Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Xây dựng thương hiệu nông sản
Thứ năm: 08:51 ngày 11/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 90% nông sản của Việt Nam hiện vẫn xuất khẩu dưới dạng thô với giá thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác.

Ðáng chú ý, có đến hơn 80% nông sản chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có lô-gô, nhãn mác, buộc phải bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Số liệu thống kê của Cục Sở hữu công nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho thấy, trong hơn 90 nghìn thương hiệu hàng hóa các loại được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam thì mới có khoảng 15% là của doanh nghiệp trong nước. Ðây là một bất lợi lớn, khiến sức cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường yếu và phải chịu nhiều thiệt thòi.

Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do ý thức xây dựng chiến lược thương hiệu của các doanh nghiệp kinh doanh nông sản còn rất hạn chế. Doanh nghiệp chưa thấy rõ vai trò và ý nghĩa của việc xây dựng cũng như bảo vệ thương hiệu nông sản, cho nên chỉ "mạnh ai nấy làm", chưa có sự hợp tác, đồng thuận. Trong khi đó, những điều kiện để xây dựng thương hiệu cũng chưa được hoàn thiện đối với hầu hết các mặt hàng nông sản, như: sản phẩm phải có khối lượng đủ lớn và ổn định, chất lượng đồng đều, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; giá bán cạnh tranh; tổ chức kênh phân phối hài hòa lợi ích, hợp lý với tất cả các chủ thể tham gia. Còn hiện nay, ngay cả những nông sản chủ lực như gạo, thủy sản, cà-phê,... vẫn loay hoay với bài toán quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung và vấn đề chất lượng.

Ðã qua rồi giai đoạn "hữu xạ tự nhiên hương", hiện nay, chất lượng nông sản không chỉ là truyền miệng, là cảm nhận, mà quan trọng hơn, sản phẩm phải được bảo đảm bằng nhãn mác, bao bì, lô-gô, nguồn gốc xuất xứ… Chính vì vậy, việc đăng ký nhãn hiệu độc quyền, xây dựng thương hiệu trở nên cấp bách nếu muốn người mua tin dùng. Việc này, bản thân người nông dân không thể làm được mà cần nhất là vai trò chủ lực của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần phối hợp nông dân trong xây dựng thương hiệu nông sản, liên kết thực hiện đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, nhất là kiểm soát chất lượng sản phẩm. Ðồng thời, các doanh nghiệp cũng cần "bắt tay" nhau, cùng đầu tư khoa học - công nghệ, từng bước hạn chế xuất khẩu thô, chuyển dần sang chế biến, xuất khẩu tinh nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, từ đó tạo thương hiệu bền vững.

Để tiếp sức cho hành trình đó, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Chương trình phát triển thương hiệu nông sản chủ lực đến năm 2020, trong đó đề xuất tập trung vào năm mặt hàng có thế mạnh là xoài, thanh long, chè, cà-phê và cá tra. Bên cạnh đó, với mặt hàng gạo, Bộ đã phát động cuộc thi sáng tác biểu trưng (lô-gô) thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận. So với nhiều quốc gia xuất khẩu nông sản trên thế giới, chúng ta đã đi chậm nhiều bước trong việc xây dựng thương hiệu, nhưng muộn còn hơn không, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Với định hướng này, hy vọng thời gian tới, các bộ, ngành chức năng sẽ có những chính sách hợp lý để doanh nghiệp và nông dân hoàn thiện các điều kiện xây dựng thương hiệu, từ đó có cơ hội mở rộng ra đối với nhiều mặt hàng nông sản khác.

Nguồn Báo Nhân dân

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục