Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tây Ninh 10 năm thực hiện Nghị quyết 33 của Trung ương:
Xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực văn hoá Phần 2: Kết quả thực hiện 6 nhiệm vụ Nghị quyết 33
Thứ sáu: 08:39 ngày 23/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tỉnh uỷ đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống, nhân cách.

Xây dựng con người phát triển theo hướng toàn diện về năng lực, trí tuệ, nhân cách... gắn với việc định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện

Tỉnh đã tổ chức hội thảo khoa học nhận diện bản sắc văn hoá và truyền thống gia đình tỉnh Tây Ninh (2022) nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hoá và truyền thống gia đình tốt đẹp, hạn chế cái xấu, góp phần xây dựng và phát triển con người tỉnh Tây Ninh hướng đến chân - thiện - mỹ.

Các chuẩn mực trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được xây dựng, đưa vào quy chế, quy định, nội dung, quy tắc của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đầu năm, mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức đều đăng ký học tập và làm theo Bác.

Dạy đờn ca tài tử cho thiếu nhi tại đình Gia Bình, xã Gia Bình, thị xã Trảng Bàng. Ảnh: Phí Thành Phát

Công tác văn hoá, giáo dục đạo đức, lối sống, khoa học gắn với giáo dục tri thức đã được cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trong đó, ngành Giáo dục đã tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất, chăm sóc sức khoẻ cho học sinh, sinh viên. Ngành Giáo dục phối hợp triển khai có hiệu quả các mô hình về xây dựng xã hội học tập, như “gia đình học tập”, “dòng họ học tập”, “cộng đồng học tập” và “đơn vị học tập”. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người, mọi nhà được học tập thường xuyên, liên tục và học tập suốt đời, đáp ứng yêu cầu phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó chú trọng việc giảng dạy và học tập đạo đức, giáo dục công dân trong trường học. 

Việc xây dựng và phát triển lối sống “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người” đã được các địa phương cụ thể hoá thông qua các tiêu chí xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Đặc biệt chú trọng phát huy giá trị, nhân tố tích cực trong văn hoá tôn giáo, tín ngưỡng với phương châm “tốt đời, đẹp đạo”, thực hiện tốt hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn… và các giá trị truyền thống văn hoá quý báu của dân tộc.

Tỉnh quan tâm giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên. Chú ý đầu tư sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật về sân khấu truyền thống, nhạc tài tử cải lương, ca khúc tân nhạc mang âm hưởng dân ca về đề tài truyền thống cách mạng, xây dựng nông thôn mới, về xây dựng những đức tính tốt đẹp của con người như lòng nhân ái, nghĩa tình, dũng cảm, giúp đỡ cộng đồng, hy sinh vì nghĩa lớn... Tỉnh tổ chức các hoạt động văn hoá, vui chơi giải trí, liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng, hội diễn liên hoan khu vực và toàn quốc. Các hoạt động giao lưu nghệ thuật quần chúng quy mô lớn có sự tham gia của các đội nghệ thuật quần chúng các dân tộc Kinh, Chăm, Khmer, Hoa... chào mừng “Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam 19.4” cũng được tổ chức.

Để nâng cao thể lực, tầm vóc con người Việt Nam, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, các ngành, các cấp đã thường xuyên phối hợp tổ chức các phong trào thể thao quần chúng từ tỉnh đến cơ sở. Phong trào thể dục thể thao đã có những chuyển biến, phát triển mạnh mẽ, thu hút sự tập luyện của các tầng lớp nhân nhân thông qua các cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Tháng hoạt động thể dục thể thao cho mọi người và Ngày chạy Olympic vì sức khoẻ toàn dân”, “Lễ khai mạc hè, Ngày Olympic trẻ em và phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước” được tổ chức hằng năm thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, học sinh tham gia.

Công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hoá đã được Tỉnh uỷ chỉ đạo các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội chú trọng thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ý nghĩa các ngày lễ lớn, tuyên truyền về biển đảo, phân giới cắm mốc, xây dựng nông thôn mới, các sự kiện chính trị quan trọng. Các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, đặc biệt Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá XII) nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội trên tinh thần thực hiện tốt Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 27.7.2010 của Ban Bí thư khoá X về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hoá độc hại gây huỷ hoại đạo đức xã hội”.

Công tác lý luận, phê bình, phản bác với những quan điểm sai trái, hành vi tiêu cực ảnh hưởng xấu đến nền văn hoá được các cấp, các ngành, đảng viên quán triệt thực hiện. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 94 tỉnh, nay là Ban Chỉ đạo 35-57) chủ động tham mưu, hướng dẫn các phương pháp đấu tranh phù hợp. Ban Tuyên giáo kịp thời định hướng dư luận xã hội và xây dựng lực lượng (trên các trang mạng xã hội thông qua các kênh Zalo, Facebook...) từ tỉnh đến cơ sở tập trung đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn hoá, văn học, nghệ thuật. Việc thực hiện đấu tranh trên mạng xã hội internet, Tây Ninh được Trung ương đánh giá cao, có nhiều thành tích nổi bật.

Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh

Các cơ quan, đơn vị xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện nghiêm quy định về văn hoá công sở, văn hoá công vụ và các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên. Phát huy tính gương mẫu, tự giác, tuân thủ pháp luật của cá nhân, cơ quan, đơn vị và trong cộng đồng xã hội; có biện pháp ngăn chặn các hành vi ảnh hưởng tiêu cực đến xây dựng môi trường văn hoá.

Công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, dòng họ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các tầng lớp Nhân dân đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách cư xử tốt đẹp trong gia đình Việt Nam. Điều đó góp phần cho các gia đình nhận thức rõ hơn trong việc giữ gìn hạnh phúc và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, kéo giảm tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh.

Công tác xây dựng môi trường văn hoá đã được triển khai thường xuyên trong từng cộng đồng dân cư, kết quả đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả, tích cực của các cấp, các ngành.

 Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tiếp tục có chuyển biến tích cực. Các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước về việc cưới, việc tang, lễ hội. Cán bộ, đảng viên nhận thức trách nhiệm và gương mẫu trong việc thực hiện các quy định, đại đa số nhân dân đồng tình, góp phần làm hạn chế và từng bước đẩy lùi tiêu cực, lạc hậu trong các lễ nghĩa, nghi thức khi tổ chức việc cưới, việc tang. Những nét đẹp truyền thống trong việc cưới, việc tang được giữ gìn và phát huy.

Các hoạt động văn hoá, nghệ thuật ngày càng phát triển đã thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh, nhất là theo hướng phát triển du lịch. Các thiết chế văn hoá ở cơ sở được nâng cao chất lượng, hiệu quả, vai trò chủ thể của người dân trong các hoạt động văn hoá tại cộng đồng được phát huy. Các hoạt động văn hoá, chương trình nghệ thuật kỷ niệm các ngày lễ lớn... góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân, đồng thời thúc đấy cho việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả.

Phát huy các giá trị, nhân tố tích cực trong văn hoá tôn giáo, tín ngưỡng, hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh luôn gắn bó, đồng hành với sự phát triển của dân tộc, hướng thiện, nhân đạo, nhân văn, tiến bộ, “tốt đời, đẹp đạo”. Hằng năm, các tôn giáo vận động, tự nguyện đóng góp với số tiền hàng tỷ đồng để chăm lo, tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, từ thiện, nhân đạo, thiên tai, trẻ em mồ côi, người già neo đơn có hoàn cảnh khó khăn...

Xây dựng văn hoá trong chính trị và kinh tế

Các tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị đã chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, có ý thức tôn trọng pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương. Các tổ chức đảng, chính quyền thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát, việc chấp hành nội quy, thực hiện các tiêu chí xây dựng nếp sống văn minh nơi công sở, quy định nghề nghiệp ở các cơ quan hành chính nhà nước.

Việt Đông

(còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục