Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Xây dựng đội ngũ trí thức xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ mới
Thứ hai: 09:18 ngày 16/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trong mọi thời đại và ở bất cứ quốc gia nào, đội ngũ trí thức luôn luôn là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức; có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia, dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các đại biểu trí thức dự Hội nghị chính trị đặc biệt (tháng 3-1964). Nguồn: TTXVN 

Nhiều kết quả tích cực sau 15 năm thực hiện Nghị quyết

Là một lực lượng đặc biệt quan trọng không chỉ trong tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc mà ngay cả trong giai đoạn xây dựng đất nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, đội ngũ trí thức luôn có vị trí, vai trò và cống hiến to lớn. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: "Trí thức công nông hoá, trí thức phục vụ nhân dân bây giờ cũng cần, kháng chiến kiến quốc cũng cần, tiến lên chủ nghĩa xã hội càng cần, tiến lên chủ nghĩa cộng sản lại càng cần"(1).

Với một lực lượng đông đảo, bao gồm những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo đồng thời tạo ra những sản phẩm vật chất và tinh thần có giá trị cho xã hội…, đội ngũ trí thức đã và đang có những đóng góp to lớn trên tất cả các lĩnh vực.

Trên cơ sở kế thừa, phát triển sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các kỳ đại hội trước về xây dựng đội ngũ trí thức, ngày 6/8/2008, tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ trí thức trẻ Việt Nam tại Pháp, tháng 3/2018. (Ảnh: qdnd.vn) 

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết đã đạt được những mục tiêu cơ bản như: Xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, đạt chất lượng cao, số lượng và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, từng bước tiến lên ngang tầm với trình độ của trí thức các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới...

Nhận thức của cấp ủy đảng các cấp đã được nâng lên, nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhiều cấp ủy đảng các cấp đã có các giải pháp phù hợp để phát triển đội ngũ trí thức cả về số lượng và chất lượng trên các lĩnh vực, ngành, tiếp cận làm chủ khoa học, công nghệ cùng với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Chủ động, sáng tạo tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Đảng, Nhà nước quan tâm sâu sắc đội ngũ trí thức, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, liên minh Công - Nông - Trí được củng cố vững chắc…

Thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW, đội ngũ trí thức đã trực tiếp tham gia góp phần vào những quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước; đặc biệt, những nội dung trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của cấp ủy Đảng các cấp đã có sự đóng góp tích cực của đội ngũ trí thức cả nước.

Thực tiễn công tác xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW đã chỉ ra rằng, những đóng góp của đội ngũ trí thức được thể hiện rõ nét thông qua các thành quả tích cực trong phát triển của các ngành, lĩnh vực, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của đất nước.

Theo Tổng cục Thống kê, sự phát triển của đội ngũ trí thức đã góp phần đưa Việt Nam từ một nước có nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu, quy mô nhỏ, GDP mới chỉ đạt khoảng 14 tỷ USD và GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 250 USD trong những năm đầu đổi mới thì đến năm 2022, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD.

Cùng với đó, chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam trong những năm gần đây liên tục tăng vượt bậc. Năm 2020 Việt Nam xếp thứ 42/131 quốc gia, dẫn đầu nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 trong ASEAN, sau Singapore và Malaysia. Năm 2022, Việt Nam đứng thứ 48/132 nền kinh tế, nằm trong Top 50 và đứng thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 10 trong số 17 nền kinh tế ở Đông Nam Á và châu Đại Dương.

Hệ thống sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng ngày càng hoàn thiện, góp phần khuyến khích hoạt động nghiên cứu sáng tạo trong nước, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa… Từ những chuyển biến tích cực đó, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về kết quả tăng trưởng kinh tế cũng như chất lượng cuộc sống của người dân.


Những nội dung trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội của cấp ủy đảng các cấp đã có sự đóng góp tích cực của đội ngũ trí thức cả nước. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Bối cảnh mới yêu cầu ban hành Nghị quyết mới

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng còn bộc lộ một số hạn chế: Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, ngành, địa phương còn chưa thống nhất, chưa kịp thời, trách nhiệm chưa cao trong việc cụ thể hóa Nghị quyết phù hợp, sát, đúng, trúng, hiệu quả với đặc thù các tổ chức, đơn vị… nên chưa phát huy triệt để sức mạnh đội ngũ trí thức vào sự nghiệp xây dựng, kiến thiết đất nước giàu mạnh.

Chưa kịp thời tạo hành lang pháp lý, môi trường để thu hút đội ngũ trí thức, đặc biệt đội ngũ trí thức ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chất lượng đội ngũ trí thức chưa đồng đều, thiếu trí thức mang tính chuyên gia đầu ngành, chưa chú trọng xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ trí thức, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, khó khăn, nơi biên giới, biển đảo...

Tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua đã thống nhất cao cho rằng, bối cảnh tình hình mới và yêu cầu, nhiệm vụ mới đòi hỏi phải ban hành Nghị quyết mới của Trung ương về tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà, bồi đắp nguyên khí quốc gia vững mạnh hơn nữa, đáp ứng yêu cầu chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và chấn hưng văn hoá, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới.

Trung ương đặc biệt nhấn mạnh, cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cả về tư duy và hành động theo hướng: Xác định trí thức Việt Nam là nguồn lực lao động chất lượng cao, là lực lượng lao động sáng tạo, có vinh dự và bổn phận tiên phong, trực tiếp tham gia sự nghiệp đổi mới, cống hiến xây dựng, phát triển đất nước; nâng cao dân trí, nhân lực; bồi dưỡng, đào tạo nhân tài trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững; là lực lượng có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng; phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh,  công bằng, dân chủ, văn minh.

Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh cả về số lượng và chất lượng, có cơ cấu hợp lý, có lộ trình và bước đi phù hợp, gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm và năng lực của trí thức trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, các hội nghề nghiệp của trí thức và toàn xã hội.

