Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ths. Nguyễn Thu Hương- giảng viên Khoa Văn hoá học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đã có những đề xuất trên nhằm thu hút và quảng bá thương hiệu cho tỉnh Tây Ninh tại hội thảo khoa học “Nhận diện bản sắc văn hoá và truyền thống gia đình tỉnh Tây Ninh” diễn ra hôm 28.4 vừa qua.
Hồ Dầu Tiếng- một địa điểm tiềm năng thu hút khách du lịch (Ảnh: Hà Thế Bảo)
Để xây dựng được thương hiệu cho tỉnh Tây Ninh, đầu tiên cần xác định nhóm khách hàng mục tiêu mà tỉnh muốn hướng đến, xây dựng một bộ tiêu chí nhận diện thương hiệu tỉnh hoàn chỉnh, công phu, nêu bật được những đặc trưng riêng của tỉnh.
Nhật Bản và câu chuyện xây dựng thương hiệu địa phương
Ths. Hương thông tin, việc xây dựng thương hiệu cho một địa phương tại Nhật Bản không phải là quá trình diễn ra một sớm một chiều mà trải qua một quá trình lâu dài trong lịch sử. Đầu tiên là hiểu được các giá trị lâu đời về văn hoá, truyền thống, lịch sử của địa phương để có thể lưu giữ, đây chính là phần linh hồn, cốt lõi của điều làm nên thương hiệu của một địa phương. Tiếp đến, họ xây dựng và hoàn thiện các hệ thống nhận diện một địa phương qua những đặc trưng riêng có của địa phương đó. Cuối cùng là công tác quảng bá và sử dụng các công cụ quảng bá hình ảnh địa phương đến dân chúng thông qua rất nhiều các hoạt động khác nhau.
Nhật Bản có 47 tỉnh, thành và mỗi tỉnh, thành đều đi tìm cho mình một nhận diện thương hiệu riêng: 47 tỉnh, thành đều có logo riêng, có hệ thống các di tích lịch sử, địa điểm lưu trú, danh nhân văn hoá, có loài hoa riêng, những loài động-thực vật khác nhau. Bên cạnh đó là các tác phẩm văn học nghệ thuật, hội hoạ từ truyền thống đến hiện đại riêng về địa phương đó mà ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận thông qua trang web của tỉnh.
Hệ thống bảo tàng cũng được xây dựng rất bài bản và hiện diện ở rất nhiều nơi và là địa điểm tham quan học hỏi của học sinh sinh viên và người dân trong vùng, thông qua đó giáo dục cho các em tình yêu quê hương đất nước và hiểu biết sâu sắc về bản sắc địa phương mình. Hệ thống giáo trình riêng cũng cho phép các địa phương sáng tạo và đưa vào nội dung học tập những yếu tố lịch sử, địa lý, văn hoá của địa phương.
Bên cạnh đó, mỗi một địa phương thiết kế một logo riêng và sẽ đăng ký một loạt các nhận diện riêng đặc trưng của từng địa phương, mỗi địa phương, mỗi tỉnh, thậm chí mỗi thành phố, quận sẽ có loài hoa, loài chim… đại diện riêng cho tỉnh mình. Thử tham khảo trường hợp trang web của tỉnh Shizuoka- nơi được biết đến với ngọn núi Phú Sĩ linh thiêng và trở thành biểu tượng của đất nước Nhật Bản trên thanh công cụ Google với từ khoá “ ” (tỉnh Shizuoka) bằng tiếng Nhật chúng ta sẽ có 503 triệu kết quả sau chưa đầy 1 giây.
Và trang web giới thiệu về tỉnh sẽ hiện lên ngay trang đầu tiên, bên cạnh những thông tin về virus Corona là những thông tin liên quan đến các điểm du lịch mà du khách nên tham quan. Cũng có thể dễ dàng tìm ra trang web tiếng Anh khi tìm hiểu thông tin về nơi này bằng từ khoá tiếng Anh. Với từ khoá là “Tây Ninh” sẽ có 167 triệu kết quả và những tin bài hàng đầu lại là những thông tin không mấy khả quan và thân thiện với du khách đã và đang diễn ra tại Tây Ninh.
