Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Vụ sản xuất mía 2010-2011 sắp tới, Xí nghiệp Nông nghiệp Thành Long thuộc Công ty CP đường Biên Hoà đặt chỉ tiêu phấn đấu là năng suất mía bình quân đạt từ 70 tấn/ha trở lên.
Xí nghiệp Nông nghiệp Thành Long (tiền thân là Nông trường Thành Long) thuộc Công ty CP đường Biên Hoà, được UBND tỉnh Tây Ninh quy hoạch gần 1.000 ha đất sản xuất nguyên liệu mía dọc biên giới Việt Nam- Campuchia trên địa bàn xã Thành Long, huyện Châu Thành, Tây Ninh từ năm 1998. Hơn 10 năm qua, Xí nghiệp đã từng bước đầu tư phát triển cây mía và đến nay vùng biên giới nơi đây đã trở thành vùng nguyên liệu mía có quy trình canh tác hiện đại nhất tỉnh.
Máy làm đất Rotocult thay thế 6 công đoạn cày xới trước đây |
Ông Lâm Nhựt An- Giám đốc Xí nghiệp Nông nghiệp Thành Long cho biết Xí nghiệp là đơn vị chuyên sản xuất nguyên liệu mía cung cấp cho Nhà máy đường Biên Hoà Tây Ninh. Ngoài ra, Xí nghiệp còn là nơi nghiên cứu khảo nghiệm các giống mía mới cho năng suất và chữ đường cao phù hợp với nhiều vùng đất để cung cấp cho nội bộ và nông dân hợp tác trồng mía với Nhà máy đường Biên Hoà Tây Ninh. Đồng thời Xí nghiệp cũng có chức năng nghiên cứu áp dụng những thiết bị cơ giới hoá tiên tiến trong và ngoài nước phù hợp với điều kiện canh tác tại địa phương, từ khâu: làm đất, trồng, chăm sóc, bón phân, thu hoạch và sử dụng hoá học trong các khâu diệt cỏ, diệt sâu bệnh, kích thích sinh trưởng để tăng năng suất và chữ đường cho mía. Sau khi khảo nghiệm thành công, Xí nghiệp lập các mô hình trình diễn để nông dân trồng mía tham quan và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật.
Từ trước năm 2009, gần như tất cả các công đoạn canh tác cây mía đều đã được Xí nghiệp Nông nghiệp Thành Long từng bước cơ giới hoá. Khâu làm đất thì có phay phá gốc mía, cày sâu không lật (cày ngầm), cày phá lâm 3-4 chảo, cày trụ (3 trụ và 5 trụ), máy bón vôi. Khâu trồng mía thì đã có máy trồng mía hoàn chỉnh hàng đơn và hàng đôi với 5 tác động bao gồm: rạch hàng, bón phân, rải hom, cày lấp và nén đất. Khâu chăm sóc mía thì có máy tề gốc- cày ra, máy bón phân loại lớn tự lấp, máy bón phân loại nhỏ sử dụng máy kéo 15-20CV, máy cào cỏ trong hàng và bừa giữa hàng, máy phun thuốc loại lớn, máy phun thuốc loại nhỏ, bừa đĩa trung (8 chảo). Tất cả những thiết bị cơ giới hoá đều có tính năng ưu việt hơn thủ công- cả về chi phí lẫn năng suất mía. Cụ thể như máy tung vôi có năng suất làm việc là 10 ha/ngày và vôi được rải đều khắp mặt ruộng. Dàn phay đất phá gốc mía và xới đất sâu trên 20cm, vừa đánh tơi gốc mía và làm nhuyễn đất với công suất làm việc: 3-4 ha/ngày. Cày ngầm (cày không lật) đảm bảo đất đạt độ sâu tối thiểu từ 45- 50 cm, giúp đất