Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Xây dựng NTM: Đến năm 2015, phấn đấu xây dựng 54 xã có HTX hoặc Tổ hợp tác nông nghiệp hoạt động hiệu quả
Thứ ba: 05:56 ngày 03/01/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đến nay có 89 HTX với 71 HTX hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, vận tải, vệ sinh môi trường và 18 quỹ tín dụng nhân dân, thu hút hơn 30.700 xã viên.

(BTNO) – Theo UBND tỉnh, giai đoạn 2006 – 2010, khu vực kinh tế tập thể của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, hợp tác xã (HTX) tăng cả về chất lẫn lượng, lĩnh vực hoạt động ngày càng phong phú, đa dạng. Có 4.265 tổ hợp tác với 66.953 thành viên; 98 HTX với 26.513 xã viên. Tỷ trọng kinh tế tập thể trong tổng sản phẩm của địa phương đạt 3,25%. Riêng năm 2011, thành lập mới 05 HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp, giải thể 06 HTX. Luỹ kế đến nay có 89 HTX với 71 HTX hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, vận tải, vệ sinh môi trường và 18 quỹ tín dụng nhân dân, thu hút hơn 30.700 xã viên.

Các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu thực hiện một số dịch vụ vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm, cơ giới hoá nông nghiệp và dịch vụ thuỷ lợi nhằm hỗ trợ hộ gia đình phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Có 02 HTX được xem là điển hình tiên tiến trong phong trào phát triển kinh tế tập thể, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và xây dựng quan hệ sản xuất mới ở nông thôn là HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến (xã Suối Ngô, huyện Tân Châu) và HTX nông nghiệp Tân Long (xã Phan, huyện DMC). Tuy nhiên, phần lớn các HTX nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn sản xuất, thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh yếu so với các thành phần kinh tế khác. Nhiều HTX nông nghiệp hoạt động kém hiệu quả, chưa thu hút được xã viên, vi phạm Luật HTX và phải giải thể theo quy định.

Phần lớn các HTX nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn sản xuất, thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh yếu so với các thành phần kinh tế khác.

Về tổ hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp, hiện có 3.483 tổ hợp tác, được thành lập chủ yếu đáp ứng nhu cầu của các thành viên trong việc phát triển sản xuất, gồm các tổ liên kết sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi), đường nước, vay vốn…

Về kinh tế trang trại, hiện toàn tỉnh có 2.411 trang trại, trong đó có 728 trang trại trồng cây hằng năm (chiếm 30,2%), 1.259 trang trại trồng cây lâu năm (chiếm 52,2%), 244 trang trại chăn nuôi (chiếm 10,1%) và 180 trang trại tổng hợp (chiếm 7,5%). Các trang trại phát triển ổn định với diện tích đất sản xuất 23.453ha (bình quân 9,7ha/ trang trại) và thu hút hơn 32.200 lao động.

Đánh giá theo tiêu chí 13 về hình thức tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, Tây Ninh vẫn chưa đạt. Để đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn, Dự thảo Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 của UBND tỉnh nhấn mạnh yêu cầu các xã xây dựng nông thôn mới phấn đấu đến năm 2015, có 65% số xã đạt chuẩn (54 xã có HTX hoặc Tổ hợp tác nông nghiệp hoạt động có hiệu quả), và đến năm 2020 có 75% số xã đạt chuẩn (62 xã có HTX hoặc Tổ hợp tác nông nghiệp hoạt động có hiệu quả).

Để đạt được mục tiêu đó, UBND tỉnh cho rằng cần phải khuyến khích các tổ chức, cá nhân tăng cường đầu tư vốn phát triển kinh tế hợp tác, trang trại; đồng thời hỗ trợ thành lập mới các mô hình kinh tế hợp tác gắn với tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương nhằm thu hút thêm nhiều xã viên vào các HTX, tổ hợp tác trong nông nghiệp. Vận động các hộ dân trên địa bàn tham gia các hình thức kinh tế tập thể hoặc sử dụng dịch vụ của các HTX, tổ hợp tác. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho các đối tượng thuộc ban quản trị, ban kiểm soát, kế toán, các chức danh chuyên môn trong HTX và tổ trưởng các tổ hợp tác trong nông nghiệp. Đến năm 2015, tỷ lệ cán bộ quản lý HTX đã qua đào tạo, bồi dưỡng trình độ sơ cấp và trung cấp đạt 20% trở lên.

Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn, từ kinh tế hộ gia đình lên trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp, HTX… tăng năng suất lao động và thu nhập hộ nông nghiệp. Mở rộng hợp đồng tiêu thụ nông sản, phấn đấu đến năm 2015 có 60%, năm 2020 có 95% sản phẩm tiêu thụ thông qua các hợp đồng kinh tế ổn định.

Xây dựng chính sách thúc đẩy liên kết kinh tế giữa các loại hình kinh tế ở nông thôn như Liên hiệp HTX cùng ngành nghề, liên tổ hợp tác, liên kết doanh nghiệp với HTX, tổ hợp tác…

P.L

  

            

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục