Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Lắp thêm đèn hông và nóc cho xe tải để giảm thiểu nguy cơ tai nạn nhưng lại bị xử phạt đến một triệu đồng.
Nghị định 100/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt mới được ban hành và áp dụng trên toàn quốc. Theo đó, tại điểm a, khoản 3, điều 16 của Nghị định này quy định xử phạt từ 800.000 đến một triệu đồng đối với hành vi: "Điều khiển xe lắp thêm đèn phía trước, phía sau, trên nóc, dưới gầm, một hoặc cả hai bên thành xe". Bên cạnh số tiền bị xử phạt thì người điều khiển phương tiện còn bị tước giấy phép lái xe từ một đến ba tháng.
Là một người tài xế tôi xin nói lên sự bất hợp lý trong điều khoản xử phạt này. Trong thời gian gần đây có rất nhiều phương tiện độ thêm đèn LED phía trước với mục đích trợ sáng khi lưu thông, nhưng do cường độ ánh sáng quá cao và cách lắp đặt hơi cẩu thả đã gây chói mắt cho người điều khiển phương tiện ngược chiều, chính tôi cũng rất bức xúc và luôn hy vọng cơ quan chức năng sẽ sớm có chế tài xử phạt hành vi nguy hiểm này.
Hệ thống đèn bên hông giúp lái xe dễ dàng quan sát chướng ngại vật và cảnh báo các phương tiện khác.
Cũng có một vài phương tiện lắp thêm đèn chóp nhấp nháy phía sau xe làm khó chịu cho tài xế khác từ sau tới, thậm chí còn tồi tệ hơn khi phải bám sau đuôi xe đó trong một thời gian dài do tình trạng kẹt xe, tài xế xe phía sau cứ phải nhìn chăm chăm vào nó, rất dễ gây ảo giác. Tôi có lần đi phía sau lưng xe CSGT cũng từng bị cây đèn chóp ưu tiên trên nóc xe cảnh sát gây loạn thị, vì hệ thống đèn này cũng chuyển qua đèn LED, chớp xẹt liên tục, chói mắt vô cùng.
Với đèn bên hông thì khác (hay còn gọi là đèn hai bên thành xe), hệ thống đèn hông giúp giới tài xế dễ dàng canh đường khi xe cặp sát chướng ngại vật bên hông vào ban đêm hoặc là để canh lề khi cho xe đậu sát mép đường. Với chiếc xe dài cả chục mét, khi nhìn vào kính chiếu hậu chỉ thấy một màu đen thui thì làm sao tài xế có thể điều khiển cho an toàn được.
Một công dụng khác của đèn hông là khi xe tài xế quay đầu xe sang đường nó sẽ tạo ánh sáng cảnh báo cho các xe đang lưu thông phát hiện thấy và giảm tốc độ. Tưởng tượng xem nếu như không có đèn hông, một chiếc xe tải đen thui nằm vắt vẻo ngang đường, cứ "xào tới, xào lui" trong đêm tối thì điều gì sẽ xảy ra.
Hầu hết tất cả xe tải và ôtô khách đều có lắp thêm đèn hông để đảm bảo an toàn, tài xế sẽ gặp khó khăn khi thiếu ánh đèn này khi điều khiển phương tiện. Tôi xin nhấn mạnh rằng đèn hông không hề gây chói mắt cho bất cứ ai cùng lưu thông trên đường.
Đối với đèn nóc, cần phân biệt đèn nóc để báo hiệu và đèn nóc để trợ sáng. Đèn nóc để báo hiệu thường được lắp trên nóc xe tải, ôtô khách báo hiệu cho phương tiện ngược chiều biết là có xe đang đỗ lại, không được vượt, không được lấn làn. Có rất nhiều trường hợp tài xế non kinh nghiệm khi phân tích đèn xe ngược chiều nên cứ ngỡ hai ánh đèn vàng (đèn lái) đang chạy ngược lại là hai chiếc xe máy đang chạy song song với nhau rồi tiến hành lấn đường, gây hậu quả nghiêm trọng. Tôi cũng xin nhấn mạnh là đèn nóc báo hiệu không hề gây chói mắt.
Đèn nóc cảnh báo khác với đèn nóc trợ sáng.
Về đèn nóc trợ sáng tôi cũng rất bức xúc, có nhiều phương tiện lắp hệ thống đèn LED dài 6 tấc pha thẳng về trước, do lắp ở trên cao nên chiếu ngay vào mắt, gây mù cho tài xế ngược chiều.
Trên đây là tâm tư của người tài xế đối với điều khoản xử phạt được cho là quá bất hợp lý - xấu tốt đều bị bắt. Thay mặt giới tài xế, tôi hy vọng cơ quan chức năng chỉnh sửa lại quy định này để cho phù hợp với điều kiện tham gia giao thông, giúp an toàn cho người điều khiển và người cùng tham gia giao thông.
Nguồn VNE