Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Xây dựng lực lượng Thanh tra liêm chính, đi đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Chủ nhật: 23:51 ngày 16/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sáng 14.7, tại trụ sở Thanh tra Chính phủ diễn ra hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của ngành Thanh tra.

Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Hội nghị do ông Đoàn Hồng Phong- Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì.Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có ông Trần Văn Minh Trí- Chánh Thanh tra tỉnh, cùng đại diện Thanh tra các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, 6 tháng đầu năm 2023, toàn ngành đã triển khai 4.224 cuộc thanh tra hành chính và 94.797 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua đó đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.

Cụ thể, qua thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế 178.863 tỷ đồng (tăng 615% so với cùng kỳ năm 2022), 404 ha đất (giảm 95,8%); trong đó kiến nghị thu hồi 148.062 tỷ đồng và 9 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 30.800 tỷ đồng, 395 ha đất; ban hành 60.319 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 2.873 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 784 tập thể và 2.912 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 208 vụ, 316 đối tượng.

Trong những tháng đầu năm 2023, tình hình khiếu kiện của công dân giảm, tình trạng công dân khiếu kiện tập trung tại trung tâm thành phố, trụ sở các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương không nhiều; tình hình an ninh, trật tự cơ bản ổn định, không có tình huống phức tạp xảy ra.

Thanh tra Chính phủ đã tiếp nhận 7.136 đơn (tăng 59,2% so với năm 2022), đã xử lý 6.651 đơn, trong đó có 2.836 đơn đủ điều kiện xử lý, chiếm 39,7%. Qua xử lý đơn, đã phát hành văn bản hướng dẫn công dân và chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết. Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát 29 vụ việc khiếu nại, tố cáo.

Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã tập trung tham mưu giúp Chính phủ triển khai chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các cấp, các ngành thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thực tế, vẫn còn hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Một số cuộc thanh tra còn kéo dài khi xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra; việc thực hiện kết luận, kiến nghị về thanh tra, nhất là tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra; việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại kết luận thanh tra còn chậm.

Ngoài ra, việc tiếp công dân định kỳ của thủ trưởng một số bộ, ngành, địa phương còn chưa đầy đủ theo quy định. Công tác phân loại, xử lý đơn ở một số địa phương, đơn vị, nhất là cấp cơ sở còn có sai sót; giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo còn chậm, có trường hợp chưa đúng trình tự, thủ tục.

Một số nội dung theo kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng triển khai còn chậm; tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế.

Nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động thanh tra còn thiếu hoặc bộc lộ những hạn chế, bất cập; trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức thanh tra còn hạn chế, tinh thần, trách nhiệm chưa cao, có trường hợp vi phạm, tiêu cực; sự phối hợp, kết hợp trong công tác thanh tra có lúc, có nơi chưa chặt chẽ.

Về phương hướng và nhiệm vụ công tác trong 6 tháng cuối năm 2023, ngành Thanh tra tiếp tục thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chương trình công tác của Chính phủ, theo đúng tinh thần “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”.

Theo đó, tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2023 và các cuộc thanh tra đột xuất được giao, đẩy nhanh tiến độ ban hành kết luận thanh tra, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực liên quan đến hoạt động thanh tra. Tiếp tục theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra.

Thực hiện có hiệu quả Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 ngày 7.10.2022 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tập trung xây dựng báo cáo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023 trình Quốc hội khoá XV tại kỳ họp thứ 6.

Phương hướng, nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm cần tăng cường quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng, triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Tiến hành thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Tiếp tục thực hiện xác minh tài sản, thu nhập năm 2023 theo kế hoạch; ban hành báo cáo kết quả xác minh tài sản, thu nhập năm 2022. Tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 3.1.2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản.

Thủ trưởng cơ quan thanh tra các cấp gương mẫu thực hiện, quán triệt công chức thanh tra trong xử lý công việc cần phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó; đồng thời, thường xuyên đôn đốc, đánh giá, kiểm tra, giám sát đến kết quả cuối cùng.

Trong quá trình diễn ra hội nghị có 9 ý kiến phát biểu tham luận từ các điểm cầu, nội dung chủ yếu tập trung vào chất lượng thanh tra, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Luật Thanh tra đã có hiệu lực, kiến nghị cần sớm ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành; phục hồi các dữ liệu trên phần mềm, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc về giải quyết khiếu nại, tố cáo để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra các cấp; vấn đề kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản… Trong đó, có một số nội dung được Thanh tra Chính phủ trả lời luôn tại hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến, ông Đoàn Hồng Phong- Tổng Thanh tra Chính phủ đánh giá cao kết quả thanh tra đạt được trong 6 tháng đầu năm; các ý kiến phát biểu tham luận sâu sát với thực tế, những kinh nghiệm thanh tra đạt hiệu quả cao, chất lượng; nêu ra những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong công tác thanh tra.

Theo ông Đoàn Hồng Phong, trong 6 tháng cuối năm, toàn ngành Thanh tra cần tập trung đẩy nhanh tiến độ và chất lượng thanh tra. Tổng Thanh tra Chính phủ nhắc nhở phòng ngừa chung, các đoàn thanh tra trong quá trình thực thi công vụ thì không được ăn uống, ngủ nghỉ theo lời mời của đối tượng thanh tra và cơ quan được thanh tra; không được nhận “quà” dưới mọi hình thức.

Tập trung triển khai Luật Thanh tra 2022 và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật, nhất là các nội dung mới về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ cơ quan Thanh tra các cấp; tiếp tục củng cố và xây dựng tổ chức thanh tra tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực, xây dựng lực lượng cán bộ thanh tra chuyên nghiệp, kỷ cương, trách nhiệm, liêm chính, có bản lĩnh, đi đầu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát huy tinh thần, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu và đoàn kết, thống nhất của tập thể lãnh đạo các cơ quan thanh tra.

Những nội dung mà ông Đoàn Hồng Phong lưu ý ngành Thanh tra cần quan tâm thực hiện tốt là công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, đông người. Về công tác thanh tra phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chú ý việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản của người có chức vụ, quyền hạn, vấn đề này cần phải được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định, tránh tình trạng kê khai tránh né, kê khai chưa đúng thực tế. Cần tăng cường hơn nữa công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra, nhất là về tiền, tài sản đất đai, cán bộ vi phạm.

Quốc Sơn

 

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục