Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xây dựng cộng đồng ASEAN bền vững
Chủ nhật: 14:41 ngày 23/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trên tinh thần chủ đề Tăng cường quan hệ đối tác vì sự phát triển bền vững, các lãnh đạo ASEAN đã tập trung thảo luận định hướng và biện pháp hướng tới xây dựng một Cộng đồng ASEAN bền vững vì người dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Phiên toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34. Ảnh: TTXVN

Ngày 22-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng các đại biểu Cấp cao Việt Nam đã tới thủ đô Bangkok, Vương quốc Thái Lan, bắt đầu các hoạt động trong khuôn khổ chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 34. Chiều 22-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Phiên toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34.

Thúc đẩy thương mại nội khối

Chiều 22-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo ASEAN đã tham dự Phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 do Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Chủ tịch ASEAN năm 2019, chủ trì.

Trên tinh thần chủ đề Tăng cường quan hệ đối tác vì sự phát triển bền vững, các lãnh đạo ASEAN đã tập trung thảo luận định hướng và biện pháp hướng tới xây dựng một Cộng đồng ASEAN bền vững vì người dân.

Về chính trị - an ninh, các nước khẳng định nhu cầu duy trì một nền an ninh bền vững trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ASEAN (TAC), bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN và định hướng ứng xử với đối tác bên ngoài trên cơ sở tài liệu Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tăng cường lòng tin chiến lược và hợp tác đối phó với những thách thức an ninh xuyên quốc gia, nhất là an ninh mạng, quản lý biên giới...

Về kinh tế, thúc đẩy hơn nữa thương mại nội khối; một ASEAN không rào cản (seamless ASEAN), tăng cường kết nối, kết nối tiểu vùng, triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, Sáng kiến Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN; thúc đẩy kinh tế số và một ASEAN số hóa, tích cực chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp 4.0; kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong năm 2019...

Về văn hóa xã hội, quyết định chọn 2019 là năm Văn hóa ASEAN nhằm tăng cường giao lưu văn hóa và thúc đẩy bản sắc văn hóa ASEAN; xây dựng một Cộng đồng ASEAN bền vững, hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm, nhìn về tương lai và không để ai bị bỏ lại phía sau; thúc đẩy sự tương hỗ giữa Tầm nhìn ASEAN 2025 với Mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên hiệp quốc (LHQ); hợp tác giải quyết các vấn đề rác thải biển, cơ cấu dân số già hóa...

Với vai trò Chủ tịch kế nhiệm ASEAN, phát biểu tại phiên toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ, đánh giá cao chủ đề và những ưu tiên do Chủ tịch ASEAN 2019 Thái Lan đề xuất. Thủ tướng nhấn mạnh, ASEAN cần đặt ưu tiên hàng đầu tiếp tục củng cố đoàn kết, gắn kết nội khối, phát huy vai trò trung tâm và hiệu quả của các cơ chế khu vực do ASEAN chủ trì và dẫn dắt. ASEAN cần đẩy mạnh liên kết kinh tế nội khối, tận dụng hiệu quả các cam kết và thỏa thuận đã ký, sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định RCEP, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, nâng cao năng lực ứng phó với các cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0 và chú trọng kết nối và phát triển các mạng lưới trung tâm công nghệ 4.0.

Thủ tướng cũng đề nghị ASEAN tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, đẩy mạnh cải cách thể chế và nâng cao hiệu quả bộ máy hoạt động của ASEAN.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Tầm nhìn Lãnh đạo ASEAN về Quan hệ đối tác vì sự bền vững; Tuyên bố của Lãnh đạo ASEAN về Năm Văn hóa ASEAN 2019; Tuyên bố Bangkok về Chống rác thải biển ở khu vực ASEAN.

Lời cảm ơn từ Việt Nam

Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 34 và các hội nghị liên quan, sáng 22-6, đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đặc biệt về đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, các bộ trưởng tái khẳng định, sẽ tiếp tục tích cực tham gia cùng Chính phủ Myanmar tìm giải pháp phù hợp cho ổn định tình hình bang Rakhai (Ra-khai), qua đó phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, tích cực đóng góp cho hòa bình, ổn định tại khu vực.

Các Bộ trưởng ghi nhận tiến triển trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), nhấn mạnh tầm quan trọng của kiềm chế, tránh các hành động có thể dẫn đến tính toán sai lầm, nỗ lực thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và phấn đấu xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN chúc mừng Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ với số phiếu gần tuyệt đối. Đồng thời, các nước bày tỏ tin tưởng, Việt Nam và Indonesia, hai nước thành viên ASEAN sẽ hoàn thành trọng trách, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, đối thoại và hợp tác trên thế giới.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (thứ năm, từ phải sang), Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi (ngoài cùng bên phải) và các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN chụp ảnh chung tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh hoan nghênh những tiến triển tích cực trong xây dựng Cộng đồng ASEAN, đánh giá cao nỗ lực của Chủ tịch Thái Lan trong triển khai hợp tác theo tinh thần Chủ đề của năm.

Phó Thủ tướng khẳng định, ASEAN cần duy trì đoàn kết và nhất trí, coi đây là tài sản quý giá nhất, cả trong xây dựng cộng đồng lẫn trong duy trì vai trò trung tâm tại khu vực. Cảm ơn các nước đã ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Phó Thủ tướng cam kết, Việt Nam sẽ tích cực phối hợp đóng góp cho các nỗ lực chung vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ nỗ lực để tăng cường kết nối giữa HĐBA LHQ với các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN.

Bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34, chiều 22-6, tại Bangkok, Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp với Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha; Tổng thống Indonesia Joko Widodo để thảo luận thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế - thương mại, hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Thái Lan đạt 20 tỷ USD vào năm 2020 và cán cân thương mại cân bằng hơn giữa hai nước; khẳng định quyết tâm phối hợp thực hiện hiệu quả Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Indonesia giai đoạn 2018 - 2023

Nhân dịp này, theo đề nghị của phía Singapore, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Thủ tướng Lý Hiển Long.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê phán phát biểu ngày 31-5-2019 của Thủ tướng Lý Hiển Long phần liên quan đến Việt Nam và Campuchia giai đoạn 1979 - 1980. Thủ tướng Lý Hiển Long giải thích Singapore không có ý làm tổn thương Việt Nam và nhấn mạnh, Singapore hết sức coi trọng quan hệ hữu nghị và tin cậy với Việt Nam.

Hai Thủ tướng đánh giá cao cuộc gặp đã giúp hai bên hiểu nhau hơn; nhất trí tinh thần hướng tới tương lai, tập trung thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Singapore trên tất cả các lĩnh vực.

Nguồn SGGPO (tổng hợp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục