Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Thứ sáu: 05:54 ngày 29/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tập trung xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, bền vững sẽ làm thay đổi nhanh bộ mặt nông thôn. Thực hiện đồng bộ giữa đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu kinh tế - xã hội gắn với phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn.

>> Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp (Xem trang 10).

Tập trung xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, bền vững sẽ làm thay đổi nhanh bộ mặt nông thôn. Thực hiện đồng bộ giữa đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu kinh tế - xã hội gắn với phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn.

Nghề mây tre lá ở Hoà Thành.  Ảnh: Hoa Liên

Hiện nay, huyện Hoà Thành đã có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Long Thành Trung, Long Thành Bắc và Long Thành Nam. Trong giai đoạn 2016-2020, huyện Hoà Thành tiếp tục tập trung hỗ trợ 4 xã còn lại là Trường Tây, Trường Hoà, Trường Đông, Hiệp Tân “cán đích”, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm, chung sức chung lòng của toàn huyện, đến nay, các xã này cơ bản hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

TĂNG CƯỜNG VẬN ĐỘNG, TẬN DỤNG NHIỀU NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ

Ngay từ cuối năm 2016, huyện Hoà Thành đã bố trí nguồn ngân sách cũng như mọi nguồn lực đầu tư, hỗ trợ các xã trong Chương trình XDNTM; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia thực hiện và tích cực hưởng ứng các phong trào: “Hoà Thành chung sức xây dựng NTM”; “Thắp sáng đường quê”; “Phát huy vai trò tôn giáo, vận động chức sắc, chức việc và tín đồ tham gia xây dựng NTM”; riêng giới nữ còn có phong trào “Phụ nữ thi đua xây dựng gia đình hạnh phúc - 5 không, 3 sạch”.

Từ đầu năm 2017 đến nay, người dân đã đóng góp trên 1,6 tỷ đồng để làm 9,015km đường giao thông; hơn 789 triệu đồng thực hiện chương trình “Thắp sáng đường quê” dọc theo 28,9km đường nông thôn; vận động xây tặng 46 căn nhà đại đoàn kết, 3 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 6 căn nhà cho người nghèo với tổng số tiền 4,23 tỷ đồng.

Trên lĩnh vực an sinh xã hội, các ngành từ huyện đến xã đã tổ chức thực hiện các chính sách, chế độ đối với người nghèo, hộ nghèo như: bảo hiểm y tế, vay vốn tín dụng, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ tiền điện, miễn, giảm học phí, giải quyết việc làm cho 1.120 lao động, thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ cho 4.377 đối tượng bảo trợ xã hội, ưu đãi  511 đối tượng người có công.

Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, công tác bình đẳng giới được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 2,29%, nhiều hộ nghèo có điều kiện vươn lên để thoát nghèo bền vững.

Cùng với phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, huyện Hoà Thành đã tập trung huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ các xã theo các nhóm tiêu chí, nguồn vốn thực hiện các công trình chủ yếu về giao thông, trường học, trạm y tế, nước sạch, nhà văn hoá… đạt gần 33,3 tỷ đồng. Riêng xã Trường Tây đã vận động tiểu thương đóng góp 3,8 tỷ đồng nâng cấp chợ Long Hải, đang tiếp tục thực hiện kế hoạch xây dựng chợ đạt chuẩn.

MỘT VÀI MÔ HÌNH SẢN XUẤT CHO THU NHẬP CAO

Trên địa bàn huyện Hoà Thành có 4.668 hộ sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản, trong đó có 3 tổ hợp tác nuôi trồng thuỷ sản, hầu hết các hộ đều có thu nhập cao. Thời gian qua, huyện tích cực vận động người dân học tập kinh nghiệm, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, đưa các giống vật nuôi hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Nhờ vậy, các mô hình nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện không ngừng tăng trưởng, phát triển bền vững.

Ông Dương Thành Tuấn (sinh năm 1976), một nông dân khởi nghiệp từ “hai bàn tay trắng” đã thành công với mô hình nuôi hỗn hợp nhiều loại cá nước ngọt trên sông Vàm Cỏ Đông (ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam).

