Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Trung tâm giám sát - điều hành đô thị thông minh (IOC) được đưa vào hoạt động, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo, chính quyền và nhân dân hướng đến xây dựng môi trường sống, làm việc hiệu quả, chất lượng, an toàn.
Lãnh đạo tỉnh và Tập đoàn Bưu chính viễn thông thực hiện nghi thức nhấn nút khai trương Trung tâm IOC và Cổng thông tin du lịch Tây Ninh. Ảnh: Hồng Thắm
Chiều 3.7, ông Phạm Văn Tân- Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Thanh Ngọc- Phó Bí thư Tỉnh uỷ; ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Văn Hợp- Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng ông Phạm Đức Long- Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính viễn thông và đại diện các cơ quan, ban, ngành tỉnh chính thức nhấn nút khai trương Trung tâm giám sát - điều hành đô thị thông minh và Cổng thông tin du lịch Tây Ninh.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Trung tâm giám sát - điều hành đô thị thông minh (IOC) được đưa vào hoạt động, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo, chính quyền và nhân dân hướng đến xây dựng môi trường sống, làm việc hiệu quả, chất lượng, an toàn.
Đây là một trong những đột phá của tỉnh trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trung tâm IOC là thành phần cơ bản của Trung tâm giám sát - điều hành kinh tế - xã hội tập trung của tỉnh, được vận hành với 3 chức năng chính là giám sát, điều hành và tổng hợp, đáp ứng nhu cầu điều hành đô thị thông minh của tỉnh trong tương lai.
Để Trung tâm IOC phát huy hiệu quả hoạt động, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội quán triệt một số nội dung: Hệ thống phần mềm của Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh là hệ thống mở, vì thế, hệ thống sẽ được cập nhật bổ sung thường xuyên, cung cấp ngày càng nhiều dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp.
Sau khi đưa vào khai thác những dịch vụ cơ bản, các cơ quan, đơn vị có liên quan phải bổ sung số liệu vào cơ sở dữ liệu tập trung; thường xuyên kiểm tra, đối chiếu số liệu, khai thác số liệu sử dụng vào thực tế... qua đó, phát hiện các sai sót, hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các dữ liệu hiện có là tổng hợp bước đầu từ số liệu của các cơ quan, ban, ngành tỉnh và huyện để người dân quan tâm, sử dụng nhiều hơn các dịch vụ đô thị thông minh.
Do đó, cán bộ công chức, viên chức thực thi công vụ phải cập nhật, hiệu chỉnh số liệu và làm tốt việc tiếp nhận, xử lý những phản ánh, kiến nghị, để người dân nhận thấy, chính quyền đã tiếp thu, lắng nghe và có giải pháp xử lý phản hồi kịp thời, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân đối với chính quyền.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm giám sát - điều hành đô thị thông minh có hai phòng chức năng riêng biệt gồm Phòng quản lý, vận hành và có nhân viên trực để tiếp nhận ý kiến người dân được đặt tại Trung tâm giám sát - điều hành kinh tế - xã hội tập trung, thuộc Sở TT&TT, với các thiết bị tập trung dữ liệu, phòng giám sát qua màn hình, phòng trực tổng đài. Phòng điều hành, chỉ huy đặt tại UBND tỉnh với hệ thống màn hình ghép có thể giúp lãnh đạo tỉnh theo dõi, ra lệnh chỉ huy, xử lý khi có tình huống khẩn cấp.
Ông Phạm Đức Long (thứ hai từ trái sang)- Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính viễn thông giới thiệu nền tảng công nghệ của Trung tâm IOC cho lãnh đạo tỉnh. Ảnh: Hồng Thắm
Thực hiện đúng tinh thần tiết kiệm, tránh lãng phí, giai đoạn đầu chỉ sử dụng ngân sách Nhà nước khoảng 2,2 tỷ đồng để trang bị thiết bị tại Phòng quản lý, vận hành. Phòng chỉ huy, điều hành được Tập đoàn Bưu chính viễn thông tài trợ hệ thống màn hình ghép hiển thị thông tin, trị giá trên 1 tỷ đồng.