Bên cạnh đó là chương trình quản lý điểm đến do hàng trăm doanh nghiệp trên khắp cả nước thực hiện, những đơn vị này có nhiệm vụ quản lý chiến lược và tiếp thị các điểm đến du lịch, liên kết với những đơn vị cung cấp dịch vụ. Thông tin quảng bá về các đặc trưng khác biệt của địa phương đối với du khách, giúp thu hút nhiều du khách hơn đến với các địa phương.
Những thông tin của từng địa phương được công bố rõ ràng, ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu khiến du khách dễ dàng tra cứu và tìm hiểu về địa phương cũng là cách người Nhật giúp quảng bá về địa phương mình đến với du khách nhanh hơn. Nhất là với xu hướng khách du lịch ngày nay tìm kiếm thông tin chủ yếu qua mạng internet.
Những thông tin về những địa điểm cần tham quan, sản vật cần mua sắm hay danh lam thắng cảnh của từng địa phương có thể dễ dàng tìm kiếm bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau trên trang thông tin của Cơ quan Xúc tiến du lịch Nhật Bản JNTO (Japan National Tourism Orgnization); hoặc qua các trang web do các tổ chức quản lý điểm đến xây dựng. Các tờ rơi giới thiệu về các điểm du lịch cũng được phát rộng rãi ở tất cả các nhà ga cũng là cách để người Nhật hay du khách dễ dàng tiếp cận thông tin về du lịch địa phương.
Ý tưởng mới để phát triển du lịch tỉnh nhà
Ths. Hương chia sẻ thêm, điều đầu tiên khiến du khách đến với Tây Ninh chính là địa danh du lịch tâm linh nổi tiếng: một là Toà thánh Cao Đài và cộng đồng cư dân nơi đây, hai là núi Bà Đen và hiện nay là hệ thống cáp treo mới xây dựng cùng hình tượng Phật Bà Quan Âm trên núi Bà Đen cũng là điểm nhấn mà Tây Ninh muốn hướng đến du khách trong thời gian tới. Tây Ninh cũng được biết đến với bánh canh Trảng Bàng, bánh tráng và muối tôm...
Tuy nhiên, rất nhiều sản vật đặc trưng khác của địa phương như bò tơ, di sản văn hoá Óc-eo, mãng cầu... thì lại rất ít du khách biết đến hoặc có hứng thú hoặc mua sắm. Bên cạnh đó là hệ thống các sản phẩm lưu niệm giới thiệu được cảnh đẹp của quê hương hay những vật phẩm lưu niệm tâm linh có tính đặc trưng riêng của tỉnh lại chưa được xây dựng bài bản, quy mô và đa dạng.
Khi hỏi về đặc trưng riêng của tỉnh Tây Ninh và những bài hát, bài ca, sáng tác văn học nghệ thuật của tỉnh nhà thì nhiều người không biết hoặc trả lời là nhiều lắm nhưng chưa được đưa vào khai thác. Chính vì không hiểu đặc trưng của địa phương và không có sự kết nối giữa các bộ phận khác nhau trong cùng một tỉnh mà sản phẩm văn hoá chúng ta làm ra chưa có tính đặc sắc, riêng biệt, sáng tạo và độc đáo. Và trong một thế giới phẳng như hiện nay, nếu không có sự độc đáo, khác biệt và sáng tạo thì không thể tồn tại được.
Bà Hương phân tích, bài toán đặt ra là chúng ta cần có một cuộc xây dựng mang tính tổng thể từ phía nhà nghiên cứu, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cùng với sự tham gia của người dân để xây dựng được bộ nhận diện thương hiệu của tỉnh Tây Ninh dựa trên những thế mạnh hiện có của tỉnh, từ đó phổ biến rộng rãi trong dân chúng và cho thiết kế trên tất cả các phương tiện trên bộ tiêu chí nhận diện đó và áp dụng tổng thể cho tất cả các lĩnh vực với tính đồng bộ.
