Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tổ chức phiên toà trực tuyến:
Xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp
Chủ nhật: 23:07 ngày 28/11/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bên cạnh yếu tố con người, hệ thống camera, đường truyền internet của Toà án được trang bị đầy đủ. Việc tổ chức phiên toà trực tuyến là phù hợp với tình hình thực tiễn phòng, chống dịch hiện nay. Cái được thấy rõ nhất là giúp hạn chế tiếp xúc, một số đơn vị không phải đi lại.

Cán bộ, công chức TAND huyện Tân Biên theo dõi diễn biến phiên toà trực tuyến thí điểm.

Nghị quyết tổ chức phiên toà trực tuyến vừa được Quốc hội khoá XV biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 2 với 468/475 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Đây là một phương thức tố tụng mới được áp dụng trên nền tảng công nghệ, đáp ứng yêu cầu cấp thiết trước mắt và lâu dài của ngành Toà án.

Theo Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình, việc tổ chức phiên toà trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp; xét xử trực tuyến nói riêng, tố tụng trực tuyến nói chung phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc, tố tụng do pháp luật quy định và đáp ứng yêu cầu cấp bách thực tiễn hiện nay.

Việc tổ chức phiên toà trực tuyến bảo đảm tư pháp không chậm trễ, xét xử nhanh chóng, kịp thời; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân có liên quan; tạo cơ chế thuận lợi để tổ chức và cá nhân tham gia phiên toà, tiết kiệm chi phí xã hội. Đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả năng lực hoạt động của Toà án, từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với xu thế quốc tế và là bước đi cần thiết cho việc xây dựng Toà án điện tử.

Theo nghị quyết tổ chức phiên toà trực tuyến, TAND được tổ chức phiên toà trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng (trừ các trường hợp: vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật Nhà nước; vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự; vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật Hình sự).

Phiên toà trực tuyến là phiên toà được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác nhau tham gia phiên toà tại địa điểm ngoài phòng xử án do Toà án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên toà bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm.

Việc tổ chức phiên toà trực tuyến phải tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên toà.

Với 468/475 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, nghị quyết về tổ chức phiên toà trực tuyến được Quốc hội khoá XV chính thức thông qua tại kỳ họp thứ 2 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2022. Quốc hội giao Chánh án TAND tối cao theo thẩm quyền ban hành hoặc chủ trì, phối hợp với Viện trưởng VKSND tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và thủ trưởng các cơ quan khác có liên quan ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành nghị quyết này. Đây là cơ sở để hệ thống TAND các cấp trên cả nước triển khai thực hiện các phiên toà trực tuyến trong thời gian tới.

Thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các hoạt động của TAND hai cấp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng. Để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch, các Toà án tạm ngưng xét xử các vụ án để tránh tập trung đông người; không tổ chức tiếp công dân; đề nghị công dân gửi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, tài liệu, chứng cứ qua đường bưu điện; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, họp và giao ban trực tuyến.

Thời điểm này, TAND hai cấp trên địa bàn tỉnh đã hoạt động trở lại trong trạng thái “bình thường mới”, tất cả mọi công dân khi đến Toà án đều phải đeo khẩu trang, khử khuẩn, khai báo y tế, người triệu tập dự tại các phiên toà giãn cách tối thiểu 2m và bố trí phòng xử trực tuyến nếu có đủ điều kiện.

Mới đây, TAND huyện Tân Biên thực hiện thí điểm xét xử trực tuyến vụ “Giữ người trái pháp luật”. Phiên toà này được kết nối trực tuyến với các điểm cầu TAND tỉnh, TAND các huyện: Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu và Viện KSND tỉnh, Viện KSND 9 huyện, thị xã, thành phố để theo dõi, rút kinh nghiệm.

Ông Nguyễn Thọ Cường- Chánh án TAND huyện Tân Biên cho rằng: “Hiện tại, khó khăn nhất của việc tổ chức phiên toà trực tuyến là hệ thống đường truyền mạng chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao.

Nếu đường truyền mạng phục vụ xét xử trực tuyến không ổn định sẽ gây gián đoạn quá trình xét hỏi, tranh luận, phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của người tham gia phiên toà. Còn nếu đường truyền mạng tốt, theo tôi xét xử trực tuyến hay trực tiếp cũng không khác nhau mấy”.

Từ kinh nghiệm tổ chức phiên toà trực tuyến vừa qua, ông Nguyễn Thọ Cường cho biết, cơ bản TAND huyện Tân Biên sẵn sàng cho việc tổ chức phiên toà trực tuyến. Bên cạnh yếu tố con người, hệ thống camera, đường truyền internet của Toà án được trang bị đầy đủ.

Việc tổ chức phiên toà trực tuyến là phù hợp với tình hình thực tiễn phòng, chống dịch hiện nay. Cái được thấy rõ nhất là giúp hạn chế tiếp xúc, một số đơn vị không phải đi lại. Tâm lý bị cáo tốt hơn, bớt hồi hộp, lo lắng, khai báo rõ ràng hơn.

Theo ông Nguyễn Thọ Cường, muốn tổ chức tốt các phiên toà trực tuyến, trong thời gian tới, cần nâng cấp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống đường truyền kết nối giữa điểm xét xử trung tâm tại Toà án với cơ quan điều tra (các nhà tạm giam, tạm giữ), Viện KSND.

Phương Thuý

Tin cùng chuyên mục