thấm rút nước nhanh hạn chế tình trạng úng cục bộ, tăng khả năng hút nước, hút phân của rễ và tăng khả năng chịu hạn cho cây mía. Cày phá lâm và cày 3 trụ đảm bảo độ sâu của khâu làm đất trên 30cm, giúp rễ mía ăn sâu, ít đổ ngã, chống chịu hạn tốt. Máy trồng mía có loại rạch hàng đôi hoặc hàng chiếc với năng suất làm việc 3 ha/ngày. Dàn tề gốc-cày ra thực hiện liên hợp 2 công đoạn tề gốc và cày ra với vận tốc 16 km/giờ, năng suất làm việc từ 4-5 ha/ngày. Dàn bón phân tự lấp thực hiện đồng thời 3 thao tác: rạch sâu trên 20cm, bón phân và sau đó là tự lấp ngay để giảm bốc hơi (đặc biệt đối với phân đạm). Chăm sóc mía còn có máy cào cỏ trong hàng và bừa giữa hàng, sử dụng máy kéo từ 20-30 mã lực, có tác dụng vừa diệt cỏ tạo xốp đất để giữ ẩm trong mùa nắng. Máy phun thuốc loại lớn có thùng chứa nước từ 1.000 lít và có thể phun 15ha/ngày. Làm cỏ giữa hàng mía, thì có máy làm cỏ xới đất giữ ẩm và lấp phân… Để vận hành các thiết bị cơ giới hoá, Xí nghiệp có hơn 15 đầu máy kéo với nhiều loại công suất. Hiện tại, ở Xí nghiệp Nông nghiệp Thành Long chỉ còn có công đoạn thu hoạch mía chưa thể áp dụng thiết bị cơ giới hoá được vì qua khảo nghiệm chưa thể chọn được thiết bị phù hợp và hiệu quả.
Xí nghiệp đang có hơn 15 máy kéo để kéo thiết bị cơ giới hoá |
Song song với việc áp dụng thiết bị cơ giới hoá, Xí nghiệp Nông nghiệp Thành Long còn đầu tư cải tạo đồng ruộng. Hiện tại, ở Xí nghiệp Nông nghiệp Thành Long mía được quy hoạch trồng theo từng lô, bên trong vùng nguyên liệu có đường giao thông rộng thuận tiện cho xe vận chuyển thiết bị cơ giới và nguyên liệu. Qua việc mạnh dạn áp dụng cơ giới hoá, năng suất mía ở Xí nghiệp được cải thiện rõ rệt. Những năm đầu sau khi khai hoang trồng mía, năng suất mía bình quân ở đây chỉ khoảng 40 tấn/ ha. Những năm sau được nâng cao dần và vụ thu hoạch 2009-2010 vừa qua, năng suất mía bình quân ở Xí nghiệp đã đạt đến 68 tấn/ha- cao hơn khá nhiều so với năng suất mía bình quân toàn tỉnh.
Năm 2010, Xí nghiệp Nông nghiệp Thành Long tiếp tục nhập thêm thiết bị cơ giới hoá canh tác cây mía công nghệ mới. Đặc biệt trong đó có máy làm đất Rotocult rất hiện đại, lần đầu tiên mới nhập vào Việt Nam. Máy làm đất Rotocult gồm có 6 dao xoay quanh trục thẳng với mặt đất, chỉ cần máy hoạt động một lần là làm đất hoàn chỉnh vì thay thế toàn bộ 6 công đoạn cày làm đất trước đây, đất đạt độ xốp, độ sâu rất tốt. Với những thiết bị cơ giới hoá ngày càng được áp dụng rộng rãi và ngày càng đổi mới công nghệ thì năng suất mía ở Xí nghiệp Nông nghiệp Thành Long sẽ tiếp tục ngày càng tăng.
Vụ sản xuất mía 2010-2011 sắp tới, Xí nghiệp Nông nghiệp Thành Long đặt chỉ tiêu phấn đấu là năng suất mía bình quân đạt từ 70 tấn/ha trở lên.
Sơn TrẦn