Tạo nên những sản phẩm độc đáo mà chỉ Tây Ninh mới có hoặc phải đến Tây Ninh mới có thể mua được dẫn đến sự thu hút du khách đến với tỉnh nhà, hoặc có những sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại tất cả các nhà ga, sân bay quốc nội quốc tế theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.
“Muốn xây dựng được định vị thương hiệu cho tỉnh Tây Ninh trước tiên cần phải hiểu được phân khúc khách hàng nào là người đã và đang đến Tây Ninh, mối quan tâm của họ là gì và để thu hút được nhóm khách hàng, mục tiêu tỉnh Tây Ninh cần phải chú trọng vào điều gì? - bà Hương gợi ý thêm.
Trong báo cáo “Kết quả điều tra thông tin khách du lịch năm 2020 tỉnh Tây Ninh” do Cục Thống kê Tây Ninh thực hiện từ ngày 9.2.2020 đến ngày 5.10.2020, ở những thời gian có tính cao điểm và thấp điểm đối với đối tượng là 3.000 khách du lịch cả quốc tế và nội địa đã cho kết quả như sau: cơ cấu khách đến Tây Ninh chủ yếu là khách các tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, với tỷ lệ 98,5% phần lớn là khách từ trung niên trở lên (35 tuổi trở lên); các đối tượng trẻ (từ 15-34 tuổi) chiếm tỷ lệ khá thấp.
Trong khi đó, lượng du khách nước ngoài đến với Tây Ninh còn chưa cao và mối quan tâm cũng hoàn toàn khác biệt, tuy nhóm khách này mang lại lợi ích nhiều hơn về nguồn thu cho tỉnh. Nếu như khách du lịch nội địa sử dụng chủ yếu nguồn thông tin là từ người quen và chỉ du lịch dạng ngắn ngày và chủ yếu du lịch tâm linh tại Tây Ninh, thì du khách quốc tế lại quan tâm đến cơ hội thương mại và tham quan nghỉ dưỡng.
Khách nước ngoài cũng sử dụng công cụ tìm kiếm thông tin trên internet, do đó để thu hút được lượng du khách này, tỉnh Tây Ninh cần chú trọng xây dựng hình ảnh của tỉnh trên không gian mạng bằng nhiều thứ tiếng khác nhau tương ứng với lượng du khách thuộc quốc gia mà tỉnh muốn nhắm đến.
Các điểm đến du lịch khác tại Tây Ninh như Khu du lịch Long Điền Sơn, Khu di tích lịch sử Cách mạng miền Nam, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát hiện tại chưa được nhiều du khách biết đến và vẫn chưa khai thác được hết công suất sử dụng.
Ths. Hương đề xuất, tỉnh cần xây dựng hệ thống linh vật cho tỉnh và hệ thống này sẽ hiện diện trên tất cả các phương tiện truyền thông. Linh vật đó có thể mang yếu tố núi Bà Đen hoặc Toà thánh Tây Ninh vì đây chính là hai điểm đặc trưng đầu tiên khi du khách nghĩ về Tây Ninh.
Hoàn thiện hơn nữa hệ thống sản phẩm đại diện cho địa phương, chú ý tính đa dạng về mẫu mã, chủng loại và hệ thống câu chuyện đi kèm với mỗi sản phẩm sẽ giúp nâng cao giá trị của sản phẩm đến với người tiêu dùng.
Tiến hành quảng bá thương hiệu cho Tây Ninh trên nhiều kênh thông tin khác nhau, đặc biệt chú trọng đến không gian số, internet và các phương tiện hiện đại khác chứ không chỉ trên báo chí, sách hay truyền hình như cách làm truyền thống trước đây. Chú trọng hình ảnh của tỉnh hiện ra trên thanh tìm kiếm của những công cụ phổ biến- chẳng hạn như Google, phải làm sao để những thông tin hàng đầu hiện ra là thông tin giới thiệu về đặc trưng địa phương và điểm du khách cần đến.
Thanh Hà