Còn phần xây dựng nền tảng, giải pháp công nghệ, hệ thống thông tin cho Trung tâm IOC, giai đoạn đầu do doanh nghiệp hỗ trợ. Về camera để tích hợp lên IOC để phân tích, VNPT đầu tư trước một số và tích hợp với một số camera của các huyện, thành phố đã đầu tư.
Trong thời gian tới, trên cơ sở Trung tâm IOC, tỉnh sẽ triển khai tiếp Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng (SOC), các trung tâm thành phần chuyên ngành của một số sở, ngành và trung tâm GSĐH của địa phương thí điểm xây dựng đô thị thông minh.
Trúc Ly
Một số dịch vụ đô thị thông minh giai đoạn đầu:
(1) Dịch vụ phản ánh hiện trường: người dân có thể phản ánh mọi vấn đề bất cập của đô thị một cách kịp thời thông qua ứng dụng trên thiết bị di động 1022 Tây Ninh và giúp chính quyền đô thị tiếp nhận, giải quyết các bất cập nhanh chóng, chính xác và hiệu quả. Cho phép người dân theo dõi kết quả xử lý phản ánh một cách công khai và minh bạch. UBND tỉnh đã chọn đầu số 1022 làm đầu số đại diện tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân.
(2) Hệ thống giám sát, điều hành giao thông và an ninh, trật tự công cộng: Sử dụng các cảm biến camera giúp giám sát tình hình an ninh trật tự, hỗ trợ điều hành xử lý các tình huống bảo đảm an ninh trật tự của địa phương.
(3) Dịch vụ giám sát dịch vụ hành chính công: thống kê, báo cáo kết quả thực hiện công tác giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.
(4) Hệ thống báo cáo thông tin kinh tế xã hội: Tập hợp và thống kê các số liệu kinh tế, xã hội của tỉnh, hỗ trợ cho lãnh đạo UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
(5) Dịch vụ cảnh báo mạng lưới đô thị thông minh: Trong trường hợp cần thông báo cho người dân, xã hội những cảnh báo hoặc truyền thông, cơ quan chuyên môn sẽ thông qua hệ thống thông tin dịch vụ đô thị thông minh tiến hành nhập dữ liệu và các điều kiện cảnh báo.
(6) Dịch vụ giám sát môi trường: các thiết bị cảm biến môi trường được lắp đặt ở các khu sông, suối, các khu công nghiệp... Dữ liệu từ thiết bị cảm biến chuyển về sẽ được hệ thống phần mềm tổng hợp, phân tích tình hình ô nhiễm môi trường, không khí, môi trường nước...
(7) Hệ thống giám sát, bảo mật an toàn thông tin: Chủ động theo dõi, phân tích, phòng ngừa để kịp thời phát hiện, ngăn chặn rủi ro, sự cố an toàn thông tin mạng; Đồng thời hệ thống cũng giám sát tình hình lây nhiễm mã độc của các máy tính do CBCCVC của tỉnh từ tỉnh tới xã sử dụng kết nối vào mạng diện rộng (WAN) của tỉnh.
(8) Dịch vụ giám sát thông tin trên môi trường mạng: Giúp chính quyền phát hiện các thông tin tiêu cực để có các phương án xử lý và truyền thông phù hợp nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận với các thông tin chính xác, minh bạch, đồng thời giúp chính quyền có được các thông tin hữu ích phục vụ cho việc chỉ đạo, điều hành
(9) Lĩnh vực y tế: tổng hợp, thống kê, báo cáo số liệu công tác khám, chữa bệnh của hệ thống y tế công lập toàn tỉnh.
(10) Dịch vụ du lịch: Xây dựng Cổng thông tin du lịch tại địa chỉ https://dulich.tayninh.gov.vn, có đầy đủ các tính năng hữu ích cho du khách, đơn vị kinh doanh du lịch và cơ quan quản lý nhà nước.
(11) Lĩnh vực giáo dục: tổng hợp, thống kê số liệu về biến động giáo viên, học sinh, kết quả học tập... của hệ thống giáo dục trong tỉnh.
(12) Hệ thống quản lý thông tin đất đai VNPT-iLis: Hệ thống đang thí điểm tại Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Tân Châu, giúp thống kê thông tin đất đai (bản đồ thửa đất), thông tin quy hoạch đất đai và một số thống kê chuyên ngành địa chính.