Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Dòng máu Xô viết anh hùng vẫn chảy trong huyết quản nhiều thế hệ, trở thành niềm tự hào thiêng liêng của người xứ Nghệ.
Xứ Nghệ luôn là vùng đất anh hùng, ghi dấu nhiều chiến công trong trang sử vàng dân tộc. Cao trào 1930-1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh đến hôm nay vẫn vang vọng hào khí, để lại những giá trị lớn lao cho đời sau. Dòng máu Xô viết anh hùng vẫn chảy trong huyết quản nhiều thế hệ, trở thành niềm tự hào thiêng liêng của người xứ Nghệ.
Xô viết Nghệ - Tĩnh là sự phát triển tất yếu của cao trào đấu tranh cách mạng của công nhân và nông dân cả nước trong những năm 1930-1931. Ảnh tư liệu.
Đất này đất Xô viết
Lần giở những trang sử dân tộc những năm đầu thế kỷ XX, giữa đêm đen nô lệ, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời như vầng mặt trời soi sáng, thức tỉnh Nhân dân vùng lên đánh đổ ách thực dân phong kiến. Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh nổ ra trong những năm 1930-1931 đã làm rung chuyển bộ máy cai trị, lan tỏa phong trào cách mạng khắp cả nước. “Kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước/ Nọ Thanh Chương tiếp bước đứng lên/ Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên/ Anh Sơn, Hà Tĩnh một phen dậy rồi” (Bài ca cách mạng - Đặng Chánh Kỷ).
Mở đầu cao trào là cuộc biểu tình của 1,200 công nông Vinh - Bến Thủy nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930. Tại nơi tập trung đông công nhân các nhà máy, ngọn lửa biểu tình bốc cao ngùn ngụt. Thực dân Pháp đã đàn áp dã man khiến 7 người chết, hàng chục người đã hy sinh tại đây.
Tượng đài công - nông Xô viết Trường Thi - Bến Thủy (Nghệ An). Ảnh: Báo Nghệ An
Liên tiếp sau đó, nhiều cuộc đấu tranh vô cùng sôi nổi và quyết liệt của Nhân dân ta diễn ra khắp Nghệ An, Hà Tĩnh. Các đội “tự vệ đỏ” ra đời đã hỗ trợ nông dân 2 tỉnh dồn dập tấn công vào chính quyền thực dân, phong kiến. Trước bão táp cách mạng của quần chúng, chính quyền thực dân phong kiến ở nhiều vùng Nghệ Tĩnh bị rối loạn, nhiều nơi bị tê liệt hoặc tan rã. Những “làng đỏ” từ miền ngược đến miền xuôi mọc lên khắp nơi, tiêu biểu là: Ngọc Điền, Tiến Linh, Chi Nê (Hưng Nguyên); Thanh Hà, Võ Liệt (Thanh Chương); Phúc Thọ (Nghi Lộc); Ngọc Sơn (Đô Lương); Liên Thành (Yên Thành); Bến Thủy - TP Vinh; Phù Việt (nay là Việt Tiến - Thạch Hà); Hồng Lộc, Phù Lưu, Tân Lộc (Lộc Hà); Vĩnh Lộc (nay là xã Khánh Vĩnh Yên - Can Lộc); Sơn Châu (Hương Sơn); Phú Phong (Hương Khê); Gia Lách (nay là thị trấn Xuân An, Nghi Xuân); Kim Nặc (nay là Cẩm Hưng - Cẩm Xuyên)…
Từ tháng 9/1930, phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh phát triển lên đến đỉnh cao. Hàng loạt cuộc biểu tình nổ ra ở 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, tiêu biểu là cuộc biểu tình của nông dân Hưng Nguyên và Can Lộc. Tại Nghệ An, sáng 12/9, khoảng 8,000 nông dân của 3 tổng: Phù Long, Thông Lãng (Hưng Nguyên) và Nam Kim (Nam Đàn) hàng ngũ chỉnh tề, trang bị gậy gộc, giáo mác, dây thừng, giương cờ đỏ búa liềm kéo về ga Yên Xuân.
