BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xây dựng NTM:Có những tiêu chí khó đạt

Cập nhật ngày: 30/10/2011 - 08:05

Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIII đang diễn ra, đại biểu Trịnh Ngọc Phương- Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đã đề cập đến Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong đó đại biểu có đề xuất ý kiến là cần điều chỉnh một số tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM để phù hợp với thực trạng ở địa phương. Cụ thể là điều chỉnh tiêu chí 10 về thu nhập, tiêu chí 12 về cơ cấu lao động… Đề xuất này của Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh rất phù hợp vì nhìn lại thực tế đây đúng là những tiêu chí được đánh giá là rất khó đạt được.

Để thu nhập của người dân nông thôn bằng 1,5 lần bình quân chung là điều không dễ

Ở Tây Ninh, việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM đã được triển khai từ những tháng cuối năm 2010. Đến nay, Tây Ninh đã thống nhất chọn 25 xã nông thôn ở tất cả 9 huyện, thị để làm điểm tiến hành xây dựng NTM với mục tiêu đến năm 2015 tỉnh ta có ít nhất là 20% số xã đạt chuẩn NTM. Đây là cuộc vận động lớn nhằm thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Tuy nhiên, một trong những tiêu chí gây băn khoăn nhiều nhất là tiêu chí về cơ cấu lao động.

Theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, Tây Ninh là tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ nên có nhiều chỉ tiêu cao nhất trong tất cả các vùng trong cả nước. Trong đó, riêng về cơ cấu lao động thì Tây Ninh nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung phải đạt tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp từ 20% tổng số lao động trong độ tuổi làm việc trở xuống- trong khi tiêu chí chung là dưới 30%. Theo thống kê, trong tổng số lao động toàn tỉnh hiện nay vào khoảng 610.000 người thì số lượng lao động lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp xấp xỉ là 300.000- chiếm tỷ lệ đến gần 50% tổng số lao động và có tỷ trọng nhiều nhất trong tất cả các lĩnh vực. Riêng các xã nông thôn, tỷ lệ lao động nông nghiệp chắc chắn sẽ cao hơn bình quân cả tỉnh do số lao động làm việc lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ ít hơn ở thị trấn, thị tứ. Từ con số tỷ lệ gần 50% tổng số lao động trong toàn tỉnh, muốn giảm xuống còn dưới 20% trong vòng 5, 10 năm thì không dễ chút nào. Đây không phải là con số muốn có là được. Bởi muốn đạt được tỷ lệ dưới 20% thì lực lượng lao động nông nghiệp phải giảm đến hơn 200.000 người. Và để tạo công ăn việc làm cho số lượng lao động này phải tạo được những ngành nghề khác ngoài nông nghiệp để chuyển số lượng này sang.

Trong những năm gần đây, Tây Ninh đã tập trung phát triển nhiều khu, cụm công nghiệp và đã hình thành nhiều khu, cụm công nghiệp. Trong đó có nhiều khu quy mô lớn như Khu Liên hợp Phước Đông- Bời Lời với diện tích hơn 2.800 ha, Khu Bourbon- An Hoà với quy mô hơn 1.000 ha, đang được triển khai. Thế nhưng đến nay lực lượng lao động công nghiệp vẫn còn ở mức khá thấp- chỉ được trên dưới 100.000 người- chiếm tỷ lệ khoảng hơn 20% tổng số lao động. Trong những năm tới, các khu, cụm công nghiệp tiếp tục phát triển, chắc chắn tốc độ chuyển dịch sẽ tăng và sẽ có ngày càng nhiều lao động nông nghiệp chuyển sang công nghiệp.

Riêng lực lượng lao động lĩnh vực thương mại- dịch vụ hiện đang có hơn 180.000 người- chiếm tỷ lệ khoảng 30% tổng số lao động toàn tỉnh, trong thời gian tới cũng sẽ tăng. Tuy nhiên, số lượng lao động tăng thêm trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại- dịch vụ ở những khu vực nông thôn sẽ khó có thể đạt đến 200.000 người để chuyển lao động từ nông nghiệp sang nhằm hạ thấp tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống dưới 20% trong vòng từ 5 đến 10 năm tới. Ngoài ra, khi lực lượng lao động nông nghiệp mất đi thì phải có phương tiện thay thế để đảm bảo công việc sản xuất nông nghiệp không bị ảnh hưởng. Do đó mà song song với việc phát triển công nghiệp, dịch vụ cũng cần phải đầu tư mạnh mẽ vào công tác cơ giới hoá nông nghiệp để đủ thay thế cho 200.000 lao động nông nghiệp chuyển sang lĩnh vực khác. Việc này cũng khó có thể làm được trong vòng 5- 10 năm.

Muốn giảm lao động nông nghiệp phải tạo nhiều công ăn việc làm lĩnh vực công nghiệp

Thêm một tiêu chí rất khó đạt được nữa là tiêu chí số 10 về thu nhập. Theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM thì xã NTM phải có thu nhập bình quân đầu người đạt gấp 1,5 lần mức bình quân cả tỉnh. Qua khảo sát thực tế ở một số xã được chọn làm điểm xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh thì hầu như tất cả đều hết sức băn khoăn về tiêu chí này. Như ở xã Tân Hưng (Tân Châu), theo lãnh đạo xã cho biết, trong năm 2010 thu nhập bình quân đầu người ở xã Tân Hưng là khoảng hơn 18 triệu đồng- khá cao so với các xã nông thôn ở Tây Ninh. Nhưng nếu so với thu nhập bình quân đầu người chung cả tỉnh thì vẫn còn thấp hơn khá nhiều. Còn ở xã Trường Hoà (Hoà Thành), theo lãnh đạo xã thì hiện nay trên địa bàn xã phát triển khá nhiều diện tích cao su nên cho thu nhập bình quân đầu người khá cao. Tuy nhiên, hầu hết cao su là của những hộ ngoài xã nên nếu tính thực chất thì thu nhập bình quân đầu người của chính dân trong xã không được là bao nhiêu và thấp hơn khá nhiều so với mức bình quân chung cả tỉnh. Với thực trạng đời sống cũng như thu nhập hiện nay của người dân nông thôn, muốn đạt bằng mức bình quân chung cả tỉnh đã là khó, muốn đạt gấp 1,5 lần càng khó khăn hơn. Để thực hiện được tiêu chí này, ngoài sự phấn đấu cá nhân từng hộ gia đình nông thôn, sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước trong việc tạo điều kiện cải thiện công ăn việc làm thì thời gian để nâng cao thu nhập là yếu tố hết sức cần thiết. Và thời gian để đạt được mục tiêu này không thể chỉ trong vòng 5 năm.

Như vậy, qua thực tế cho thấy vẫn còn không ít chỉ tiêu rất khó có thể đạt được trong thời gian quy định của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM- không chỉ ở Tây Ninh mà còn trên phạm vi cả nước. Hy vọng qua đề xuất của Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh, Chính phủ sẽ xem xét và có sự điều chỉnh lại một số tiêu chí cho phù hợp với thực trạng ở nhiều địa phương, góp phần xây dựng thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về NTM.

Sơn TrẦn

 

 

 


 
Liên kết hữu ích