Tôn trọng, phát huy tự do tư tưởng, học thuật, thực hành dân chủ trong hoạt động nghiên cứu sáng tạo; trọng dụng nhân tài, trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành chính là tạo môi trường, điều kiện thuận lợi và động lực căn bản để xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức và phát huy vai trò, vị trí và sự cống hiến của trí thức, thực sự xứng tầm là nguyên khí quốc gia.

Trên cơ sở thống nhất cao về nhận thức, cần tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển đồng bộ, toàn diện khoa học - công nghệ, văn hoá, văn học, nghệ thuật gắn với phát huy vai trò của đội ngũ trí thức.

Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu khẩn trương xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt các chính sách, biện pháp phù hợp nhằm đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác lãnh đạo, phát triển đội ngũ trí thức; tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng trí thức; phát triển, thu hút, đãi ngộ và tôn vinh đội ngũ trí thức; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để trí thức khởi nghiệp và lao động sáng tạo, phát huy tài năng, trí tuệ của tập thể và cá nhân các nhà khoa học; đẩy mạnh việc huy động và đa dạng hoá các nguồn lực đầu tư cho xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức; đề cao trách nhiệm, tăng cường tính chủ động, tích cực của bản thân đội ngũ trí thức, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các hội nghề nghiệp trong đội ngũ trí thức...


Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị đội ngũ tri thức khoa học và công nghệ Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.  

Một số giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ mới

Để đáp ứng mục tiêu từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo xây dựng đội ngũ trí thức nước ta ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, cần chú trọng thực hiện một số nội dung, giải pháp sau:

Một là, thống nhất nhận thức, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng các cấp, cụ thể hóa chiến lược, nội dung phù hợp với nhu cầu thực tiễn của các ngành, địa phương. Chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, quan tâm cơ chế, chính sách đặc thù trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng sự phát triển số lượng, chất lượng đội ngũ trí thức.

Hai là, căn cứ vào sự phát triển thực tiễn, cần bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát triển đội ngũ trí thức về số lượng, chất lượng, đáp ứng thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chú ý rà soát, hoàn thiện chính sách trọng dụng, đào tạo đội ngũ trí thức trong sự nghiệp xây dựng Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ba là, về xây dựng đội ngũ trí thức, như Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ đã nhận định: “Nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi; sự liên thông giữa các cấp, các ngành còn hạn chế… Thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực…

Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế, yếu kém; nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế”. Để khắc phục hạn chế này, các cơ quan nhà nước các cấp cần phải cụ thể hóa, nhanh chóng đưa các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về trí thức vào cuộc sống, như Kết luận số 86-KL/TW, ngày 24/01/2014, của Bộ Chính trị về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; Quyết định số 418/QĐ-TTg, ngày 11/4/2012, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020...

Đồng thời, sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách để đội ngũ trí thức phát triển bằng chính phẩm chất, tài năng; sống được bằng nghề; được trả công xứng đáng từ sáng tạo và đóng góp của mình. Tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định nhằm khắc phục hiệu quả tình trạng “chảy máu chất xám”, “lãng phí chất xám”, dàn trải, bình quân trong chính sách đối với đội ngũ trí thức.

Bốn là, cần xác định khâu đột phá trong chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng người có tài năng, bởi nhân tài là bộ phận “hạt nhân” của đội ngũ trí thức, là lực lượng nòng cốt của nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhận thức rõ giá trị truyền thống coi trọng hiền tài và thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, ý nghĩa của nhân tài trong sự nghiệp phát triển đất nước, từ Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII đến Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII, Đảng ta đều đặt ra mục tiêu trong xây dựng chiến lược nhân tài quốc gia.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định “có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài”. Từ đó cho thấy trong chính sách phát triển đội ngũ trí thức thì chính sách đối với người có tài năng là khâu đột phá. Thu hút, trọng dụng nhân tài vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ lâu dài. Vì vậy cần thống nhất nhận thức, chủ trương và thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng đối với nhân tài nhưng có trọng tâm, trọng điểm để đạt được mục tiêu, hiệu quả, bền vững.

Năm là, bám sát vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay. Ngay khi nước nhà mới giành được độc lập, để tìm người tài đức ra gánh vác việc nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài Nhân tài và kiến quốc đăng trên báo Cứu quốc ngày 14/11/1945, với quan điểm: “Kiến thiết cần có nhân tài”.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mặc dù trong bối cảnh đất nước đứng trước vô vàn khó khăn, thách thức của những công việc cần kíp giải quyết sau ngày độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ đến việc mời các chuyên gia, các nhà khoa học người Việt Nam và cả nước ngoài về Việt Nam cộng tác, làm việc.

Phát biểu trong buổi khai mạc lớp chỉnh huấn cán bộ đảng, dân, chính ở cơ quan trung ương ngày 6/2/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích rõ rằng “muốn phát triển văn hóa thì phải cần thầy giáo, muốn phát triển sức khỏe của nhân dân thì phải cần thầy thuốc, muốn phát triển kỹ nghệ phải cần các kỹ sư...”.

Để tập hợp, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay, đòi hỏi sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước và từ chính tầng lớp trí thức. Do đó, cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu, những người giữ trọng trách cao trong bộ máy của Đảng và Nhà nước để thấm nhuần quan điểm sử dụng người tài, quan điểm về sử dụng trí thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thực tiễn phát triển của thế giới đã chứng minh rằng, không chỉ tài nguyên thiên nhiên, mà trí thức cũng là nguồn của cải giá trị thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, khi thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vai trò của trí thức và vị trí của đội ngũ trí thức vẫn sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của đất nước./.

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.8, tr.59.

Nguồn dangcongsan

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục