Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tây Ninh 10 năm thực hiện Nghị quyết 33 của Trung ương:
Xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực văn hoá Phần cuối: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hoá
Chủ nhật: 21:16 ngày 25/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Công tác đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, báo chí, xuất bản, đặc biệt trên mạng internet luôn được quan tâm.

Các cấp uỷ đảng, chính quyền cụ thể hoá các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện các nghị quyết, chỉ thị về văn hoá, ban hành nhiều văn bản để quản lý ngày càng thuận lợi, góp phần tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý văn hoá chặt chẽ hơn, tạo điều kiện cho sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế trong kinh doanh và hoạt động văn hoá, huy động được sự tham gia của toàn xã hội chung tay xây dựng và phát triển văn hoá.

Hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hoá ngày càng được kiện toàn và củng cố. Công tác chuẩn hoá cán bộ luôn phát huy tác dụng; đội ngũ cán bộ quản lý ngành văn hoá được bảo đảm về phẩm chất chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị... Công tác hướng dẫn, kiểm tra, quản lý các hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh đúng theo quy định, tạo môi trường lành mạnh, thu hút du khách đến với địa phương và quảng bá được hình ảnh con người, quê hương Tây Ninh.

Theo Kế hoạch “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ” trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, Tây Ninh sẽ đăng cai tổ chức Liên hoan đờn ca tài tử quốc gia lần thứ IV- năm 2025. Ảnh: Huỳnh Thanh Liêm

Công tác đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, báo chí, xuất bản, đặc biệt trên mạng internet luôn được quan tâm. Qua hoạt động của các cơ quan chức năng, đến nay, đã phát hiện 333 trường hợp ngụ tại Tây Ninh đăng tải, chia sẻ bài viết có nội dung xấu độc trên Facebook cá nhân. Ngành chức năng đã mời làm việc, vận động gỡ bài viết, yêu cầu viết cam kết, trong đó lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 262 trường hợp.

Tăng cường nguồn lực cho văn hoá

Tỉnh quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác văn hoá nhằm bảo đảm tính kế thừa và năng lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ thực tiễn đặt ra. Việc bố trí, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ngành đều được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, chọn được cán bộ lãnh đạo có đủ năng lực, phẩm chất chính trị. Hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành Văn hoá về cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, công tác.

Trong thời gian 2018-2022, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) ký thoả thuận hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch. Hiện Sở đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Trường đại học Văn hoá TP. Hồ Chí Minh mở lớp đại học chuyên ngành Văn hoá nhằm giúp Tây Ninh phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của lĩnh vực này.

Mức đầu tư cho phát triển văn hoá được quan tâm, mức chi ngân sách cho sự nghiệp văn hoá vẫn bảo đảm tăng hằng năm. Hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao được quan tâm đầu tư khá toàn diện về cơ sở vật chất, đặc biệt là thiết chế văn hoá, thể thao cấp xã, ấp và nhà văn hoá dân tộc, qua đó nâng cao về số lượng, quy mô tổ chức cũng như chất lượng hoạt động.

Trên cơ sở nguồn ngân sách chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ VH,TT&DL, tỉnh đã đầu tư trọng điểm cho các dự án lớn để thực hiện Quy hoạch bảo tồn di tích gắn với phát triển du lịch như: Di tích lịch sử và danh thắng núi Bà Đen, di tích địa điểm Chiến thắng Junction City, di tích địa đạo Lợi Thuận, đình Hiệp Ninh, đình Thái Bình, di tích lịch sử chiến thắng Tua Hai...

Việc thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, tín dụng, thuế, phí đối với các thiết chế văn hoá do khu vực tư nhân đầu tư đã được tỉnh tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi đầu tư phát triển của Nhà nước theo quy định. Riêng chính sách về cho thuê, xây dựng cơ sở vật chất tại hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao hiện gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế, chưa thu hút được được doanh nghiệp tham gia đầu tư do gặp phải một số vướng mắc tại các quy định của Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Tồn tại, hạn chế

Việc triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện trong thời gian qua có lúc, có nơi chưa thường xuyên, chưa hiệu quả. Các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong nghị quyết chưa được nhận thức đầy đủ trong tổ chức thực hiện. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong nội bộ tuy thực hiện quyết liệt nhưng vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, bị xử lý kỷ luật. Sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong giáo dục con người chưa thường xuyên, chặt chẽ.

Việc xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh chưa bảo đảm tính toàn diện, vững chắc. Tình trạng xuống cấp về đạo đức xã hội: bạo hành gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em, đạo đức nhà giáo xuống cấp, các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma tuý, cờ bạc, tín dụng đen... tuy được kéo giảm nhưng chưa được đẩy lùi toàn diện. Ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường còn hạn chế. Tình làng, nghĩa xóm chưa được phát huy đúng mức, tranh chấp trong dân có chiều hướng gia tăng.

Hiệu quả hoạt động của một số cuộc vận động trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” chưa cao. Việc xét công nhận danh hiệu gia đình văn hoá, ấp, khu phố văn hoá” có nơi, có lúc chưa đúng thực chất, còn biểu hiện chạy theo chỉ tiêu, thành tích. Hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao ở cơ sở, một số nơi hoạt động chưa hiệu quả, chưa đa dạng, phong phú, chưa khai thác hết công năng cơ sở vật chất được đầu tư.

Vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo, chủ chốt chưa thực sự nêu gương về đạo đức, phẩm chất làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân. Một số nơi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động chưa coi trọng xây dựng văn hoá công sở,  chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, khát vọng đối mới, còn biểu hiện quan liêu, xa rời quần chúng, kèn cựa, gây mất đoàn kết nội bộ. Mô hình hội văn học, nghệ thuật ở tỉnh chưa thống nhất, số lượng tác phẩm văn học, nghệ thuật ngày càng nhiều, song chưa có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.

Phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn tỉnh chưa hình thành rõ nét, nhất là việc đầu tư cho phát triển những sản phẩm dịch vụ văn hoá phục vụ du lịch. Chưa có nhiều hoạt động mở rộng hợp tác quốc tế về văn hoá. Việc quảng bá hình ảnh Tây Ninh ra thế giới còn hạn chế.

Cấp uỷ một số nơi chưa thực sự quan tâm đến các nhiệm vụ xây dựng văn hoá, con người. Công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng và phát triển văn hoá, con người Tây Ninh chưa được thường xuyên, liên tục. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW tại một số địa phương, đơn vị chưa được quan tâm thực hiện.

Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hoá, kinh doanh dịch vụ văn hoá ở một số địa phương có lúc chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực văn hoá chưa được đẩy mạnh. Giá trị các di sản văn hoá (vật thể, phi vật thể) chưa được khai thác và phát huy hết giá trị; một số di tích lịch sử - văn hoá xuống cấp nhưng chậm trùng tu, tôn tạo.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quy hoạch đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý trên các lĩnh vực văn hoá, văn nghệ chưa hợp lý; cấp uỷ, chính quyền một số nơi điều động cán bộ không có chuyên môn sang lãnh đạo, quản lý văn hoá, văn nghệ.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng làm công tác văn hoá, văn nghệ vẫn còn thiếu và yếu. Một số vị trí (đặc biệt cấp xã) chưa đúng chuyên môn được đào tạo, thường xuyên thay đổi vị trí công tác, hạn chế trong tham mưu, xử lý những vấn đề văn hoá nảy sinh. Mức đầu tư cho phát triển văn hoá chưa tương xứng với vai trò, vị trí của văn hoá trong phát triển. Một số công trình văn hoá trọng điểm của tỉnh chưa được đầu tư xây dựng (Bảo tàng tỉnh, nâng cấp Trung tâm Văn hoá tỉnh đạt chuẩn theo quy định...).

Việc thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, tín dụng, thuế, phí; chính sách về cho thuê, xây dựng cơ sở vật chất tại hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao hiện gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa hiệu quả. Một số di tích, di sản văn hoá (vật thể, phi vật thể) chưa được đầu tư đúng mức, kịp thời để khai thác, phát huy giá trị trở thành điểm đến, thu hút phát triển du lịch…

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục