BAOTAYNINH.VN trên Google News

Học viện Dân tộc tổ chức hội thảo:

Xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số 

Cập nhật ngày: 13/12/2019 - 10:31

BTN - Phát biểu kết luận hội thảo, PGS.TS Bế Trung Anh- Phó Giám đốc Học viện Dân tộc xác định, việc đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số là cần thiết không chỉ đối với cán bộ, công chức, viên chức tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số mà còn có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ an ninh chủ quyền biên giới quốc gia.

Ông Nguyễn Lương Nhân- Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước phát biểu tại hội thảo.

Sáng 10.12, Học viện Dân tộc (thuộc Uỷ ban Dân tộc) phối hợp với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức hội thảo về tổ chức bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số phục vụ xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu và phối hợp tổ chức bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số theo Quyết định số 771/QĐ-TTg ngày 26.6.2018 của Thủ tướng Chính phủ. Hội thảo do PGS.TS Bế Trung Anh- Phó Giám đốc Học viện Dân tộc; bà Huỳnh Thị Hồng Nhung- Phó chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh đồng chủ trì.

Theo PGS.TS Bế Trung Anh, việc tổ chức hội thảo nhằm thu thập thông tin về thực trạng dạy và biên soạn chương trình, tài liệu, nhu cầu đội ngũ giảng viên dạy tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; giải pháp bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số của đội ngũ công chức, viên chức trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Từ đó đề xuất kế hoạch bồi dưỡng tiếng dân tộc năm 2020 và giai đoạn 2021-2025, đến năm 2020, tối thiểu 50% cán bộ, công chức, viên chức thuộc các nhóm đối tượng 2, 3 và 4 của địa phương được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dân tộc; tối thiểu 20% cán bộ, công chức, viên chức thuộc nhóm đối tượng 3, nhóm đối tượng 4 của cấp huyện, cấp xã tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số, được bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số.

Đến năm 2025, tối thiểu 80% cán bộ, công chức, viên chức thuộc nhóm đối tượng 3, đối tượng 4 của cấp huyện, cấp xã tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số được bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số theo Quyết định số 771/QĐ-TTg ngày 26.6.2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức, giai đoạn 2018-2025.

Tại hội thảo, tham luận của Bộ đội Biên phòng tỉnh cho thấy, từ yêu cầu thực tiễn công tác, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh rất quan tâm đến công tác bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số. Thống kê từ năm 2009-2019, có 181 lượt cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp theo học 25 lớp đào tạo, bồi dưỡng tiếng Khmer. Qua bồi dưỡng, tỷ lệ nói được tiếng dân tộc thiểu số đạt khoảng 80%. BĐBP tỉnh còn có cán bộ phụ trách công tác dân tộc. Đại diện BĐBP tỉnh đề nghị Học viện Dân tộc xem xét nhu cầu hằng năm, BĐBP tỉnh cần đào tạo 3 cán bộ về tiếng dân tộc thiểu số.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo nêu thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số. Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số có thể giao tiếp thông thường bằng tiếng dân tộc. Khó khăn mà ngành đang gặp phải là không có giáo viên được đào tạo chính quy giảng dạy tiếng dân tộc. Hiện tại, tỉnh đang thiếu 6 giáo viên dạy tiếng Khmer, 2 giáo viên dạy tiếng Chăm ở cấp tiểu học.

Từ thực tế đó, Sở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị các trường sư phạm cần tổ chức các khoa - ngành đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc ở các cấp học, đồng thời Nhà nước có chính sách đặc biệt dành cho các đối tượng sinh viên này; có chế độ chính sách đãi ngộ đối với người dạy và người học tiếng dân tộc để thu hút nguồn nhân lực phục vụ công tác này.

Ông Nguyễn Lương Nhân- Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước đề nghị Học viện Dân tộc quan tâm soạn thảo tài liệu, khung lộ trình để tập huấn, giảng dạy tiếng dân tộc thiểu số cho các đối tượng trong vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. UBND các huyện Tân Biên, Dương Minh Châu, Tân Châu, Châu Thành… phản ánh những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện công tác chăm lo cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Phát biểu kết luận hội thảo, PGS.TS Bế Trung Anh- Phó Giám đốc Học viện Dân tộc xác định, việc đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số là cần thiết không chỉ đối với cán bộ, công chức, viên chức tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số mà còn có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ an ninh chủ quyền biên giới quốc gia.

Phó Giám đốc Học viện Dân tộc cũng cho rằng, những ý kiến tại hội thảo sẽ giúp Học viện Dân tộc xây dựng bộ tài liệu thích hợp để thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho các đối tượng trong thời gian tới, góp phần thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hồng Thu