Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Xử phạt môi trường: Không chế tài nghiêm thì nói mãi cũng nhờn
Thứ năm: 20:01 ngày 11/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhấn mạnh tình trạng môi trường xuống cấp trầm trọng, đặc biệt là sau bài học từ thảm họa Formosa, các ĐBQH đề nghị cần phải chặn ngay những công nghệ lạc hậu...

Sáng 11-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi. Đây là dự luật đang được kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV cho ý kiến lần đầu, dự kiến thông qua vào kỳ họp 10 (tháng 10-2020).

Từ vụ Formosa, phải chặn được công nghệ gây ô nhiễm

Thảo luận tại tổ, ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) nói: "Thảm họa ô nhiễm môi trường Formosa năm 2016 đã làm thức tỉnh mọi tổ chức, cá nhân trong bảo vệ môi trường vì nó tác động đến kinh tế, chính trị và mọi hoạt động khác. Sau đó Chính phủ đã giao các bộ ngành và Bộ TN&MT vào cuộc điều chỉnh ngay luật bảo vệ môi trường” – ông Sơn nói.

ĐBQH Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh). Ảnh: TP

Theo ông Sơn cần phải coi trọng vấn đề tiền kiểm về môi trường đối với các dự án đầu tư tại Việt Nam. Đặc biệt kiểm soát được họ đầu tư công nghệ gì, và nếu “cơ quan chức năng chưa thẩm định về môi trường, thì DN chưa được vào sản xuất”. “Vì khi người ta đầu tư công nghệ vào rồi, sau này không đạt, bắt người ta phá bỏ toàn bộ thì rất ảnh hưởng đến kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và cả tâm lý của nhà đầu tư” – ông Sơn nói.

Theo ông, khi doanh nghiệp thông qua khâu tiền kiểm, đi vào hoạt động thì cơ quan nhà nước hạn chế, hoặc có thể không bao giờ thanh kiểm tra. Nếu phát hiện dấu hiệu gây ô nhiễm, vi phạm pháp luật môi trường thì thanh, kiểm tra đột xuất, thậm chí thanh kiểm tra liên tục tới 5-7 lần để xử lý dứt điểm việc vi phạm.

ĐBQH Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang. Ảnh: TP

Từng tham gia xử lý sự cố Formosa giai đoạn còn làm Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư tỉnh ủy Hà Giang cho rằng từ bài học của Formosa thì có rất nhiều vấn đề cần phải làm khi xây dựng Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi). Đặc biệt là việc nhà nước cần phải đầu tư thêm kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường.

Ví dụ như đầu tư cho kinh phí quan trắc môi trường tự động để kiểm tra, giám sát về môi trường chứ “không thể lúc nào cũng tiến hành kiểm tra thành đoàn được”. “Luật đề xuất chi ngân sách 2% cho môi trường là không đủ, phải cao hơn nữa vì còn chi cho cả đầu tư bảo vệ môi trường nữa chứ không đơn thuần là xử lý ô nhiễm môi trường” – ông Khánh nói.

Chế tài môi trường phải nặng như xử phạt rượu, bia

Phát biểu tại thảo luận tổ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, vấn đề môi trường là thách thức không chỉ ở Việt Nam mà cả toàn cầu. “Hơn lúc nào hết phải cương quyết bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân, trong đó phải quán triệt bảo vệ môi trường. Nếu coi trọng phát triển kinh tế mà xem nhẹ bảo vệ môi trường là sai lầm. Sự cương quyết đó phải thể hiện qua đường lối, chính sách, luật pháp, ứng xử và tư duy” – Thủ tướng nói.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: TP

Dẫn chứng hiệu quả từ Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 cụ thể hóa các quy định của luật, Thủ tướng đặt vấn đề, nên chăng cần có một nghị định tương tự với chế tài nghiêm khắc bên cạnh công tác tư tưởng, vận động, tuyên truyền giáo dục cũng như khuyến khích áp dụng công nghệ trong sản xuất, xử lý rác thải để bảo vệ môi trường.

“Tình hình uống rượu lái xe, tai nạn giao thông do uống bia rượu giảm hẳn. Phải rút ví bỏ ra hàng chục triệu đồng nộp phạt mới nâng cao ý thức. Chúng ta không có chế tài nghiêm thì nói mãi cũng nhờn” – Thủ tướng nhấn mạnh. Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị luật phải làm rõ hơn vai trò quản lý nhà nước cũng như chức năng của các bộ, ngành, không thể một bộ “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Cùng quan điểm này, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cho rằng phải xử thật nghiêm minh đối với những DN có hệ thống xử lý môi trường, nhưng vẫn lắp đặt riêng hệ thống để xả thải thẳng ra môi trường nhằm đối phó với cơ quan chức năng. “Phải có mức xử phạt thật nghiêm, xử phạt cao gấp nhiều lần so với mức lợi nhuận họ đạt được, để họ nghĩ tới mức phạt đó thôi đã không dám vi phạm rồi. Còn mình phạt để họ tính toán lời được bao nhiêu, phải nộp phạt bao nhiêu thì họ sẽ ung dung vi phạm” – bà Tâm nói.

Siết chặt kiểm soát với doanh nghiệp gây ô nhiễm

Thay mặt cho cơ quan soạn thảo dự luật, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết quan điểm xây dựng luật đặt nguyên tắc hàng đầu là người Việt Nam phải được quyền sống trong môi trường trong lành. Theo đó, dự luật đã đưa ra các tiêu chí, quy chuẩn về môi trường tương đương với các nước phát triển, yêu cầu các công nghệ sản xuất đáp ứng được các tiêu chuẩn này mới được vào Việt Nam.

Cũng theo ông Hà, một trong những chính sách mới dự luật đưa ra là kiểm soát chặt chẽ các dự án, cơ sở sản xuất ở nhóm gây ô nhiễm và có nguy cơ ô nhiễm cao, thay vì kiểm soát môi trường theo kiểu “cào bằng” như luật hiện hành. “Sau sự cố Formosa, chúng tôi đã khoanh vùng 17 nhóm ngành, lĩnh vực sản xuất tổng lượng thải lớn, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao để siết chặt quản lý về môi trường” – Bộ trưởng Hà cho biết.

Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà. Ảnh: TP

Theo ông Hà điều này sẽ giúp cắt giảm 40% lượng thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường mà các DN phải thực hiện, đồng thời tiết kiệm dược hành chục nghìn tỷ đồng mà các DN phải chi phí cho môi trường hàng năm.

Vì hiện phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất (chiếm 80 %) là thân thiện với môi trường, chỉ có 5% cơ sở sản xuất gây ô nhiễm cao. Luật hiện hành yêu cầu 100% các DN (cả nhóm nguy cơ gây ô nhiễm lẫn nhóm thân thiện với môi trường) phải làm các thủ tục về môi trường, mỗi năm phải quan trắc môi trường định kỳ 2 lần, chi phí rất tốn kém.

Nguồn PLO

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục