Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Đó là ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Viết Thanh tại buổi làm việc với Ban cán sự Đảng, thẩm phán TAND hai cấp tỉnh vào sáng 24.5. Tham gia buổi làm việc còn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ Phạm Hùng Thái, đại diện Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh.
Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Viết Thanh phát biểu kết luận, chỉ đạo tại buổi làm việc.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Bùi Đức Xuân- Chánh án TAND tỉnh cho biết, Đảng bộ TAND tỉnh có 59 đảng viên sinh hoạt ở 6 chi bộ trực thuộc. Các TAND huyện, thành phố có chi đảng bộ cơ sở trực thuộc Huyện uỷ, Thành uỷ. TAND hai cấp tỉnh, huyện hiện có 234 đảng viên.
Trong những năm qua, Ban cán sự Đảng TAND tỉnh hoàn thành các nhiệm vụ được giao, kiện toàn tổ chức bộ máy; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức; đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, xây dựng Toà án hai cấp trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, thực hiện tốt Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp.
TAND cấp tỉnh được tổ chức 5 Toà chuyên trách gồm: Toà Hình sự, Toà Dân sự, Toà Hành chính, Toà Kinh tế và Toà Gia đình & Người chưa thành niên. Đồng thời tổ chức 2 Toà chuyên trách Hình sự và dân sự tại các đơn vị Toà án cấp huyện gồm: Hoà Thành, Châu Thành, Tân Châu, Trảng Bàng, Gò Dầu và thành phố Tây Ninh. TAND hai cấp tỉnh hiện có 268/294 biên chế, trong đó TAND cấp tỉnh có 72 người, gồm 25 thẩm phán (thiếu 6 thẩm phán). TAND cấp huyện có 196 người, trong đó có 113 thẩm phán (thiếu 24 thẩm phán).
Lực lượng cán bộ Toà án hiện không tăng mà còn phải tinh giản biên chế 10% theo quy định. TAND tối cao quy định, mỗi thẩm phán bình quân giải quyết 4 vụ/tháng, thời gian còn lại nghiên cứu, cập nhật văn bản pháp luật, nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động… Tuy nhiên, lượng án tăng nhanh, mỗi thẩm phán phải giải quyết trên dưới 10 vụ/tháng, gấp 2 đến 3 lần quy định.
Trong khi những năm gần đây, các bộ luật, luật sửa đổi, bổ sung và các hướng dẫn nhiều, tạo áp lực về thời gian cập nhật. Theo Luật Tố tụng, Thẩm phán phải giải quyết vụ án trong thời hạn nhất định. Các quy định của TAND tối cao rất nghiêm khắc trong vấn đề án quá hạn hoặc án sai sót do lỗi của thẩm phán, các thẩm phán chịu rất nhiều áp lực. Nếu chạy về số lượng sẽ ảnh hưởng chất lượng hoặc ngược lại.
Mặt khác, thu nhập của cán bộ, công chức Toà án còn thấp. Thư ký vào ngành phải từ 5 năm trở lên, phấn đấu nhiều mặt mới được bổ nhiệm thẩm phán trong khi lương thẩm phán bổ nhiệm được 2-3 năm, dưới 6,5 triệu đồng. Giải quyết xong 1 vụ án, thẩm phán được hỗ trợ 90.000 đồng. thư ký vào ngành 5 năm mức lương dưới 5 triệu đồng.
TAND hai cấp tổ chức nhiều phiên toà xét xử để rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên toà. Từ năm 2016 đến nay, Toà án hai cấp đã xét xử 670 vụ, việc (tỉnh 46 vụ, cấp huyện 624 vụ) theo tinh thần cải cách tư pháp, trong đó có 112 vụ (tỉnh 42 vụ, cấp huyện 70 vụ) có luật sư tham gia bào chữa chiếm tỷ lệ 16,7%. Về chất lượng giải quyết án, qua so sánh số liệu từ năm 2014 đến 2018, chất lượng giải quyết án được nâng cao, tỷ lệ án sai sót do lỗi của thẩm phán được kéo giảm.
Chánh án TAND tỉnh cũng cho biết, công tác phối hợp với các cơ quan tố tụng, cấp uỷ huyện, thành phố, các ban ngành liên quan thực hiện tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một số huyện chưa phối hợp chặt chẽ với Toà án trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật.
Trong 6 tháng cuối năm 2019, dự báo hoạt động của Toà án hai cấp sẽ còn nhiều khó khăn như: lượng án có thể sẽ tăng, ngành không được tuyển thêm người mà tiếp tục phải tinh giản biên chế 10%; nhiều thẩm phán nghỉ hưu, lực lượng thẩm phán mới được bổ sung từ nguồn thư ký, thì lại thiếu thư ký để bổ trợ cho công việc của thẩm phán. Nhiều thư ký xin chuyển ngành. Thẩm phán, thư ký Toà án hai cấp xin nghỉ việc vì áp lực công việc và các lý do khác.
Chánh án TAND tỉnh đưa ra các giải pháp khắc phục như: tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh; tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh sai phạm, tiêu cực của cán bộ, công chức.
Đồng thời tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án. Tiếp tục đổi mới thủ tục tranh tụng tại phiên toà theo hướng thực chất, bảo đảm dân chủ, công khai và đúng quy định của pháp luật. Hạn chế tình trạng trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung không đúng quy định của pháp luật; bản án, quyết định tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án dân sự; án quá thời hạn xét xử do lỗi chủ quan; xét xử oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm…
Bên cạnh đó, Toà án sẽ kịp thời báo cáo TAND cấp cao đối với những bản án, quyết định của Toà án vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hoặc có sai phạm cơ bản về nội dung vụ án…
Tại buổi làm việc, đoàn làm việc và các thẩm phán TAND hai cấp cũng trao đổi, phân tích một số thuận lợi, khó khăn, vướng mắc của Toà án hai cấp, nhất là vướng mắc trong việc chậm cung cấp chứng cứ của các cơ quan chức năng, địa phương.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Viết Thanh ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được của Toà án hai cấp, nhất là việc thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Bí thư Tỉnh uỷ cũng lưu ý TAND hai cấp tỉnh tiếp tục chủ động có biện pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc, nhất là vấn đề án bị huỷ, sửa; vấn đề nguồn nhân lực, trong điều kiện phải tinh giản biên chế theo chủ trương mà lượng án ngày càng tăng.
Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Viết Thanh chia sẻ những khó khăn của Toà án hai cấp, đồng thời nhấn mạnh, quá trình khắc phục khó khăn, trong điều kiện lương, thu nhập cán bộ, nhân viên toà án còn thấp, Ban cán sự Đảng TAND tỉnh, Chi uỷ toà án cấp huyện phải chú ý tạo môi trường làm việc tốt, cơ hội thăng tiến, sự đam mê nghề nghiệp của cán bộ để vượt qua những khó khăn trước mắt.
Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị lãnh đạo Toà án chú ý đến công tác xây dựng Đảng, và chú trọng việc thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4, trách nhiệm người đứng đầu, phẩm chất đạo đức người thẩm phán.
ĐỨC TIẾN