Khi đoàn biểu tình vừa tiến đến Thái Lão, thực dân Pháp cho máy bay ném bom vào giữa đám đông làm nhiều người chết và bị thương. Buổi chiều, bà con nông dân ra khâm liệm và mai táng những người đã hy sinh, máy bay Pháp lại đến tàn sát một lần nữa làm 217 người chết, 125 người bị thương và hàng chục người bị bắt giam.
Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh tại thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc).
Tại ngã ba Nghèn, từ tháng 8 đến đầu tháng 9/1930, nhiều lần nông dân Can Lộc kéo về huyện đường đòi lại công điền, công thổ, đòi quyền tự do dân chủ. Đặc biệt, ngày 12/9, Huyện ủy Can Lộc đã phát động cuộc biểu tình với quy mô lớn. 5,000 người dân vùng thượng Can và hạ Can đội ngũ chỉnh tề, cầm băng cờ khẩu hiệu chia làm 3 mũi kéo về huyện đường đòi quyền dân sinh, dân chủ. Hoảng sợ trước khí thế đấu tranh của quần chúng, bọn đế quốc và phong kiến đã cho lính xả súng vào đoàn biểu tình làm 42 người hy sinh và hàng trăm người bị thương.
Nhiều tấm gương hy sinh anh dũng của các chiến sỹ cộng sản như Nguyễn Phong Sắc, Trần Hữu Thiều, Nguyễn Đình Liễn, Võ Quế, Phạm Thị Dung, Phan Gần, Nguyễn Khiên Sức, Nguyễn Thị Nghĩa, Trần Thị Hường, Nguyễn Thị Phúc… trở thành biểu tượng bất tử của lòng yêu nước, tinh thần cách mạng.
“Tổng này xã nọ kết liên/ Ta hò ta hét thét lên mau nào”. Thời điểm cuộc đấu tranh phát triển đến đỉnh cao, Nghệ An và Hà Tĩnh đã có 33 huyện, 111 tổng, 1,243 xã nổi dậy chống đế quốc phong kiến. Trong đó, Hà Tĩnh có 170 làng có nông hội đỏ đứng ra trực tiếp hoặc gián tiếp điều hành, quản lý công việc làng xã. Khí chất cách mạng, dòng máu đỏ đã trào dâng khắp miền quê xứ Nghệ.
Trong báo cáo có nhan đề “Nghệ - Tĩnh Đỏ” gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản ngày 19/2/1931, Nguyễn Ái Quốc đã đánh giá: “Trong thời kỳ chinh phục của Pháp và trong phong trào cách mạng quốc gia 1905-1925, Nghệ - Tĩnh đã nổi tiếng. Trong cuộc đấu tranh hiện nay, công nhân và nông dân Nghệ - Tĩnh vẫn giữ truyền thống cách mạng của mình, Nghệ - Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu Đỏ”. Nhà thơ Huy Cận sau này cũng ca ngợi:
Đất này đất Xô viết
Đảng mở hội cờ hồng
Tự tuổi vàng đá biết
Mặn mãi tình công nông
Tỏa sáng khí chất, tâm hồn người Xứ Nghệ
93 năm đã trôi qua nhưng dư âm của tiếng trống Xô viết vẫn còn vang dội, lay động mãi trong ký ức, tâm hồn người xứ Nghệ, trở thành niềm tự hào lớn lao của những người con núi Hồng - sông Lam. Theo dòng chảy lịch sử, dòng máu Xô viết tiếp tục được hun đúc, trở thành khí chất người Nghệ Tĩnh qua hai cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc ở thế kỷ XX và trong công cuộc đổi mới đất nước hôm nay.
Xô viết Nghệ Tĩnh là niềm tự hào lớn lao của những người con núi Hồng - sông Lam.
Dẫu nhọc nhằn, gian khó bởi thiên nhiên khắc nghiệt “gió Lào thổi rạc bờ tre”, hay trong những thời điểm sinh tử của dân tộc “lịch sử chọn ta làm điểm tựa”, lúc đói ăn thiếu mặc: “Năm tám mươi gạo cũng tám mươi/ Dân xứ Nghệ mặt vàng như nghệ”… thì con người Hồng Lam vẫn không ngại gian khổ, hy sinh, sẵn sàng đi đầu bước trước, một lòng nồng nàn yêu nước, thủy chung son sắt với Đảng, với cách mạng.
