Thời Sự - Chính trị   Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỷ niệm 113 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (5.6.1911 - 5.6.2024):

“Xôn xao Bến cảng Nhà Rồng”
Bài 1: “Tiếng sấm mùa xuân xua tan sương mù” 

Cập nhật ngày: 05/06/2024 - 07:06

BTN - Năm 2024, tròn 113 năm người thanh niên Nguyễn Tất Thành lưu luyến chia tay người cha bên bờ biển Phan Thiết để vào bến Nhà Rồng và sau đó bắt đầu cuộc hành trình, “tìm đường đi cho dân tộc theo đi”.

Nguyễn Ái Quốc (sau này gọi là Hồ Chí Minh) phát biểu tại Ðại hội thành lập Ðảng Cộng sản Pháp tháng 12.1920. Ảnh: Michael Goebel

14 năm trước, năm 2010, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách  “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay”, tập hợp bài viết của nhiều tác giả trong và ngoài nước về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 2024, tròn 113 năm người thanh niên Nguyễn Tất Thành lưu luyến chia tay người cha bên bờ biển Phan Thiết để vào bến Nhà Rồng và sau đó bắt đầu cuộc hành trình, “tìm đường đi cho dân tộc theo đi”. Thời gian dần trôi, mọi thứ đều có thể biến đổi. Nhưng có một sự thật, sự thật vĩ đại, vĩnh viễn: lòng yêu nước nồng nàn, khát vọng cháy bỏng, quyết tâm sắt đá trong con người Hồ Chí Minh đối với vận mệnh dân tộc.

Trong bài “Tiếng sấm mùa xuân”: Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác và nghệ thuật thực tiễn”, Tiến sĩ John Callow- Giám đốc Trung tâm lưu trữ, Bảo tàng Thư viện Marx tại London, Vương quốc Anh viết: “Một ngày tháng 9.2008, một đám đông trẻ nhỏ được tập hợp lại để xem màn biểu diễn múa rối truyền thống của Việt Nam. Bọn trẻ hoàn toàn bị chinh phục bởi sắc màu rực rỡ của những con chim, bởi vũ điệu của chúng, bởi khói và pháo hoa nổ lách tách trên sân khấu. Nước Việt Nam đã hiện diện ở London. Trong số khán giả xem buổi biểu diễn đó, không có nhiều người lớn biết rằng người sáng lập ra nước Việt Nam hiện đại đã từng in dấu chân của mình trên những công viên của London một cách thầm lặng, không gây bất cứ sự chú ý nào”.

