BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xem xét chính sách lương đặc thù ngành Bảo hiểm Xã hội

Cập nhật ngày: 14/10/2011 - 11:20

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội phải đồng bộ với các luật khác; vừa đảm bảo thu nhập cho người lao động, vừa đảm bảo mục tiêu toàn dân được tham gia bảo hiểm và nâng cao chất lượng của bảo hiểm.

Tại phiên họp thứ 3 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 14.10, Chính phủ đề nghị các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm đảm bảo ổn định thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức của ngành Bảo hiểm Xã hội, giúp ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Những bất cập cần được điều chỉnh

Theo Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bảo hiểm Xã hội là tổ chức sự nghiệp nhưng hiện chi phí hoạt động các quỹ bảo hiểm thì được áp dụng như chi phí quản lý của cơ quan hành chính, gây bất cập trong chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức trong ngành. Chi phí hoạt động được Bảo hiểm xã hội trích ra từ tiền sinh lời khi bảo toàn các quỹ bảo hiểm.

Khi Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực năm 2007 đến nay, Bảo hiểm xã hội đã tiết kiệm chi phí hoạt động để bổ sung vào tiền lương, giúp bình quân thu nhập của người lao động toàn ngành tăng thêm 0,7 lần.

Tới năm 2011, tiền lương bình quân là 2,782 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân ước là 4,869 triệu đồng/tháng.

Hiện, khối lượng công việc mà ngành Bảo hiểm Xã hội phải thực hiện là rất lớn, nhất là khi Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực từ năm 2008 bổ sung thêm việc thu, chi, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội tự nguyện; Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp ra đời năm 2009; yêu cầu giám định chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế…

Bên cạnh đó, số đối tượng tham gia và hưởng chế độ từ các loại hình bảo hiểm ngày một tăng cũng khiến khối lượng công việc phải giải quyết của ngành ngày một lớn.

Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng tính chất công việc của ngành rất phức tạp trong khi lương thấp nên không thu hút được nhân tài. Từ 2007 đến nay, toàn ngành đã có 1.353 người xin thôi việc.

Sửa luật nhằm mục tiêu kép

Các ủy viên UBTVQH chia sẻ với những khó khăn của ngành. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, UBTVQH quyết định cho phép Bảo hiểm Xã hội áp dụng mức chi tiền lương, tiền công đối với người lao động bình quân không vượt quá 1,8 lần so với chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.

Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng phải cân nhắc kỹ về đề nghị được trích kinh phí tiết kiệm từ hoạt động của ngành để chi bổ sung thêm thu nhập tối đa 0,2 lần mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Phùng Quốc Hiển nói, việc này sẽ dễ gây hiểu lầm rằng cắt xén bảo hiểm để tăng lương. Do đó, Bảo hiểm Xã hội phải đảm bảo các quỹ bảo hiểm sẽ không bị ảnh hưởng khi chi bổ sung thêm thu nhập trích từ việc tiết kiệm chi phí hoạt động của ngành.

Tuy nhiên, việc tăng chi tiền lương, phụ cấp cũng chỉ là giải pháp trước mắt. Báo cáo của Chính phủ và các ý kiến của UBTVQH cho rằng về lâu dài, Quốc hội cần sửa đổi nội dung chi phí quản lý bộ máy của Bảo hiểm Xã hội quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu và trình UBTVQH Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, việc sửa đổi Luật phải đồng bộ với các luật khác, không chỉ nhằm đảm bảo thu nhập cho người lao động trong ngành mà phải hướng tới mục tiêu toàn dân được tham gia bảo hiểm và nâng cao chất lượng của bảo hiểm.

Ngoài ra, các ý kiến của UBTVQH cũng đề nghị Bảo hiểm Xã hội cần tăng cường hiện đại hóa công tác quản lý quỹ để giảm biên chế, giúp tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức của ngành.

Cũng trong phiên họp sáng 14.10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chốt danh sách các chuyên đề về hoạt động giám sát của Quốc hội và UBTVQH trong năm 2012.

Sau khi bàn thảo về dự kiến chương trình giám sát (do Văn phòng Quốc hội trình), thay mặt UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã chốt chương trình giám sát của Quốc hội và UBTVQH sau khi sửa đổi một số nội dung.

Theo đó, về hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH nhất trí đưa ra 3 chuyên đề giám sát (thay vì 4 chuyên đề như Tờ trình của Văn phòng Quốc hội) để kỳ họp thứ 2 chọn 2 chuyên đề, bao gồm: Giám sát đầu tư công (trọng tâm là đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp- nông dân- nông thôn); giám sát về đất đai liên quan đến khiếu nại, tố cáo, đền bù giải tỏa; giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và thực hiện Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Về hoạt động giám sát của UBTVQH sẽ có 3 chuyên đề (thay vì 4 chuyên đề giám sát như Tờ trình), bao gồm: Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật quản lý khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về người có công; giám sát việc thực hiện chính sách đất ở và sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong 3 chuyên đề này, kỳ họp thứ 2 sẽ chọn ra hai chuyên đề để UBTVQH giám sát trong năm 2012.

Đối với các vấn đề cần giám sát khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng yêu cầu Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chọn ra từ 2 đến 3 chuyên đề để giám sát. Các Uỷ ban cũng nên giám sát 1 đến 2 chuyên đề phù hợp với lĩnh vực hoạt động của mình.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý khi giám sát lĩnh vực nào cần gắn với việc sửa đổi pháp luật liên quan đến lĩnh vực đó, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật. Ví dụ giám sát đất đai phải gắn liền với việc sửa đổi pháp luật đất đai mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện.

Danh sách chương trình hoạt động này sẽ được đưa ra kỳ họp thứ 2 để đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua.

(Theo chinhphu.vn)

 

 


 
Liên kết hữu ích