Hình ảnh những tấm gương lãnh tụ của Đảng, của dân tộc là người xứ Nghệ mãi soi sáng lịch sử dân tộc, trở thành điểm tựa tinh thần của các thế hệ người Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới; các Tổng Bí thư của Đảng: Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong; các bậc tiền bối cách mạng: Nguyễn Thị Minh Khai, Mai Kính, Phan Đăng Lưu, Trần Hữu Duyệt, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Bá Cảnh, Nguyễn Huy Lung… Tên tuổi các anh hùng, liệt sĩ: Lý Tự Trọng, Phan Đình Giót, Trần Can, Đặng Đình Hồ, 10 cô gái Đồng Lộc, Võ Triều Chung, Vương Đình Nhỏ… mãi còn lưu danh cùng sông núi muôn đời.
Hà Tĩnh ngày càng phát triển hiện đại, văn minh.
Người xứ Nghệ ngàn năm qua và hôm nay vẫn một lòng nồng nàn yêu nước, trung thành với Đảng, với Tổ quốc. Truyền thống của các “làng đỏ” ở Nghệ An, Hà Tĩnh luôn được phát huy. Hà Tĩnh là một trong 4 địa phương giành chính quyền sớm trong cả nước. Trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc ở thế kỷ XX, Nghệ An, Hà Tĩnh luôn là những tỉnh “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Người xứ Nghệ luôn can trường, dũng cảm, không ngại gian khổ, hy sinh, hiếu học, yêu đời, say sưa sáng tạo văn hóa, hiền hòa, khoan dung, lãng mạn mà thấm đẫm ân tình.
Chơ ai biết nước sông Lam răng là trong là (ơ) đục? Thì biết sống cuộc đời răng là nhục, là (ơ) vinh/ Thuyền em lên thác xuống ghềnh/ Nước non là nghĩa, là tình ai ơi…
Cầu Bến Thủy nối đôi bờ Nghệ - Tĩnh. Ảnh: Báo Nghệ An
Văn hóa, con người xứ Nghệ, khí chất Xô viết đã trở thành tài sản tinh thần vô giá, sức mạnh nội sinh to lớn để Nhân dân Nghệ An - Hà Tĩnh vượt qua mưa bom bão đạn, vượt qua nắng hạn bão giông, đoàn kết bên nhau chống kẻ thù chung, chinh phục thiên nhiên, tô đẹp non sông gấm vóc, xây dựng cuộc sống mới, xứng đáng với công lao của các bậc tiền nhân. Trong dòng thác đổi mới của đất nước, hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh đã có những bước chuyển mạnh mẽ làm thay đổi diện mạo vùng đất núi Hồng - sông Lam.
Suốt dọc dải đất từ Quỳnh Lưu đến thị xã Kỳ Anh, cuộc sống mới đang đổi thay từng ngày. Chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng, văn hóa - xã hội có những dấu ấn phát triển, đời sống người dân ngày càng no ấm, hạnh phúc, bộ mặt nông thôn mới các vùng quê rạng rỡ, tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng con người được khai thác, phát huy, xứng đáng với mong ước của cha ông ngàn đời.
“Ôi tâm hồn xứ Nghệ/ Trong hồn Việt Nam ta/ Có gì tự ông cha/ Rất xưa mà rất trẻ” (Huy Cận). Qua bao biến thiên của lịch sử, xã hội, tâm hồn người xứ Nghệ, khí chất người Nghệ vẫn vẹn nguyên, ngời sáng và tươi đẹp. Qua bao bồi lở của dòng chảy cuộc đời và nhân thế, câu ví giặm Nghệ Tĩnh hôm nay vẫn vang lên, phản chiếu đời sống tâm hồn người dân, tô đẹp cốt cách người Nghệ, làm cho quê hương Xô viết thêm đậm đà bản sắc, hấp dẫn du khách gần xa tìm về.
Nguồn BHT