Nói về mô hình này, ông Tuấn cho biết, năm 2005, ông bắt đầu nghiên cứu và thực hiện nuôi cá lóc, cá thác lác cườm kết hợp nuôi cá trê, cá tra bè để tận dụng triệt để nguồn thức ăn thừa. Ông Tuấn giải thích: “Mỗi bè cá tôi đặt 2 vòng, vòng trong nuôi cá lóc, cá thác lác cườm, còn vòng ngoài nuôi cá tra, cá trê.

Chỉ tính riêng cá nuôi vòng ngoài, mỗi vụ thu hoạch khoảng 20-30 tấn, đủ chi phí tiền giống và thức ăn cho cá nuôi vòng trong”. Với 16 bè nuôi cá, mỗi bè rộng 6m2, mỗi vụ ông Tuấn thu hoạch gần 100 tấn cá, trong đó riêng cá lóc, cá lóc bông được khoảng 67 tấn và khoảng 7 tấn cá thác lác cườm.

Hơn một năm nay, ông Tuấn đã đầu tư gần 3 tỷ đồng để mở rộng mô hình nuôi cá lóc bông trong ao gò tại ấp Trường Xuân (xã Trường Hoà) cho hiệu quả kinh tế cao. Tận dụng nguồn nước thuỷ lợi từ hồ Dầu Tiếng qua dòng kênh TN1 (đoạn Trường Hoà), ông Tuấn đầu tư một ao có diện tích 1.000m2 thả nuôi 35.000 con cá lóc bông giống mua từ Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp).

Sau 9 tháng, ông Tuấn thu lợi nhuận từ ao gò nuôi cá lóc bông được hơn 400 triệu đồng. Mô hình nuôi cá lóc bông trong ao gò của ông Dương Thành Tuấn đã tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên sẵn có để làm giàu, qua đó góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân tại địa phương.

Mô hình nuôi lươn không bùn trong hồ xi măng của ông Đoàn Trung Hiếu (sinh năm 1959) ở ấp Long Trung (xã Long Thành Trung) vài năm gần đây cũng cho kết quả rất khả quan, đem lại lợi nhuận khá cao.

Năm 2013, ông Hiếu triển khai mô hình nuôi lươn không bùn, sử dụng thức ăn thừa kết hợp nuôi cá trê tại nhà. Với 8 hồ xi măng, mỗi hồ rộng khoảng 12m2, ông Hiếu thả 140kg lươn giống và chăm sóc, nuôi dưỡng lươn giống thành lươn thương phẩm.

Cùng với việc nuôi lươn, ông thả thêm cá trê trong hai hồ nuôi cá, bố trí cạnh các hồ nuôi lươn với hệ thống cấp nước tận dụng nguồn nước thải ra từ các hồ nuôi lươn. Với kỹ thuật nuôi đơn giản, thức ăn cho lươn là cám thực phẩm tổng hợp cùng với cá tạp được phối trộn theo một tỷ lệ thích hợp.

Mỗi ngày cho lươn ăn một lần, sau khoảng 2 giờ thì vệ sinh hồ nuôi, nước thải cùng với thức ăn thừa từ hồ nuôi lươn sẽ là nguồn cung cấp thức ăn chính cho hồ nuôi cá trê. Với quy trình nuôi như vậy, thức ăn sẽ được tận dụng triệt để.

Sau 7 tháng, trong vụ xuất bán lươn thương phẩm đầu tiên, gia đình ông Hiếu thu lợi nhuận hơn 60 triệu đồng. Theo ông Hiếu, việc nuôi lươn trong hồ xi măng không khó, mực nước hồ khoảng 30cm đến 40cm, bên trong thả vỉ tre được đan đều nhau, trên hồ lắp mái che. Cách nuôi này giảm công chăm sóc, dễ kiểm soát đàn lươn.

