đại diện là Hội đồng nhân dân, nhưng xét về thực chất, đó là vấn đề dân chủ được thực hiện hiệu quả như thế nào chứ không phải dân chủ tỷ lệ thuận với số lượng cấp Hội đồng nhân dân. Đối với đô thị, do dân cư sống tập trung, do tính chất liên thông của cơ sở hạ tầng và các yếu tố khác, không phù hợp việc phân khúc quản lý nhiều cấp. Hội đồng nhân dân cũng không có nhiều việc để bàn thảo, trái lại, cần đến năng lực, kỹ năng xử lý các tình huống quản lý khác nhau đòi hỏi được giải quyết nhanh chóng, chuyên nghiệp. Từ đó mà vấn đề trọng yếu ở đô thị là các vấn đề liên quan quản lý hành chính (và cả cung ứng dịch vụ công) có hiệu quả phù hợp với đặc điểm của đô thị - đó cũng là điều mà dân chủ nhằm tới. Đối với nhiều nước, chính quyền đô thị được tổ chức chỉ có một hoặc hai cấp thì cũng không có cơ sở nào để nói là kém dân chủ.
PGS.TS Vũ Thư cho rằng, để chính quyền đô thị được tổ chức có hiệu quả, cần xem xét cả những vấn đề chung cho chính quyền địa phương như phân cấp quản lý hay thực hiện tự quản địa phương rõ ràng theo luật. Nếu phân cấp quản lý mạnh cho địa phương thì đặc thù cho các đô thị là thế nào? Khi chính quyền đô thị giảm số lượng Hội đồng nhân dân thì dân chủ đặt ra nhiều vấn đề như: Phân bố đại biểu giữa các khu vực của đô thị, chuyên nghiệp hóa hoạt động đại biểu, vấn đề tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội của nhân dân, của báo chí, vấn đề hiệu quả của việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân…/.
Theo Báo điện tử ĐCS