Con người làm hồi sinh cả một dân tộc

Tiến sĩ John Callow viết, mùa hè năm 1914, khi dân tộc Việt Nam còn chưa được ghi nhận trên bản đồ chính trị thế giới, nền văn hoá Việt Nam còn bị chà đạp, bị huỷ hoại ngấm ngầm bởi các lực lượng thực dân đế quốc Pháp, làm sao người ta có thể nghĩ rằng đất nước này sẽ giành được tự do, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội qua tấm gương của một con người sẽ trở nên nổi tiếng thế giới với cái tên Hồ Chí Minh. Thời đó, chỉ là một người nhập cư vô danh, một người rời quê hương đầy thương tích, Hồ Chí Minh bị cuốn hút đến trung tâm của một đế chế tầm cỡ thế giới, tìm được công việc quét tuyết và thuê trọ ở một trong những khu phố nghèo nhất London. Song, những thành quả hoạt động của Người và cách Người sử dụng những phát hiện của mình ở chính trung tâm của đế chế đó, lại rất rõ ràng đối với những người Việt Nam hôm nay. Người Việt Nam đã mất gần một thế kỷ để đi từ thời quan lại phong kiến suy tàn, khi tàu chiến của Pháp neo đậu trong vịnh Bắc Bộ, quân đội và cảnh sát nước ngoài đóng ngay trên phố xá Hà Nội, cho đến chiến tranh cách mạng và chiến tranh giải phóng, xây dựng và thống nhất đất nước và phát triển trong hoà bình của một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Quá trình phát triển của Việt Nam ở mỗi bước ngoặt đều gắn liền với những tư tưởng và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu như khi còn là một thanh niên, Hồ Chí Minh đã tiến hành cuộc nổi dậy đơn độc của mình trên khắp các con phố ở Paris, London và New York thì sau này, cuộc nổi dậy đó đã sớm lan rộng để tạo nên niềm hy vọng, những ước mơ, nền văn hoá và niềm tự hào của toàn dân tộc Việt Nam. Nếu như ngày nay, Hồ Chí Minh được nhớ đến là người sáng lập ra Ðảng Cộng sản Việt Nam, vị Chủ tịch của nước Việt Nam, người tổ chức mọi thắng lợi trong chiến tranh cũng như trong hoà bình và là “con người làm hồi sinh cả một dân tộc”, những thành tựu đó không phải ngẫu nhiên có được. Nó phải trải qua quá trình hun đúc và thể nghiệm một học thuyết cách mạng, kiên trì vận dụng học thuyết đó vào thực tiễn. Tư duy sáng tạo, mạnh dạn và phóng khoáng như chính bản thân chủ nghĩa Marx, Hồ Chí Minh đã đem lại sự cộng hưởng thực sự giữa những trào lưu tư tưởng tiên tiến nhất của phương Tây và những truyền thống bản địa về tính cộng đồng, tinh thần tự cường và lòng trung với đất nước vốn là những dấu ấn thử vàng của lịch sử Việt Nam. Hồ Chí Minh không chỉ kế thừa di sản của Karl Marx, Friedrich Engels và Vladimir Ilyich Lenin, mà Người còn biết tiếp biến tư tưởng tiến bộ của George Washington và Thomas Jefferson, đồng thời tiếp bước những người anh hùng dân tộc của Việt Nam như Phan Ðình Phùng, Hoàng Hoa Thám…

Ðiều đáng ngạc nhiên, theo Tiến sĩ John Callow, đến nay (2010) phương Tây vẫn chưa nhiều người biết đến sự đóng góp của Hồ Chí Minh cho khoa học Marxist. Vị tiến sĩ người Anh đánh giá, Hồ Chí Minh không ngừng tự học hỏi, tiếp thu những kỹ năng, kinh nghiệm mới trong suốt cuộc hành trình của mình qua các nước châu Âu, châu Á, châu Phi và châu Mỹ - những điều có thể giúp ích cho Người khi trở về Tổ quốc.

Ngày 5.6.1911, từ Bến Nhà Rồng - cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc, ra đi trên con tàu Amiral Latouche Tréville để thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc.

Phương Tây ngạc nhiên

Tháng 5.1914, Người rời cảng Le Havre của Pháp để đến nước Anh sau gần 3 năm làm việc trên một tàu buôn lớn và di chuyển liên tục từ các nước đế quốc châu Âu sang các nước thuộc địa ở châu Phi. Trong 3 năm đó, khi làm nhân viên phục vụ, khi làm thuỷ thủ, Người đã đặt chân lên đất Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, đến vùng bờ biển Bắc Phi, Congo và đảo Madagasca. Ở thành phố cảng Marseilles, Người đã tận mắt chứng kiến cách thức nhà nước Pháp được quản lý như thế nào, đã chăm chú theo dõi đoàn tàu chiến Pháp chạy bằng hơi nước xuyên biển Ðịa Trung Hải và nhận ra cách thức nước Pháp đối xử với các dân tộc thuộc địa. Người quyết định đi đến tận trung tâm nước Anh, quốc gia khi đó được coi là đế chế lớn nhất thế giới, để có thể học tiếng Anh và tận mắt quan sát cách thức nắm giữ và sử dụng quyền lực của đế chế cường quốc này.

