BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xoá nghèo bền vững: Bắt đầu từ nhận thức

Cập nhật ngày: 19/04/2010 - 05:40

Một nông dân sản xuất giỏi người Khmer ở xã Hoà Thạnh (Châu Thành)

Chương trình thời sự của VTV1 tối 17.4.2010 có phát phóng sự về chuyện xoá đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở một tỉnh phía Bắc. Đoạn phim quay cảnh một chiếc máy xát lúa gần như đã trở thành “ve chai”.

Cái máy xát lúa được mua từ nguồn vốn của Nhà nước để xay xát lúa cho người dân. Từ khi được trang bị máy, đồng bào không còn cảnh giã gạo bằng sức nước hoặc dùng tay giã kiểu “tiếng chày trên sóc Bom Bo” nữa. Nhưng cái máy ấy chỉ hoạt động được một thời gian rồi “thất nghiệp”. Nguyên nhân rất đơn giản: đồng bào không có lúa để xát nữa! Đoạn phim cũng cho thấy những người đàn ông, lực lượng lao động chính đang ngồi uống rượu. Không phải uống bằng ly như ở miền Nam mà đồng bào phía Bắc uống rượu bằng bát, có như thế mới đã! Khi được nhà đài hỏi mấy ngày uống rượu một lần, người đàn ông thản nhiên: “ngày nào ta cũng uống”!

Thế mới hay, rượu là thứ nước duy nhất mà người nghiện thường đòi uống ngay cả khi không hề khát! Vẫn người đàn ông trong đoạn băng hình nói rằng, mình không lo bị đói, vì mỗi tháng Chính phủ cấp cho mỗi nhân khẩu 10 kg gạo, hết lại báo với chính quyền. Vì thế, hằng ngày họ “vô tư” “chích” rượu!

Xem phóng sự mới thấy, để xoá đói giảm nghèo thật không hề đơn giản chút nào! Một phần nguyên nhân khiến cái đói, cái nghèo cứ bám riết là do trình độ nhận thức của một bộ phận người dân nói chung, đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng còn rất thấp. Có những người không thích lao động. Hết mùa, lúa trong bồ cũng hết, cả nhà lại rau cháo, thậm chí vào rừng đào củ mài, hay xắn măng lót dạ qua ngày. Được Chính phủ hỗ trợ lương thực, nhiều kẻ lại nảy sinh tâm lý ỷ lại- hết gạo đã có Nhà nước lo!

Ngay cả người Kinh định cư ở đồng bằng cũng có không ít gia đình có thái độ ỷ lại, chờ viện trợ của Nhà nước và các tổ chức xã hội. Khi có một dự án xoá đói giảm nghèo nào đó, không ít người dân có tâm lý chỉ muốn lấy tiền mặt chứ không muốn thực hiện dự án. Mới đây nhất, Báo Tây Ninh có đăng bài viết về chuyện trồng nấm bào ngư. Trong quá trình đi thu thập thông tin để viết bài, phóng viên được cán bộ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cung cấp một thông tin rất đáng suy ngẫm: khi lên danh sách các hộ nghèo sẽ được hỗ trợ giống, vật tư và kỹ thuật để trồng nấm, có hộ đã từ chối. Họ nói, nếu Nhà nước giúp đỡ thì tốt nhất nên “cho thẳng” tiền mặt rồi để họ tự dùng số tiền ấy như thế nào là tuỳ ý! Dĩ nhiên yêu cầu này không được chấp thuận. Một số người không hiểu (hoặc không chịu hiểu) rằng, Nhà nước muốn tạo công ăn việc làm lâu dài cho dân, giúp dân phát triển bền vững chứ không chỉ là chuyện cấp tiền. Trong số những nguyên nhân khiến dự án trồng nấm bào ngư thất bại, cũng có một nguyên nhân là do: người dân đã không thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật. Ở đây có vai trò của chủ dự án và nhà thầu, nhưng người trồng cũng có một phần trách nhiệm khi dự án thất bại.

Còn nhớ có lần ti vi chiếu cảnh nhân viên ngân hàng đến thu hồi vốn xoá đói giảm nghèo tại một tỉnh nọ. Thấy cán bộ đến, bà con đã lấy tiền vay được cất kỹ trong ống nứa đem ra trả! Thì ra, sau khi vay tiền về, do không biết dùng vào việc gì nên người vay đã cất hết vào ống nứa, giấu kỹ trên kèo nhà, đến hạn trả nợ thì lại… mang xuống trả!

Cũng có không ít trường hợp được vay vốn ưu đãi, thay vì đầu tư làm ăn, người vay đã dùng số tiền đó mua xe máy, bàn ghế về “trang trí” trong nhà cho oai!

Thiết nghĩ, muốn xoá đói giảm nghèo một cách bền vững, không để tình trạng tái nghèo nhất thiết phải nâng cao nhận thức, hay nói cách khác là “xoá nghèo về nhận thức” cho người dân. Phải làm cho mọi người dân biết rằng, muốn thoát nghèo đói trước hết là bản thân phải tự lực cánh sinh.

Đ.V.T