Tuy nhiên, sau đợt lươn bị giảm giá vào khoảng đầu năm 2017, giá mỗi ký lươn chỉ còn 90-95 ngàn đồng/kg, gia đình ông Hiếu cùng những hộ nuôi lươn khác lâm vào cảnh khó khăn, giá con giống, thức ăn ngày càng tăng, trong khi đầu ra không ổn định.

Không chấp nhận thất bại, ông Hiếu đã mạnh dạn vay thêm vốn ngân hàng để đầu tư 2 hồ nuôi cá chạch lấu và 1 hồ nuôi 1.300 con ba ba giống.

Ông Hiếu cho biết: “Cá chạch lấu và ba ba là sản phẩm đang có giá trên thị trường. Nuôi cá chạch lấu khoảng 4 tháng là thu hoạch, giá bán cá lớn mỗi ký được 250 - 300 ngàn đồng.

Còn ba ba đến 1,5 năm mới tới lứa thu hoạch. Đây là cách “lấy ngắn nuôi dài”, vừa duy trì đàn lươn, vừa duy trì đàn ba ba. Nếu lươn có giá khoảng 130 - 140 ngàn đồng/kg, gia đình tôi sống khoẻ”.

Ao nuôi cá lóc bông trong ao gò của anh Dương Thành Tuấn .

PHÁT TRIỂN “BA TRỤ CỘT”: KINH TẾ, XÃ HỘI VÀ MÔI TRƯỜNG

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, giai đoạn 2016- 2020, huyện Hoà Thành tập trung xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, phát triển dịch vụ du lịch nông nghiệp sinh thái với bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống của nông dân; thực hiện chủ trương của tỉnh về cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, hàng hoá lớn; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng giữa hộ gia đình với các tổ chức hợp tác và doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Cũng theo nghị quyết, mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016- 2020 trên địa bàn huyện Hoà Thành có 7/7 xã đạt chuẩn NTM, cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống của dân cư nông thôn như giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã...

Để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, trong những năm tới, Hoà Thành tập trung phấn đấu phát triển bền vững theo ba trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường với những nội dung cụ thể là: thực hiện cơ cấu lại, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng và hiệu quả cao; xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn; phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực phòng - chống, giảm nhẹ thiên tai; bảo vệ và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên và môi trường bền vững. Song song với việc tập trung nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới, nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, huyện còn triển khai rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng vùng nhằm đáp ứng tiêu chí huyện nông thôn mới và quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Bên cạnh đó, các xã đã rà soát, đánh giá, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch sản xuất trong đồ án quy hoạch xã nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp của huyện, của tỉnh; bảo đảm chất lượng, phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội, quốc phòng-an ninh và tập quán sinh hoạt từng địa phương.

Hiện tại, huyện Hoà Thành đang triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ở xã Trường Tây, 2 mô hình liên kết sản xuất lúa ở Long Thành Trung và Long Thành Nam; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển mô hình chăn nuôi gà ta theo hướng nâng cao hiệu quả và áp dụng VietGAP ở 3 điểm thuộc xã Trường Đông và Trường Tây, thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn (Hợp tác xã rau an toàn Long Thành Bắc, Hợp tác xã trồng nhãn ở Trường Hoà).

Bảo tồn và phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch sinh thái; phát triển mỗi làng một nghề hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm cho sản phẩm làng nghề.

Cụ thể, huyện đã xây dựng dự án phát triển 3 nghề truyền thống: nghề mây tre, nghề mộc và nghề se nhang, đồng thời triển khai điều tra, thống kê xây dựng phát triển mỗi làng một sản phẩm theo chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm”.

Tập trung xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, bền vững sẽ làm thay đổi nhanh bộ mặt nông thôn.

Thực hiện đồng bộ giữa đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu kinh tế - xã hội gắn với phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn. Xây dựng môi trường văn hoá - xã hội lành mạnh, văn minh, dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc dân tộc; bảo vệ môi trường nông thôn, làm chuyển biến rõ nét theo hướng xanh - sạch - đẹp, quốc phòng và an ninh, trật tự xã hội được giữ vững.

Diệu Hiền - Duyên Hạnh

Tin cùng chuyên mục