Có thể chính trong thời gian ở London, lần đầu tiên Hồ Chí Minh đã đọc các tác phẩm của K. Marx và F. Engels. Các tác phẩm này được Twentieth Century Press- cơ quan xuất bản của Ðảng Dân chủ xã hội Anh, đặt trụ sở tại toà nhà Clerkenwell Green ở London- xuất bản thành những cuốn sách giá rẻ. Ngày nay, toà nhà này trở thành Thư viện tưởng niệm K. Marx và có một bức chân dung của Hồ Chí Minh được treo hành lang bên ngoài căn phòng nơi V.I. Lenin từng ngồi làm việc vào những năm 1902-1903. Tấm chân dung ấy của Hồ Chí Minh là bằng chứng về mối liên hệ giữa nhà xuất bản và vị khách nổi tiếng của mình. Những cuốn sách nói trên vô cùng hấp dẫn đối với chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc. Hồ Chí Minh viết trên tấm bưu thiếp gửi cho ông Phan Châu Trinh, một người Việt Nam yêu nước khi đó sống ở Paris, nói rằng, mặc dù phải sống xa quê hương và gia đình nhưng Người không đơn độc trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân.

Một khía cạnh đáng chú ý trong tính cách Hồ Chí Minh là người không căm thù một cách mù quáng những dân tộc đi vơ vét của cải và đem nghèo đói, khốn cùng và những thứ thuốc ru ngủ đến cho chính nhân dân ông. Ngay ở phương Tây, người ta cũng tỏ ra ngạc nhiên và lạ lùng khi Hồ Chí Minh lại chọn mở đầu bản Tuyên ngôn Ðộc lập năm 1945 của nước mình bằng những đoạn trích Tuyên ngôn Ðộc lập nước Mỹ của chính Tổng thống Jefferson. Tuy nhiên, nếu nhìn lại nền tảng kiến thức của Hồ Chí Minh, triết lý tiến bộ của Người và nhận thức của Người về học thuyết của Mác và học thuyết của V.I. Lenin như là sự kế tục thực sự tư tưởng của thời trước đó, người ta sẽ thấy rằng, việc Hồ Chí Minh đặt nền móng nhà nước của mình trong khuôn khổ được thiết lập bởi một nền cộng hoà cách mạng non trẻ khác, cũng là điều tự nhiên.

“Xua tan sương mù”

Ðiểm nổi bật trong sự nghiệp của Hồ Chí Minh làm cho Người khác với những nhà lý luận Marxist khác chính là khả năng phát triển tư tưởng của V.I. Lenin lên tầm cao mới. Người tìm cách thích ứng quan niệm của V.I. Lenin về một chính đảng tiền phong cho phù hợp với hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam, xây dựng một kiểu chủ nghĩa Marx vừa hoà hợp, vừa củng cố thêm nền văn hoá truyền thống Việt Nam và đặt nền móng cho sự ra đời của một nhà nước ổn định và thịnh vượng, có khả năng bảo đảm sự độc lập, phồn vinh và tự do cho nhân dân lao động.

Cho dù nhiều thứ, cả ở Việt Nam và cả trên thế giới, đã thay đổi sau khi Hồ Chí Minh qua đời, những thiết chế mà Người sáng lập vẫn có chung bản chất, giống như mối quan hệ giữa cây và quả. Theo nghĩa này, rất nhiều trong số những niềm tin cho rằng Hồ Chí Minh đã luôn đấu tranh trong suốt cuộc đời mình - sự phản đối của Người đối với chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, đói nghèo và áp bức, cả ở trong nước và nước ngoài dường như xa lạ và không thực tế trong kỷ nguyên của những đế quốc châu Âu, thì giờ đây lại thống nhất hoàn toàn trong cấu trúc xã hội chủ đạo. Người giống như “tiếng sấm mùa xuân” phá tan đám sương mù cản trở bước tiến của chúng ta cũng như của toàn nhân loại đến tương lai.

VIỆT ÐÔNG

(còn tiếp)