BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xóm Bà Đao

Cập nhật ngày: 10/05/2011 - 09:33

Theo đường Xuyên Á từ Gò Dầu tới Mộc Bài, qua ngã ba rẽ trái về dinh Ông một đoạn là đến lối rẽ phải vào xóm Bà Đao. Xưa là lối nhỏ, nhưng nay đã thành đường hẳn hoi, trải đá nhựa đàng hoàng với mặt nhựa rộng chừng ba mét. Xóm Bà Đao thuộc về ấp Chánh, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu, nằm ở gần cuối con đường ấy, cách đường Xuyên Á độ một cây số chạy vòng vo. Biết được cái tên xa xưa ấy của xóm, là nhờ vào việc năm ngoái Bảo tàng tỉnh đã có cuộc khai quật khảo cổ ở đây. Kết quả đem về nhiều mảnh vỡ gốm đất nung, một số công cụ đá của thời sơ sử cách nay trên dưới 3.000 năm, như rìu tứ giác, bàn mài sa thạch…

Khai quật rìu đá gò Bà Đao.

Mấy ngàn năm thì chưa thấy đâu, nhưng cứ nhìn nhiều ngôi nhà chữ đinh nâu trầm ngói cũ dưới những vườn cây rợp mát, cũng đoán được đây là vùng đất cổ người Việt định cư cũng đã lâu đời.

Vừa hay, gặp ngay một nhóm người trong xóm đang tụ tập chuyện trò dưới gốc me già cổ thụ. Đông nhất là trẻ con, sau nữa là thanh niên và phụ nữ. Người cao tuổi nhất được mọi người gọi là bác Năm, tuổi đã 75, kể cho nghe về nguồn gốc cái tên thường gọi lâu nay của xóm. Bác bảo: chẳng có tên người phụ nữ nào như thế đâu! Ông bà kể lại xa xưa, vùng đất này có cả người Khmer cùng người Việt mình sinh sống. Hôm nào trời nắng nóng quá thì người Khmer hay kêu lên hai tiếng: Bà Đao hoặc Ca - Đao gì đó. Thế là dân ta từ đấy mới gọi trại ra thành xóm Bà Đao. Chuyện này cũng đã quá xa rồi, không biết có bị tam sao thất bản hay không? Bác Năm còn cho biết, xóm Bà Đao này có từ bao giờ không ai biết rõ. Chỉ riêng gia đình bác đã từng sống ở đây đã khoảng 4 đời, từ hồi ông bà sơ, đến nay cũng đã khoảng 150 năm. Thôi, chuyện xưa khi có dịp lại bàn. Chuyện hôm nay là đến thăm khu khảo cổ của xóm Bà Đao, chuyện này thì chẳng ai rành cho bằng lũ trẻ. Những đứa trẻ trai mình trần, da bánh mật ong óng đỏ. Cả những em bé gái đang rủ nhau ra bến sông hái ngọn và bông lục bình. Chúng tạm thời dẹp hết mọi chuyện lại, dẫn ra những mảnh vườn tre nơi từng chứa rất nhiều di vật cổ. Di vật ở đây là những mảnh vỡ gốm sành, nổi ngay trên mặt đất gò xơ xác lá khô. Y chang như những hiện vật các anh bảo tàng từng đã đem về hồi năm ngoái. Chỉ tiếc là chẳng còn món đồ gốm sành nào nguyên vẹn cả. Mấy cậu bé lại mách: ngoài sông trước kia thấy có cả những nồi, vò nhưng phải lặn tìm. Vậy thì ra sông! Bến sông, hay nói chính xác hơn là bến Bà Đao trên bờ những dòng rạch nhỏ chỉ cách vườn tre chừng hơn trăm mét. Cảnh quan bến nước thật hữu tình với một cây gừa nhiều rễ nhánh nằm xoài ra trên mặt nước. Mươi chiếc xuồng con và vỏ lãi còn nằm tơ hơ trên bờ hoặc đã thả xuống rạch nằm chen giữa lục bình lác đác những chùm bông tím. Đang trưa trời nắng, nên lũ trẻ gặp nước là rủ nhau nhảy ùm xuống tắm. Bến sông này không chỉ đẹp mà còn tiện lợi nữa, là vì có ba bốn con rạch nhỏ châu về. Anh thanh niên đang giạt lục bình lấy lối ra cho chiếc xuồng kể: - Hai con rạch chảy ra sông Vàm Cỏ Đông, còn một con rạch chạy ra quốc lộ 22.

Lũ trẻ tắm chán lại rủ nhau lên bờ đi bắt cắc ké để bán. Cậu bé có tên Nguyễn Hoàng Phúc, học lớp 5, chỉ mới câu một lúc đã được gần chục con cho vào chiếc túi lưới cầm tay. Cần câu, là một cành tre nhỏ, đầu buộc một sợi ni lon khoanh làm thòng lọng. Thấy cắc ké ở đâu, bờ rào hay trên những bụi tre là cậu lại khéo léo lừa dây thòng lọng vào đầu, giật mạnh cho chúng văng ra rồi nhanh tay chộp lấy. Cậu kể mỗi con bán với giá hai ngàn. May mắn thì một ngày chủ nhật cũng được dăm bảy chục con, gọi là đủ tiền giấy viết. Cậu còn khoe, đã “truyền nghề” cho hai “đệ tử” con nhà nghèo trong xóm.

Trên bến Bà Đao.

Đã trở nên thân quen, nên bọn trẻ xóm Bà Đao cũng cho xem “kết quả khảo cổ” của riêng mình. Chúng bảo, mảnh gốm vỡ thì chẳng thèm, chỉ giữ những lưỡi rìu đá mà người lớn hay gọi là lưỡi tầm sét, với lời truyền tụng lâu nay là do ông thiên lôi phóng xuống gây ra sấm sét. Do vậy cũng theo lời đồn thổi thì nhà có trẻ con đau bụng bất thường, mài lưỡi đá ấy vào nước cho uống là khỏi bệnh. Những lưỡi tầm sét này có khá nhiều ở xóm Bà Đao, nhất là trong mấy bụi tre gai. Thực ra, đối chiếu với hiện vật bảo tàng thì chúng chính là những chiếc rìu đá của thời kỳ đồ đá mới có niên đại cách nay từ 3.000 đến 5.000 năm trước, giống hệt như loại rìu từng tìm thấy ở dinh Ông - cũng là một di chỉ khảo cổ cách xóm chưa đầy 2km. Từ đấy mà suy, An Thạnh quả là một vùng trầm tích những nền văn hoá xa xưa. Điều này thật đáng để các cấp, ngành quản lý quan tâm.

TRẦN VŨ