BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xem Triển lãm mỹ thuật miền Đông

Cập nhật ngày: 25/08/2011 - 11:36

Quả có hơi bị “choáng” khi bước vào triển lãm Mỹ thuật miền Đông lần thứ 16, năm 2011. Mặc dù Nhà thi đấu đa năng Bình Phước có rộng và cao, nhưng tất cả sắc màu, hình khối đã chan chảy trên các bức tường bên dưới. Ngay ở gian sảnh rộng, đã chang chói những màu sắc Nam Tây Nguyên qua những hình tượng múa cồng chiêng và cong vút cần rượu trong một bố cục đẹp về lễ hội. Bên cạnh là ấm nóng một vũ điệu sơn mài thiếu nữ. Đấy là gian của đội chủ nhà với rất nhiều phong cách đan xen.

Vào giữa lòng nhà rộng thênh thang, còn bị “choáng” hơn nữa bởi những khối hình, màu sắc. Tranh kích thước lớn năm nay có ít hơn các kỳ triển lãm trước- từng có những bức dài 4- 5 mét. Nay, cũng vẫn sơn mài nhưng tranh của Nguyễn Quang Sơn (Đồng Nai) người từng đoạt giải A năm trước chỉ  có kích thước 1 x 1,5 mét. Tranh của Phạm Mùi (Đà Lạt) đạt kỷ lục tối đa cũng chỉ 1,7 x 1,7 mét. Dù vậy, thì phong cách đa dạng, phối màu nhuần nhuyễn hoặc lạ mắt vẫn lôi cuốn người xem từ góc này sang góc khác của phòng tranh. Một số tác giả vẫn giữ nguyên phong cách của các lần triển lãm trước, dĩ nhiên có mới mẻ hơn về ý tưởng hoặc trau chuốt hơn về đường nét, hình khối, sắc màu. Tác phẩm của Đàng Năng Thọ (Ninh Thuận) với chân dung thiếu nữ bằng gốm Chăm luôn luôn độc đáo, hay Chế Thị Kim Trung với vũ điệu Chăm, nóng và tươi rói gam màu. Lâm Đồng có K’ Minh Tuấn với các tượng gỗ Ay ray Ê đê, hoặc Đi hội buôn Liêng Sa Rôn. Trai Hà Nội chính hiệu nhưng K’ Minh Tuấn luôn đắm đuối với bản sắc Tây Nguyên qua những tượng tròn, có cả đường nét dân gian bản địa và khối hình hiện đại. Say mê đến nỗi anh đã vô tình chặt đứt một ngón tay khi tạc tượng. Vậy mà vẫn cắm cúi lao động miệt mài. Để vừa rồi, anh có cả một triển lãm tượng riêng tại Festival biển miền Trung. Tác phẩm “Đi hội buôn Liêng Sa Rôn” của anh đoạt giải C của triển lãm kỳ này, trong khi Đặng Văn Thức (Tây Ninh) đoạt giải B với tranh khắc gỗ phong cảnh và Trần Chí Lý (Đồng Nai) giải A.

Một góc phòng tranh

Đặng Văn Thức vẫn trung thành với phong cách lâu nay của anh nhưng lần này, tranh của anh vừa có kích thước lớn, lại vừa có lối vẽ bạo liệt phóng khoáng hơn nên dù chỉ là một tranh “đen trắng” vẫn được hội đồng nghệ thuật đánh giá cao. Điều này cho thấy Đặng Văn Thức đã đạt đến độ “chín tới” về nghệ thuật tranh khắc gỗ. Người xem tranh Tây Ninh vẫn còn hy vọng ở anh trong chất liệu màu bột hoặc sơn dầu.

Trần Chí Lý giải A với “Mùa biển lặng” đạt đến độ hoàn thiện cao trong một bố cục sơn dầu những cô gái ngư dân vùng biển. Da nâu, mắt sáng, bàn chân, bắp tay chắc khoẻ nằm khuôn trong vành thuyền thúng đã tạo nên một vẻ đẹp lành mạnh thật đáng ngợi ca trong cả đời thực và nghệ thuật. Nhiều năm không có giải A, năm nay hội đồng nghệ thuật đã rất yên tâm và vui vẻ trao giải A cho tác phẩm này.

Trong cuộc hội thảo về triển lãm với hoạ sĩ các tỉnh thành, ai cũng thừa nhận tranh miền Đông lần này đã có tiến bộ vượt bậc. Xem tranh có thể nhận rõ nhiều góc độ của chân dung đất nước, cả từ quá khứ xa xưa cho tới các sinh hoạt cộng đồng, hoặc tâm trạng cá nhân thời hiện tại. Hình như chưa ai nói đến chủ đề, hay đề tài tác phẩm. Thế nhưng rất dễ nhận ra, triển lãm lần này thiếu vắng các đề tài đương đại. Trong khi các loại “ký ức” lại có nhiều với các ký ức tuổi thơ hoặc chiến tranh. Ngay Tây Ninh, cũng chỉ có một bức duy nhất về người lao động là “Ngày mai ra khơi” của Nguyễn Tấn Phát mà thôi! Đây chính là điều đáng băn khoăn không chỉ với mỹ thuật mà còn với nhiều loại hình văn học nghệ thuật khác. Biết rằng, văn học nghệ thuật bao giờ cũng cần một khoảng lùi nhưng đợi đến bao giờ đây, để hơi thở nóng hổi của cuộc sống đương đại mới tràn vào tác phẩm?

NGUYỄN QUANG VĂN